Kinh tế

Con số đáng lo ngại về năng suất lao động tại Việt Nam

Theo thống kê, hiện năng suất lao động của Việt Nam đang thấp nhất trong khối Asean. Trong đó, năng suất các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông xếp sau cả Campuchia.

Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Campuchia

Trả lời báo chí về năng suất lao động của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện khá nhiều trong những năm qua, nhưng vẫn thấp nhất trong khối Asean.

Theo ông Thành, trên thực tế, trong quá trình thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động giữa các nước, Việt Nam vẫn bị các nước đi sau rượt đuổi. Điển hình như Campuchia. Đất nước họ có lợi thế nổi trội là quy mô dân số nhỏ hơn, nhưng mức đầu tư lại lớn.

Đưa ra những con số đáng lo ngại về năng suất lao động của Việt Nam, ông Thành chia sẻ, hiên nay, những ngành chủ lực trong nước cần năng suất lao động cao để phát triển bền vững và lâu dài trên thực tế lại có năng suất rất thấp, sau cả Campuchia.

Bằng chứng, năng suất lao động của Việt Nam xếp sau cả Campuchia ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông.

Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam xếp thứ 2 chỉ cao hơn Campuchia các nhóm ngành nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, buôn bán, bán lẻ, sửa chữa.

Ngược lại, Việt Nam lại có năng suất lao động cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực ở các nhóm ngành, khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân. Điều này cho thấy sự méo mó của thị trường.

Năng suất lao động của Việt Nam xếp sau cả Campuchia ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông. Ảnh minh họa

Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, hiện chi phí tối thiểu của các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu lớn. Cụ thể, đóng góp các khoản bảo hiểm ở Việt Nam cao.

“Nghiên cứu của VEPR cho thấy các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… có mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn Việt Nam. Như vậy, việc đóng bảo hiểm cao có thể tạo ra khoảng trống thuế giữa người sử dụng lao động và người lao động”, ông Thành lý giải.

Một nguyên nhân nữa cũng được ông Thành đưa ra là, năng suất của Việt Nam chủ yếu đến từ việc lao động được dịch chuyển ở các ngành năng suất thấp lên năng suất cao. Trong khi đó, nguồn gốc tăng trưởng do tự thân của mỗi ngành lại chưa nhiều.

Theo vị chuyên gia này, việc dịch chuyển ồ ạt và không được kiểm soát trên thị trường lao động giữa các ngành với nhau, làm cho những ngành có năng suất cao lại hạ xuống và ngược lại.

Việt Nam cần nhiều chính sách để thúc đẩy năng suất lao động

Trả lời câu hỏi về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, để tăng năng suất lao động Việt Nam cần rất nhiều chính sách thúc đẩy, từ thể chế, phát triển thị trường và chính sách hội nhập quốc tế…

“Nếu không muốn bị các quốc gia láng giềng như Campuchia vượt mặt về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển và hiệu ứng tương tác như tăng cường thu hút lao động vào ngành có năng suất lao động cao và đang tăng trưởng. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp (chế biến chế tạo) và dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Viện trưởng VEPR, những vấn đề về trục trặc trong lao động đang kìm hãm tăng năng suất lao động của Việt Nam. Đơn cử như sự dịch chuyển lao động từ người này sang người khác để tìm năng suất lao động cao hơn, nhưng thực tế lại bị phản lại tác dụng.

Đặc biệt, hiện các thể chế trong thị trường lao động hiện nay vẫn không phát huy được tác dụng. Mặc dù những cơ sở giới thiệu việc làm vẫn tồn tại rất nhiều, nhưng hầu như không có tác dụng.

Khảo sát VEPR cho thấy, hiện lao động trẻ hầu như không sử dụng các cơ sở giới thiệu việc làm vì cả doanh nghiệp và người lao động đều tuyển dụng và tìm việc thông qua các mối quan hệ cá nhân, họ hàng hay bạn bè. Vai trò cầu nối thông tin của các trung tâm dịch vụ việc làm rất mờ nhạt. Điều này không phát huy được năng lực, tích lũy tri thức để từ đó người lao động tự hoàn thiện bản thân mình và có thu nhập tốt hơn trong xã hội, nâng cao năng suất.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnMedia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok