Số hóa

Có nên mua đồ điện tử gia dụng sát Tết?

Người tiêu dùng nên mua sắm theo nhu cầu của bản thân thay vì chạy theo các chương trình khuyến mại rầm rộ của nhà sản xuất.

Trong những ngày giáp Tết, từ các trung tâm thương mại lớn đến cửa hàng nhỏ, từ mạng xã hội tới các trang bán hàng trực tuyến đều ngập tràn thông tin khuyến mại. Một trong số các sản phẩm được quảng cáo nhiều là hàng điện tử gia dụng, từ các sản phẩm có giá trị cao như TV, tủ lạnh, máy giặt cho tới những sản phẩm gia dụng nhỏ trong phòng bếp như nồi lẩu, ấm đun nước, máy lọc nước, bếp điện, lò vi sóng...

Nhìn chung, mức giảm giá tùy thuộc vào từng loại sản phẩm cụ thể, nhưng đa phần giao động từ 10% đến 30%, thậm chí 40% tùy mặt hàng. Các sản phẩm giá trị cao sẽ được tặng kèm các bộ quà tặng hoặc những phiếu mua hàng giảm giá khác để thu hút người tiêu dùng.

Người dùng cần tỉnh táo trước các thông tin khuyến mãi từ nhà bán lẻ.

"Thấy quảng cáo giá rẻ nên tôi cũng muốn sắm thêm vài vật dụng cho ngày Tết. Nhưng quá nhiều thông tin và giá bán khiến tôi không biết nên chọn mua ở chỗ nào", chị Hằng (Hà Nội) cho biết.

"Năm ngoái tôi cũng chờ đến cuối năm để mua hàng điện máy, nhưng sau khi mua về phát hiện có vấn đề thì không đổi trả được do là hàng khuyến mại. Thế nên cuối năm nay tôi không định sắm đồ gì lớn cả, chỉ mua vài món lặt vặt như loa Bluetooth để chơi Tết cho vui, có hỏng cũng không tiếc", anh Lâm (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.

Tuy nhiên, càng tìm hiểu thông tin, nhiều người tiêu dùng càng hoang mang bởi mỗi cửa hàng lại có một chương trình khuyến mãi khác nhau, sản phẩm cũng đa dạng về mẫu mã cũng như năm sản xuất. Đôi khi cùng một sản phẩm nhưng giá tại hai nơi cũng có sự chênh lệch đáng kể. Các bộ quà tặng đi kèm cũng có giá chênh lệch khiến người dùng đắn đo cân nhắc. Không ít người trước khi mua phát hiện ra rằng mức giá sau khi khuyến mãi thậm chí vẫn còn cao hơn giá tại một cửa hàng khác.

Ví dụ, nồi cơm điện Sharp KS-18TJV một nơi có giá 990.000 còn chỗ khác là gần 1,3 triệu đồng. Càng là đồ điện máy giá rẻ, mức giao động và giá bán cùng khuyến mãi tại các cửa hàng càng có sự chênh lệch đáng kể. Điều này khiến người tiêu dùng luôn trong tâm trạng phải tính toán, tìm kiếm để chọn nơi mua sao cho có lợi nhất.

Người mua cần kiểm tra kỹ sản phẩm về mẫu mã, nguồn gốc trước khi mua.

"Theo tôi, nhiều sản phẩm được thanh lý và bán ra trong các dịp giảm giá cuối năm có thể là các mẫu sản phẩm cũ, tồn kho, cần 'xả' hết trước năm mới để chuẩn bị đón loạt mẫu mới về", chị Hằng chia sẻ. Tuy nhiên, điều mà những khách hàng như chị lo lắng là có phải các chương trình khuyến mãi chỉ là vỏ bọc cho việc ngầm tăng giá bên trong?

"Ví dụ, người bán sử dụng giá mới cao hơn để áp cho các sản phẩm cũ, sau đó trưng biển giảm giá để người dùng hiểu nhầm rằng mua được sản phẩm với giá thấp. Giống như cách nhiều nơi vẫn dùng để bán các mặt hàng tiêu dùng khác như thực phẩm, mỹ phẩm...", nữ khách hàng này cho biết.

Từng mua phải sản phẩm không hoàn hảo, anh Lâm cho rằng trong các dịp mua sắm cuối năm này, việc hết hàng, hàng hóa bị trầy xước, móp méo là chuyện thường xuyên phát sinh. "Hầu hết sau khi mua về mới phát hiện rằng các sản phẩm này không được áp dụng đổi trả trừ khi gặp vấn đề lớn về kỹ thuật, hay lỗi do nhà sản xuất. Vì thế, phải kiểm tra kỹ ngay khi nhận để đảm bảo sản phẩm mình lựa chọn đúng như mong đợi", anh nói.

Theo kinh nghiệm của anh Lâm, người mua hàng cần để ý tới giá niêm yết của các hãng để có căn cứ xác định giá khuyến mãi của sản phẩm. Ngoài ra, cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm xem đây là hàng mới hay hàng thanh lý, hàng trưng bày để đánh giá, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua sắm. Các thông tin về chế độ bảo hành, đổi trả, hậu mãi cũng cần trao đổi kỹ với nhân viên cửa hàng để tránh các tranh cãi nếu có về sau.

Ông Đặng Thanh Phong, đại diện của chuỗi siêu thị Điện Máy Xanh, cho hay với các sản phẩm cao cấp mà giảm giá, như TV HD 4K hay TV OLED, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng và giá bán vì những mặt hàng này đều là sản phẩm mới, không phải hàng cũ mà để tồn kho. Riêng với những dạng hàng tồn kho (clear stock), các nhà bán lẻ cần công khai thông tin với khách hàng để người mua không bị bất ngờ khi sản phẩm mua phải bị hỏng và không được bảo hành.

Còn theo anh Nguyễn Sĩ Chí, chuyên gia về đồ điện tử gia dụng, người tiêu dùng nên mua sắm dựa trên nhu cầu của cá nhân và gia đình, thay vì chạy theo các chương trình khuyến mại. Mặc dù một số thiết bị lớn có thể chờ tới những đợt giảm giá, đi kèm lại là các rủi ro khác nhau. Theo anh, vấn đề giá cả và chất lượng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà thậm chí các chương trình lớn như Black Friday ở nước ngoài cũng khó tránh khỏi. Vì vậy, người tiêu dùng luôn cần tỉnh táo trước các thông tin và kiểm tra, so sánh kỹ các sản phẩm trước khi đưa ra bất cứ quyết định mua sắm nào.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok