Giải trí

Cõi buồn của nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc

Đối với khán giả trẻ hiện tại, ít người biết đến cái tên Lê Tấn Quốc. Thế nhưng với người yêu âm nhạc ở độ tuổi trung niên, ông từng một thời được xem là đệ nhất saxophone Việt Nam. Khán giả mê ông vì lối trình diễn chân phương với tiếng kèn mang nỗi lòng buồn vời vợi.

15 tuổi đứng ngang hàng với các "cao thủ" Sài Gòn

Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc chào đời tại Sài Gòn năm 1953 trong một gia đình truyền thống nghệ thuật. Cha ông thứ 4, còn má Bảy Nam mẹ của NSND Kim Cương thứ bảy, và nữ nghệ sĩ Năm Phỉ thứ năm. Xét về vai vế NSND Kim Cương gọi nghệ sĩ Lê Tấn Quốc là anh, nhưng vì ông nhỏ tuổi hơn nên ông thường gọi NSND Kim Cương là chị. Trong đại gia đình nghệ sĩ ấy, người dượng thứ 10 của Lê Tấn Quốc tên là Nguyễn Quang Thế Sang (còn có nghệ danh là Marcel Sang) là nghệ sĩ thổi kèn rất nổi tiếng. Ông bắt đầu chơi phong cầm nhưng về sau lão luyện tất cả các loại kèn khác. Từ khi Lê Tấn Quốc bước vào lớp 5, ông đã truyền thụ cho anh kỹ năng thổi sáo tây (flute), rồi đến saxsoprano, saxalto.

Người dượng nghệ sĩ này ngoài tài năng âm nhạc còn có máu phiêu lưu mạo hiểm. Thi thoảng ông dùng xe máy đi du lịch từ Việt Nam xuyên qua các nước châu Á đến tận châu Âu. Một lần ông sang nước ngoài mua được một cây kèn quý giá Clarinete về tặng cháu cưng. Kể từ đó, cậu bé Lê Tấn Quốc chơi được thuần thục tất cả các thể loại saxophone và sáo. Lâu lâu, sư phụ kiêm dượng rể Marcel Sang "thả" Tấn Quốc lên sân khấu phòng trà để ông làm quen dần với không khí sàn diễn. Theo thời gian niềm đam mê chơi nhạc ngấm dần vào tâm hồn ông.

Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc nhớ lại: “Cha tôi là một nhà giáo khó tính nên ông không ủng hộ con cái theo nghiệp ca hát. Do đó, từ nhỏ tôi đã dệt ước mơ trở thành một bác sĩ. Dù được dượng 10 dạy nhạc nhưng tôi vẫn chăm chỉ học hành chứ không hề bỏ bê. Đến khi kỹ thuật thổi saxophone của tôi đã lên mức chuyên nghiệp, ông đã tìm nơi cho tôi trình diễn. 15 tuổi tôi bắt đầu trở thành nhạc công. Ban ngày đi học ban đêm đi diễn”.

Theo ký ức của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc, nơi đầu tiên ông chính thức nhận lời mời là một câu lạc bộ Đại Hàn tại đường Duy Tân nay là Phạm Ngọc Thạch. Ông chơi nhạc ở đây được một thời gian thì được ông bầu Bảo Thu mời về phòng trà Văn Hoa. Ở sàn diễn này, ông có dịp đứng chung với Trần Trịnh - tay piano hàng đầu và là nhạc sĩ nổi tiếng đất Sài Gòn. Ông ngỡ mình đang mơ vì chưa bao giờ dám nghĩ ở tuổi 15, 16, ông lại có cơ hội chơi nhạc với bậc tiền bối đáng kính.

Con đường âm nhạc của Lê Tấn Quốc cứ lặng lẽ thăng tiến. Năm 1969, ông được ca sĩ Mai Lệ Huyền mời về chơi nhạc tại vũ trường Đệ nhất khách sạn. Thời điểm đó, sân chơi này tập trung nhiều tay nhạc công cự phách như Quốc Dũng (chơi trống), Trần Trịnh, Lê Tiến Trạch cùng các ca sĩ đình đám như Mai Lệ Huyền, Thái Châu... Lúc Lê Tấn Quốc tròn 19 tuổi, ông được ca sĩ kiêm ông chủ phòng trà Jo Marcel mời về làm trưởng ban nhạc tại phòng trà Maxim. Lý do ông nhận được vinh dự lớn đến thế vì ông sớm bộc lộ được tài năng hòa âm. Chính ông là người viết bản hòa âm cho những bản nhạc khó và mới cho cả ban nhạc gồm toàn đàn anh, đàn chú.

