Du lịch

Cổ tự ngàn năm tuổi nơi vua Tự Đức từng đến cầu con

Tựa lưng vào dãy núi An Nhiên, ẩn mình dưới tán thông già hàng trăm năm tuổi, chùa Địa Tạng Phi Lai (tên nôm là chùa Đùng, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) có không gian vô cùng hùng vĩ, thơ mộng. Đây là ngôi chùa có niên đại hàng ngàn năm với kiến trúc đẹp- một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Chùa Điạ Tạng Phi Lai có tên nôm là chùa Đùng, tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa dựa lưng vào núi An Nhiên (núi Phi Lai), dưới tán lá của những rặng thông cổ hàng trăm năm tuổi. Vị trí sơn thủy địa linh khiến ngôi chùa thêm phần tôn nghiêm, thanh tịnh và linh thiêng.

Phiến đá khắc tên cổ tự bằng chữ thư pháp tuyệt đẹp trên đài sen và dưới tán bồ đề

Theo các vị cao niên trong làng, chùa Đùng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ X với 120 gian chùa cổ và theo tương truyền thì vua Trần Nghệ Tông có một thời gian chọn địa danh này làm nơi ở ẩn, sau này vua Tự Đức cũng đến chùa để cầu tự. Theo lý giải chữ Phi Lai có thể được hiểu là nơi mà các vị minh quân đi không quay về, và chính vua Tự Đức đặt cái tên Phi Lai cho chùa.

Quần thể chùa Địa Tạng ôm trọn vẻ hùng vĩ, nên thơ và linh thiêng vi diệu

Theo các bậc cao niên, xưa kia khi xây dựng chùa Địa Tạng, các bậc tiền nhân đã chọn lựa rất tỉ mỉ theo thế tứ tượng (tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ, tiền chu tước)- là bốn “thánh thú” trong các chòm sao Trung Hoa cổ đại. Các thánh thú hợp thành hệ thống ngũ hành: Thanh Long của phương Đông: Mộc; Chu Tước của phương Nam: Hỏa; Bạch Hổ của phương Tây: Kim; Huyền Vũ của phương Bắc: Thủy.

Đối với phong thủy, hội tụ đủ Tứ tượng là điều cần thiết để có một địa thế đẹp. Ngày xưa, để chọn được nơi để đặt Kinh đô, các nhà phong thủy phải tìm nơi hài hòa giữa tứ tượng như nơi đó phải có núi non, sông ngòi, đất phải phì nhiêu, cây cối, chim muông hiền hòa, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải.

Cảnh trí ngôi chùa tuyệt đẹp - là một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh

Theo quan sát, chùa Địa Tạng được ôm trọn bởi dãy núi hình vòng cung, bao bọc phía bên trong một khu rừng thông xanh mướt, bên cạnh chùa là những mạch nước ngầm. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình vô cùng tuyệt diệu như chốn bồng lai tiên cảnh, vừa trữ tình vừa linh thiêng, vi diệu.

Bức hình chụp ngôi chùa về đêm đẹp tựa thước phim điện ảnh

Trải qua những thăng trầm lịch sử, ngôi chùa Đùng cổ đã xuống cấp và gần như hoang phế trong một thời gian rất dài. Các cụ cao niên giải thích thêm, mặc dù trong thời kỳ chùa không có sư trụ trì, công trình xuống cấp nhưng không nhưng vẫn rất linh thiêng và không hề bị bỏ hoang.

Trước kia là vùng quê còn khó khăn nhưng nhân dân trong vùng vẫn thay nhau ra chùa quét tước, hương khói trong ngày tuần, những kỳ sóc vọng. Tiếng đồn về ngôi chùa cổ linh thiêng cũng khiến nhiều phật tử, khách thập phương ghé thăm chùa.

Khuôn viên chùa (ảnh chụp vào dịp Tết nguyên đán)

Cho đến tháng 12/2015, đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, phát tâm tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai bề thế như ngày nay. Điều đặc biệt là quá trình xây dựng ngôi chùa mới, đã phát hiện và tìm thấy nhiều cổ vật bằng gốm có niên đại từ thời Lý - Trần chứng tỏ bề dày lịch sử ngàn năm của ngôi cổ tự này.

Một số mẫu cổ vật được tìm thấy trong qúa trình xây dựng ngôi chùa

Trên nền ngôi cổ tự hàng ngàn năm tuổi, ngôi chùa hiện tại được phục dựng với những nét kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ nhưng vẫn có nhiều điểm rất độc đáo mà không nơi nào có được. Tổng thể chùa có Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền, nhà ở, giảng đường, nơi đọc sách, nơi ở của các tăng ni, phật tử…

Khung cảnh bình yên tuyệt đẹp trong khuôn viên chùa

Đặc biệt, cảnh quan trong chùa tuyệt đẹp, mang dáng dấp một địa chỉ du lịch tâm linh. Ngay từ cổng vào ngôi cổ tự là một phiến đá uy nghi dưới tán cây bồ đề được khắc hàng chữ Địa Tạng Phi Lai bằng thư pháp tuyệt đẹp trên đài hoa sen biểu trưng của Phật giáo. Sân chùa rộng rãi được rãi những phiến đá trắng tuyệt đẹp, khuôn viên chùa có nhiều cây, hoa cảnh với những thảm cỏ xanh mướt, rất phù hợp cho du khách muốn lưu giữ những tấm hình đẹp khi ghé thăm chùa hay muốn tìm cho mình những phút sống chậm, bình yên, thanh tịnh chốn cửa thiền…

Tác giả: Diệu Minh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok