Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - bà Hồ Xuân Hương. |
- Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá thế nào về chuyện Phòng Công chứng số 3 Hà Nội xác nhận hai vợ chồng ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) còn sống khoẻ mạnh thành “đã chết” dựa theo hồ sơ cung cấp của bà V.T.V (con dâu ông Hợp) đang gây xôn xao dư luận những ngày qua?
- Việc này Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đang có hướng dẫn, giải quyết. Còn Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản trả lời Cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ.
Công chứng đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục rồi. Gốc của vấn đề là bà con dâu gian dối, bố mẹ chồng còn sống lại kê khai đã chết rồi. Khi công chứng viên hỏi về giấy chứng tử thì lại bảo mất.
Văn phòng công chứng đã gửi văn bản tới UBND phường Nhật Tân để niêm yết xác minh. Nhưng sau 30 ngày thì phường lại trả lời không có tố cáo, khiếu nại gì nên văn phòng công chứng đã căn cứ vào đó để làm thôi. Trách nhiệm của công chứng viên không có ở đây khi người đề nghị công chứng cố tình lừa như vậy.
Quyền lợi trong trường hợp này không phụ thuộc vào nội dung di chúc của người con giai ông Đỗ Văn Hợp để lại, mà vợ chồng ông Hợp được thừa kế đương nhiên. Toà án sẽ tuyên huỷ văn bản công chứng đi vì phát sinh việc gian dối.
- Tức là TAND TP Hà Nội sẽ quyết định trách nhiệm của các bên liên quan?
Đúng rồi. Văn bản khai nhận thừa kế gian dối như vậy phải huỷ đi, trách nhiệm dân sự cụ thể sẽ do toà án quyết định. Công chứng viên bồi thường hay không và nếu có thì cũng liên đới trách nhiệm dân sự thôi, sẽ do toà án quyết định.
Còn người con dâu kia gian dối, không trung thực thì phải lật lại sự việc chuyển nhượng đất đai cho người khác rồi. Bà con dâu đã hưởng tiền chuyển nhượng khu đất có cả quyền lợi hợp pháp của vợ chồng ông bà Đỗ Văn Hợp (bố mẹ chồng) nên bây giờ phải xác định phần ông bà ấy được thừa kế là xong. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng vấn đề của ông bà ấy không hẳn là tiền, mà còn là đạo đức xã hội.
Ngoài ra nhiều người đi công chứng bây giờ không trung thực, đưa văn bản gian dối để qua mặt công chứng nên báo chí, dư luận cũng phải lên án những người đó.
Trụ sở UBND phường Nhật Tân chỉ cách gia đình ông Đỗ Văn Hợp khoảng 300m nhưng cán bộ tư pháp không xác minh thông tin người dân chết là đúng hay sai (?!). |
- Sở Tư pháp Hà Nội phải có biện pháp, hướng dẫn các phòng công chứng để tránh bị “qua mặt” trong những trường hợp như thế chứ?
- Đó là việc tập huấn nghiệp vụ để tinh thông hơn, phát giác, truy ngược lại. Bây giờ có chuyện, người ta có một tài sản nhưng mang đi hết phòng công chứng này tới phòng công chứng để công chứng. Bây giờ đã có mạng Uchi (phần mềm quản lý thông tin hợp đồng công chứng) để kiểm soát rồi, nên nhìn vào đó là biết ngay giấy tờ đã giao dịch ở những nơi nào rồi, lừa không được.
Còn trong trường hợp này người ta làm hết các bước rồi, phường Nhật Tân đã xác nhận thế rồi thì công chứng biết thế nào là sai. Gian dối như vậy nên công chứng viên không thể biết được. Tới đây toà án sẽ tuyên trách nhiệm dân sự xem ai phải bồi thường cái gì. Còn công chứng viên đã làm việc hết trách nhiệm rồi.
- Từ khi gửi văn bản phân tích sự việc tới Cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đến nay Sở Tư pháp Hà Nội đã nhận được phản hồi nào về tiến trình giải quyết vụ việc này?
- Sở Tư pháp Hà Nội đã phân tích kỹ các nội dung vụ việc. Tới giờ chúng tôi chưa nhận được thông tin gì thêm.
- Xin cảm ơn bà!
Phường Nhật Tân đổ lỗi cho Phòng Công chứng số 3 Hà Nội Theo quan sát của chúng tôi, trụ sở UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) chỉ cách nhà vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An khoảng 300m. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản thông báo của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân chỉ niêm yết tại trụ sở UBND phường mà không tiến hành xác minh xem thực hư việc kê khai tài sản thừa kế và thông tin ông Hợp, bà An "đã chết" có đúng hay không. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐND phường Nhật Tân (trước đây là cán bộ tư pháp phường Nhật Tân) cho rằng, vào tháng 7/2006 UBND phường chỉ nhận được 1 tờ thông báo về việc khai nhận di sản từ Phòng Công chứng số 3 Hà Nội. “Về việc vợ chồng ông Hợp còn sống mà bị con dâu khai là đã chết, tôi hoàn toàn không biết gì. Theo thông tư 03/2001 do Bộ Tư pháp ban hành, chúng tôi không có trách nhiệm phải đi xác minh mà chỉ niêm yết ở phường 30 ngày xem có tranh chấp hay không”- ông Thành nói. Ông Thành cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chị V.T.V (con dâu ông Đỗ Văn Hợp) vì đã gian dối trong kê khai thông tin; trách nhiệm tiếp theo thuộc về Phòng Công chứng số 3 Hà Nội vì vi phạm về mặt quy trình, thủ tục khi không xác minh rõ ràng. |
Tác giả: Thế Kha (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Dân trí