Về sau Lê Tấn Quốc về chơi cho phòng trà Khánh Ly trước khi trở thành trưởng ban nhạc tại vũ trường Tự Do. Thu nhập của ông cao hơn hẳn ca sĩ ngôi sao nếu tính lương tại một điểm (ca sĩ ngôi sao một đêm chạy được 4, 5 show thì tiền lương cộng dồn cao hơn Lê Tấn Quốc, nhưng hát 2 điểm thì thấp hơn thu nhập của ông). Trẻ tuổi đời nhưng sớm gặt hái được nhiều thành công nên tâm hồn chàng trai trẻ Lê Tấn Quốc phơi phới niềm vui. Nhưng cũng trong giai đoạn này, ông cảm nhận rõ hơn về sự sa sút trong đôi mắt của mình. Tầm nhìn của đôi mắt ông ngày càng thu hẹp dần. Buổi tối thì ông không nhìn rõ bất cứ vật gì, còn ban ngày chỉ nhìn mọi vật trong một cư ly hẹp.

Trở thành ngôi sao saxophone lừng lẫy

Năm 1975, Lê Tấn Quốc đầu quân về đoàn kịch Kim Cương. Thời điểm đó, trước khi vở kịch bắt đầu, bà bầu Kim Cương mời các ca sĩ phục vụ âm nhạc cho khán giả, vì vậy, đoàn cần ca sĩ và nhạc công. Lê Tấn Quốc là nhạc công tài hoa, cao to và rất đẹp trai nên nhiều nữ nghệ sĩ và khán giả yêu mến anh. Thế nhưng, anh chỉ để ý đến nữ ca sĩ có giọng ca cao vút nhưng ngọt lịm đó là danh ca Họa Mi. Hai người yêu nhau trong điều kiện Họa Mi hiểu rõ thị lực của Lê Tấn Quốc rất yếu. Vậy mà họ vẫn mạnh dạn tiến tới hôn nhân vào năm 1976.

Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc hồi tưởng: “Lúc đó chúng tôi rất nghèo mà không hiểu sao vẫn nôn đám cưới. Tôi bán chiếc tủ buffet được 100 đồng. Họa Mi giành dụm được 100 đồng. Chị Kim Cương tặng 200 đồng. Bà con hai họ cho thêm 200 đồng. Với số tiền đó, chúng tôi tổ chức đám tại nhà gồm 2 mâm. Mâm trong nhà giành cho quý bà lớn tuổi. Mâm ngoài sân giành cho quý ông cao niên. Còn tụi trẻ chúng tôi chỉ đứng trò chuyện và chụp hình. Buổi chiều chúng tôi lên nhà chị Kim Cương. Chị nấu món cà ri dê ăn với cơm trắng để đãi toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch Kim Cương”.

Một năm sau đám cưới, đời sống kinh tế của vợ chồng Lê Tấn Quốc và Họa Mi vô cùng khó khăn khi họ có con đầu lòng. Rồi lần lượt thêm hai cháu. Sự thiếu thốn về tiền bạc khiến cho cả ba đứa con họ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng và lao phổi. Nhiều đêm mưa bất chợt đổ xuống khiến nhà dột ngập nước, anh và chị phải bồng con sang chỗ khô còn hai người trân mình chịu ướt chờ mưa tạnh. Lúc đó, họ nhìn nhau mà rơi nước mắt cho cảnh nghệ sĩ nghèo khổ và túng thiếu.

Nhạc sĩ Lê Tấn Quốc tại nhà riêng

Dù vậy, niềm đam mê âm nhạc không bao giờ nguôi trong tâm hồn nghệ sĩ. Họa Mi ngày càng hát hay và trở thành ngôi sao lớn. Lê Tấn Quốc càng ngày càng thăng hoa với cây saxophone của mình. Vào năm 1982, anh rời đoàn Kim Cương về chơi nhạc tại Hội văn nghệ TP.HCM. Ở đây, anh bắt đầu độc tấu saxophone. Tiếng kèn của anh làm bao trái tim người yêu nhạc có trình độ tan chảy. Tên anh bắt đầu lan tỏa ra khắp Sài Gòn và cả nước. Nhiều nghệ sĩ khẳng định, vào thời điểm đó, tại Việt Nam còn rất ít nghệ sĩ chơi saxophone, và Lê Tấn Quốc là tay độc tấu saxophone hàng đầu.


Đỉnh cao trong sự nghiệp độc tấu saxophone của anh được kể đến từ thời điểm anh cùng nhạc sĩ Bảo Chấn hợp thành ban nhạc Chợ Đuỗi. Đây là ban nhạc hiếm hoi chơi hòa tấu nên khán giả rất hâm mộ. Hai năm liền từ 1985 – 1986, ban hòa tấu Chợ Đuỗi đoạt huy chương vàng liên hoan ca múa nhạc TP.HCM. Tiếng tăm vang lừng nhưng hoàn cảnh sống gia đình của anh oái ăm thay lại ngập trong khó khăn.

