Xã hội

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, điều này gây nguy hiểm cho cả người đi đường và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Vậy có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, vừa an toàn, hiệu quả?

Từng chứng kiến lực lượng CSGT truy đuổi một tài xế xe công nghệ gây tai nạn trên đường Võ Chí Công rồi bỏ chạy, anh Nguyễn Thành Trung (ở Tây Hồ, Hà Nội) chưa quên cảm giác sợ hãi khi người vi phạm và lực lượng thực thi nhiệm vụ đều chạy tốc độ khá nhanh, khiến người đi đường hốt hoảng.

Bởi vậy, khi biết thông tin Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: Trường hợp người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, anh Trung không khỏi băn khoăn:

"Tôi phải tránh xa, rõ ràng là sợ rồi. Mất an toàn giao thông của người đi đường, của người tham gia giao thông, sợ lắm. Không cứ riêng tôi đâu, tất cả người đi đường nhìn thấy xe đi đều dẹp hết về một bên".

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Tuy vậy, Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho rằng, đối với những người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là những hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là hành vi vi phạm có dấu hiệu không bình thường nên cần phải ngăn chặn, nếu không, có thể gây nguy hiểm tiếp theo. Trong một số trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT cần truy đuổi để ngăn chặn hành vi vi phạm là cần thiết.

"Trong quá trình truy đuổi anh phải làm sao giữ được khoảng cách và an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng truy đuổi để làm sao ngăn chặn được hành vi bỏ chạy đó. Thứ 3 là thông qua việc kiểm tra vi phạm này, có thể lực lượng CSGT sẽ phát hiện ra các vi phạm khác như: ngáo đá, đang vận chuyển hàng cấm, đã gây ra một vụ tai nạn và đang bỏ chạy…", Đại tá Nguyễn Hữu Luyện cho biết.

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cũng cho rằng, quy định lực lượng CSGT có quyền truy đuổi hành vi vi phạm giao thông là cần thiết, nhưng cần quy định cụ thể những trường hợp được truy đuổi.

Theo luật sư Phạm Thành Tài, nếu được quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành luật lệ về trật tự an toàn giao thông:

"Có rất nhiều trường hợp CSGT cần phải ngăn chặn và xử lý ngay khi phát hiện vi phạm giao thông để không gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Quy định này sẽ tạo ra cơ sở và hành lang pháp lý rõ ràng để thống nhất áp dụng, đồng thời sẽ tạo điều kiện để CSGT chủ động lựa chọn biện pháp cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Ở góc độ khác, TS. luật sư Lê Văn Thiệp, Giám đốc Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) lại cho rằng, lâu nay, các hành vi vi phạm như: gây tai nạn rồi bỏ chạy, sử dụng ma túy… bản thân nó đã xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe người khác, đã có yếu tố cấu thành vi phạm hình sự và có các biện pháp ngăn chặn theo Bộ luật Hình sự.

Thực tế, lực lượng CSGT vẫn thực hiện việc truy đuổi để ngăn chặn hậu quả tiếp theo, nên không cần thiết phải quy định thêm trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

"Đây là vấn đề cần cân nhắc rất cẩn trọng, đánh giá hiệu quả, hiệu lực đối với mức độ tác động của các hành vi vi phạm về TTATGT để đưa ra quyết định cuối cùng, bởi vì có nhiều trường hợp bị truy đuổi dẫn đến tai nạn chết người, thậm chí người thực thi công vụ cũng bị tai nạn, rồi cộng đồng xã hội nữa. Rõ ràng ở đây mình phải đặt ra thực hiện trong trường hợp nào. Nó phải thật cụ thể và chi tiết, tránh việc người ta lạm dụng và gây ra những hậu quả lớn hơn cái hậu quả mình muốn ngăn chặn", TS. luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, các văn bản pháp luật hiện hành dù chưa quy định rõ về việc truy đuổi nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, song một số trường hợp, CSGT vẫn thực hiện hiệu quả việc truy đuổi, nhất là những hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi vậy, nếu quy định thêm trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, vô hình chung sẽ gây thêm áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ:

"Nếu chọn 2 phương án, một phương án là dùng phạt nguội, hoặc kết hợp công nghệ để báo cho các tổ tuần tra phía trước với phương án đuổi theo thì phương án nổ máy đuổi theo có vẻ không hợp lý và như vậy nếu chúng ta quy định theo hướng này thì chính ra lại không vận dụng được việc ứng dụng công nghệ vào xử lý vi phạm.

Như vậy, hãy để cho tùy từng trường hợp cụ thể, thì lực lượng chức năng có thể vận dụng quy định của luật khác về việc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm".

Lâu nay, một số hành vi vi phạm TTATGT vẫn bị ngăn chặn hiệu quả, dù việc truy đuổi không được quy định cụ thể trong các văn bản luật hoặc hướng dẫn thi hành. Bởi vậy, việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Tác giả: Trung Tuyến - Quách Đồng

Nguồn tin: /vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok