Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HimLam, Sacombank
Sinh ngày 5/10/1960 tại Bắc Ninh, ông Dương Công Minh ít khi xuất hiện trước truyền thông, song tên tuổi gắn liền với nhiều thương vụ đình đám. Tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) vào năm 1984, trước khi lập nghiệp riêng, ông Minh từng làm việc trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý các doanh nghiệp quân đội.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng Sacombank. Ảnh: Lệ Chi |
Ông khởi nghiệp bằng nghề buôn xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một lần thất bại khiến phải bán nhà đi để trả nợ, ông rẽ sang bất động sản và đây cũng là lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông.
Tập đoàn Him Lam do ông Minh được thành lập năm 1994 là một trong những ông lớn trong lĩnh vực địa ốc với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết. Từ dự án đầu tay tại TP HCM, đến nay Him Lam sở hữu khối bất động sản hơn 70 dự án nhà ở, khu đô thị, sân golf... tại TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành.
Ngoài Him Lam, ông hiện cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Công ty Chứng khoán Liên Việt, Liên Việt Holdings...
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Ôtô Trường Hải
Ông Trần Bá Dương sinh ngày 1/4/1960, tại Huế. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM năm 1983, ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ôtô Đồng Nai. Ông từng kể công việc thực chất là vét mỡ bò. Sau nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực ôtô ở nhiều vị trí khác nhau, năm 1997, ông thành lập Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco).
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Ôtô Trường Hải. Ảnh: Phương Đông |
Năm 2000, xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ của Thaco mang thương hiệu Kia ra đời. Ông Trần Bá Dương cũng là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Từ dòng xe Kia, Thaco, KingLong..., ông Trần Bá Dương đã đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch.
Bên cạnh sản xuất ôtô, ông còn là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - một doanh nghiệp bất động sản. Gần đây, ông cũng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp khi đầu tư cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Thuỷ sản Hùng Vương...
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT, CEO Quốc Cường Gia Lai
Bà Loan sinh ngày 10/10/1960, là người gốc Phú Yên và chưa từng học đại học. Khởi nghiệp với ngành chế biến xuất khẩu gỗ từ những năm 80 của thế kỷ trước, bà Loan đã được biết đến là một trong những doanh nhân có tiếng tại Gia Lai. Sau đó, với việc chuyển sang kinh doanh phân bón, trồng cao su, thuỷ điện. Năm 2005, bà Loan tham gia vào mảng bất động sản, rồi chuyển mô hình thành Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: VCCI |
Kể từ giai đoạn thị trường bất động sản gặp khủng hoảng từ năm 2012 đến nay, Quốc Cường Gia Lai gặp nhiều khó khăn khiến tài sản của doanh nghiệp giảm sút đáng kể, song doanh nghiệp hiện vẫn sở hữu hàng chục dự án tại TP HCM và nhiều dự án thuỷ điện khắp cả nước.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch TTC Group
Bắt đầu lăn lộn thương trường bằng việc bán mật rỉ đường vào cuối thập niên 70, sau đó ông Đặng Văn Thành (sinh ngày 11/4/1960) sản xuất, kinh doanh cồn, tiền thân của TTC Group. Tại thời điểm đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, Thành Thành Công là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP HCM.
Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập Tập đoàn Thành Thành Công, Sacombank. Ảnh: Lệ Chi. |
Năm 1989, từ Chủ nhiệm Hợp tác xã Tín dụng Thành Công, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ông đóng vai trò Chủ tịch HĐQT Sacombank từ giữa năm 1995 và là người có công lớn trong việc đưa nhà băng thành một trong những ngân hàng cổ phần lớn và uy tín. Sau giai đoạn bị nhóm cổ đông mới thôn tính, năm 2012, ông đã chuyển giao trách nhiệm quản trị, điều hành Sacombank và rời ngân hàng này. Tuy nhiên, cùng với những thành viên khác trong gia đình, ông tiếp tục thành công trong các lĩnh vực sản xuất khác tại TTC Group.
TTC Group do ông lãnh đạo hiện là một tập đoàn đa ngành. Thông qua quá trình mua bán sáp nhập, tập đoàn này đã sở hữu một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Đường Biên Hoà - Ninh Hoà, SEC Gia Lai, Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà... Ngoài ra, TTC Group còn là một trong những nhà phát triển năng lượng tư nhân lớn nhất Việt Nam với 19 nhà máy thuỷ điện và 7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Thành Thành Công hiện cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục, du lịch, nông sản...
Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Kido
Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kido. Ảnh: Kido |
Ông Trần Kim Thành sinh ngày 7/7/1960, là một doanh nhân gốc Hoa. Ông được biết đến là một trong những cổ đông sáng lập Công ty Tập đoàn Kido (tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô). Từ một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất và kinh doanh bánh snack, năm 1993, Công ty Kinh Đô được thành lập và sớm trở thành một công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam.
Năm 2016, Kido bán toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ). Tuy nhiên, hiện Kido vẫn còn 8 công ty con và nhiều công ty liên kết hoạt động trong mảng thực phẩm, kem, nước uống, sữa, dầu ăn và bất động sản...
Tác giả: Nguyễn Hà
Nguồn tin: Báo VnEpress