Giọng kèn buồn man mác

Trong lúc sự nghiệp đang thăng hoa, đôi mắt anh càng tối dần, con cái thiếu thốn đủ bề. Theo nhạc sĩ Lê Tấn Quốc, trước tình hình đó, ca sĩ Họa Mi tìm một lối thoát cứu vãn kinh tế lẫn tìm cơ hội chữa trị cho chồng. Năm 1988, chị đã sang Pháp định cư. Đến năm 1990, chị bảo lãnh chồng và ba con sang đoàn tụ. Tuy nhiên, sau khi các bác sĩ hàng đầu của Pháp kiểm tra tình trạng thị lực của anh, họ kết luận không còn phương cứu chữa. Thị lực kém gần như mù lòa nên anh không thể tìm việc làm tại Pháp, trong khi đó ca sĩ Họa Mi phải làm việc cật lực để nuôi gia đình. Bốn tháng trời ngồi trong căn nhà trống trải vào mùa đông lạnh lẽo, anh thấy tuyệt vọng. Có lúc, anh thoáng nghĩ đến việc quyên sinh để đỡ gánh nặng cho vợ. Nhưng rồi anh chợt nhớ đến các con thơ và mẹ già, anh tự động viên mình phải mạnh mẽ lên.

Cuối năm 1990, anh đã nói chuyện chân tình với ca sĩ Họa Mi về quyết định trở lại Việt Nam, đồng thời giải phóng cho chị. Sau bao nhiêu đau đớn, hai người đã đồng ý ly dị. Anh về Việt Nam sống cùng với mẹ ruột đã lớn tuổi. Xa vợ con, xa sân khấu, bệnh tình trở nặng, ý nghĩ tuyệt vọng lại trỗi dậy trong anh. Anh lại muốn có liều thuốc để mình mãi mãi về cõi vĩnh hằng nhưng tiếng nói của mẹ già làm anh sực tỉnh. Anh không cho phép mình bỏ cuộc.

Một ngày đầu năm 1991, họa sĩ Trịnh Cung cùng bà chủ nhà hàng Thanh Niên đến nhà gặp Lê Tấn Quốc. Lúc này mắt anh đã tối lắm rồi. Bà chủ nhà hàng Thanh Niên đã từng nghe anh chơi nhạc nhiều năm trước, và giờ đây bà cần những nhạc công giỏi chơi tại nhà hàng của mình. Bà đã mời anh về làm trưởng ban nhạc tại nhà hàng Thanh Niên. Từ đây, cái tên Lê Tấn Quốc trở lại trong đời sống âm nhạc Sài Gòn. Thực khách đến đây thưởng thức món ngon, sau đó để hồn mình lắng lại với tiếng kèn của người nghệ sĩ mù. Hơn 10 năm chơi nhạc ở đây, Lê Tấn Quốc chinh phục biết bao trái tim người yêu nhạc hòa tấu. Rất nhiều người nghe anh thổi bài Đêm đông, Thành phố buồn, Một mai em đi... đã khóc nức nở.

Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc vào năm 37 tuổi

Những người đã dõi theo anh nhiều năm nhận ra rằng thời trẻ tiếng kèn của Lê Tấn Quốc lãng mạn, trữ tình. Khi anh chia tay với ca sĩ Họa Mi, giọng kèn của anh như tiếng thở than, tiếng nấc nghẹn của một tâm hồn đã trải qua quá nhiều mất mát. Còn Lê Tấn Quốc tâm sự: “Về sau này, khi chơi nhạc tôi không còn chú ý đến kỹ thuật nữa mà để hồn mình bềnh bồng theo cảm xúc. Tôi xoáy vào ý nghĩa của từng lời hát và mường tượng ra cảnh vật mà tác giả đã miêu tả, mà bài hát nào tôi chọn cũng rất buồn”.

Để đáp lại tình cảm của khán giả dành cho mình, Lê Tấn Quốc đã phát hành 8 album hòa tấu saxophone. Trong đó, album có chủ đề Thành phố buồn được xem là phá kỷ lục doanh thu về băng đĩa hòa tấu. Năm 2004, nhà hàng Thanh Niên đóng cửa, bà chủ nhà hàng tiếp tục công việc tại nhà hàng Maxim. Lê Tấn Quốc chơi nhạc ở Maxim từ đó đến nay. Do nhà hàng Maxim thuộc dạng cao cấp chuyên phục vụ khách ngoại quốc nên số lượng khán giả người Việt được xem Lê Tấn Quốc trình diễn ngày càng ít dần. Anh rất buồn nhưng sức khỏe và cuộc mưu sinh không cho phép anh trình diễn thêm ở nơi nào khác.

Bù lại, có nhiều đêm trong lúc anh trình diễn thì khán giả chỉ tập trung ăn. Khi anh kết thúc tiết mục của mình, bước xuống sân khấu, thực khách châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ đứng dậy vỗ tay tán thưởng không ngớt. Thái độ đó đã bù đắp rất lớn cho người nghệ sĩ xem sân khấu là thánh đường nghệ thuật và xem âm nhạc là hơi thở của mình.

Về đời sống hôn nhân, cuộc đời cũng không quá khắt nghiệ với anh khi về sau này anh đã tìm gặp một người phụ nữ hiểu mình. Anh và chị có với nhau hai con. Điều may mắn là tất cả con cái của hai người vợ của anh rất biết quan tâm và thương yêu lẫn nhau. Những mảnh nhỏ hạnh phúc này đã cho Lê Tấn Quốc thấy rằng khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng không có nghĩa là cánh cửa cuộc đời đã khép lại vĩnh viễn, mà nó đã mở ra một chân trời mới với gam màu khác cũng ấm áp và rất nhẹ nhàng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok