Kinh tế

Cơn khủng hoảng trị giá 48 tỷ đôla của bán lẻ Mỹ

Các cửa hàng bán lẻ lớn của Mỹ như Sears, Macy’s và JCPenney đang đóng cửa hàng loạt, kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng về địa ốc.

Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Morningstar, các trung tâm thương mại tại Mỹ đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Hàng trăm trung tâm thương mại đã đóng cửa vì sức mua áo quần và phụ kiện giảm mạnh, cộng với sự lên ngôi của thương mại điện tử.

Tuy nhiên, các trung tâm thương mại với diện tích khổng lồ vẫn tràn ngập nước Mỹ, và nguy cơ các trung tâm này vỡ nợ khi thế chấp chính tài sản của mình để vay 48 tỷ USD nhưng lại làm ăn bết bát đang là hiểm họa lớn, các chuyên gia phân tích tại Morningstar cho biết.

“Việc dư thừa diện tích bán lẻ, thương mại điện tử phát triển và nhiều lý do khác đang làm các nhà bán lẻ cân nhắc lại việc bỏ tiền vào một chuỗi cửa hàng vật lý”, một chuyên gia nhận định.

Ngành bán lẻ Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.

Trung bình một người Mỹ có 23,5 feet vuông (tương đương 2,2m2) diện tích bán lẻ. Trong khi đó, ở Canada con số này là 16,4 feet vuông (2,1m2) và Australia là 11.1 feet vuông (1m2) - hai nước có diện tích bán lẻ trên đầu người chỉ thua Mỹ.

Các cửa hàng bán lẻ như Sears, Macy’s và JCPenny đã và đang đóng cửa nhiều cửa hàng không sinh lời, và xu hướng đó ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại.

Khi một cửa hàng “đinh” đóng cửa, điều này kích hoạt một loạt hiệu ứng dây chuyền tại các trung tâm thương mại và điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của các trung tâm này.

“Giá bất động sản hạng hai và hạng ba ăn theo các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như Macy’s, Sears và JCPenney sẽ mất giá nghiêm trọng nếu các cửa hàng 'đinh' này đóng cửa”, báo cáo của Morningstar cho biết.

Khi một cửa hàng “đinh” đóng cửa, các trung tâm thương mại không chỉ mất nguồn thu và khách tham quan. Nó còn kích hoạt một loạt các điều khoản cho phép những đơn vị còn ở lại quyền bỏ ngang hợp đồng thuê hoặc tái thỏa thuận các điều khoản, thường là giảm tiền thuê nhà, cho đến khi có một đối tác khác lấp vào khoảng trống của cửa hàng “đinh” đó.

Để cắt lỗ, ban quản lý trung tâm thương mại phải cấp tốc đi tìm người thuê lại toàn bộ không gian bán lẻ khổng lồ mà khách hàng cũ để lại. Điều đó thường là bất khả thi với những trung tâm đang quá túng quẫn khi lần lượt người này đến người khác đóng cửa hàng của họ tại những nơi này.

Các cửa hàng bán lẻ mênh mông thoái trào dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho các trung tâm thương mại, nhất là ở những nơi còn khó khăn trong việc chuyển đổi công năng bất động sản từ kinh doanh sang nhà ở.

“Một vấn đề nữa là sự thừa thãi các cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ. Có đến một phần ba các trung tâm thương mại có đủ ba thương hiệu 'đinh' là Macy’s, JCPenney và Sears; hai phần ba còn lại đều có hai trong ba thương hiệu này”, các chuyên gia của Morningstar tổng kết.

Morningstar cũng cho biết một nghiên cứu mới đây của Credit Suisse chỉ ra rằng khoảng 200 trung tâm thương mại sẽ phải đóng cửa nếu những chuỗi cửa hàng như Sears tiếp tục thu nhỏ hoạt động kinh doanh của họ trên khắp nước Mỹ.

Tác giả bài viết: Vĩnh Viễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok