Giáo dục

Có nên hỏi “cô giáo có đánh con không?”

Vụ bạo hành tại cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội) được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Hai cô giáo mầm non trong vụ việc đã bị công an triệu tập và sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm. Tuy nhiên, vụ việc đã làm tăng thêm nỗi lo lắng của phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non.

Các cháu mầm non tại Nghệ An trong một giờ học.

Khi clip hai cô giáo thuộc cơ sở mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ được tung lên mạng, thú thực tôi không đủ can đảm để xem. Bởi lẽ, tôi cũng là người mẹ và không một người mẹ nào có thể chịu được khi những đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi bị cô giáo dùng dép tát vào đầu, vào mặt, dùng đầu gối thúc vào bụng trẻ như thế.

Can đảm để xem hết, từ duy nhất mà tôi diễn tả được lúc đó là phẫn nộ! Các ông bố, bà mẹ khác có lẽ cũng chung tâm trạng như tôi. Nhiều người yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý hình sự đối với hành vi của hai cô giáo kia và loại bỏ vĩnh viễn khỏi ngành giáo dục.

Và như một tất yếu, từ clip kia, nhiều phụ huynh bắt đầu hoang mang và hoài nghi, liệu ở trường con mình có bị đối xử như thế không? Tất nhiên không thể hỏi thẳng cô giáo, vậy nên họ hỏi con mình: “Ở trường cô giáo có đánh con không?”.

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô tình gieo vào lòng trẻ sự hoài nghi về cô giáo của mình. Và khi phụ huynh không đủ sự tin tưởng với cô giáo của con mình, khoảng cách giữa gia đình - nhà trường, giữa phụ huynh - giáo viên dường như được nới xa hơn.

Khi con trai tôi mới gần 2 tuổi, do công việc nên tôi phải gửi cháu đi trẻ. Đó là thời điểm giữa năm, và là dân “nhập cư”, tôi không đủ điều kiện để xin cho con vào một nhà trẻ công lập. Sau khi tìm hiểu qua một vài kênh thông tin, tôi quyết định gửi con tại một cơ sở nhà trẻ trong dân.

Sau hai ngày đi học, lúc cho con ăn tôi thấy cậu con 17 tháng tuổi của mình cầm chiếc khăn lau dãi của nó, đập phèn phẹt xuống nền nhà nói bằng cái giọng chưa sõi “không ăn này, không ăn này”. Trẻ con tuổi ấy chưa biết nói dối, cũng chưa thể bịa chuyện, chỉ là nó nhìn thấy và làm theo một cách vô thức.

Tôi không dám khẳng định cô giáo của con dọa nạt hay làm gì con mình, nhưng nỗi sợ mơ hồ buộc tôi phải chuyển trường cho con dù mới đóng một khoản tiền không nhỏ ở nhóm trẻ kia.

Trường mới của con có camera, đương nhiên, tôi thấy yên tâm hơn bởi mình có thể quan sát con ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng rồi, chính tôi thấy phiền toái bởi camera ấy, bởi lẽ, tôi luôn bị phân tâm bởi những câu hỏi: Giờ này con mình đang làm gì, có ăn ngoan không, cô giáo có đánh con không… và chốc chốc lại dán mắt vào màn hình máy tính để xem. Tôi quyết định đặt niềm tin ở các cô giáo và hủy dịch vụ kết nối với camera ở lớp con.
Đối với trẻ mầm non, cần những cô giáo vững về nghiệp vụ sư phạm, yêu nghề và quý trẻ.

Ở môi trường mới, tôi quan sát thấy con mình chơi ngoan hơn, ăn ngoan hơn, tăng cân đều đặn và đặc biệt, thấy con thân thiết với cô giáo hơn. Tôi yên tâm hơn với lựa chọn của mình. Tôi không bao giờ hỏi con “cô giáo có đánh con không”, bởi lo sợ mình vô tình gieo sự hoài nghi cho con về cô giáo mình. Sau mỗi ngày đi học về, tôi chỉ hỏi con “hôm nay đi học có gì vui không con”. Cháu hào hứng kể chuyện cô, chuyện bạn. Tôi nghĩ, mình đã đúng khi hỏi con như thế.

Em họ tôi cũng là một giáo viên mầm non. Em mới ra trường, dạy ở một cơ sở tư nhân. Trường của em có camera để các phụ huynh có thể quan sát con mình. Em kể, có hôm đang đút cho trẻ ăn, em nhận được điện thoại của phụ huynh. Vị phụ huynh kia bảo em “cháu ăn 5 thìa là được rồi, hôm nay cháu hơi mệt”.

Nhận được điện thoại của phụ huynh, em bẽ bàng và xót xa cho nghề bảo mẫu của mình. Phụ huynh có thể đếm được cô giáo đút cho con mình được mấy thìa nghĩa là nhất cử, nhất động của cô giáo đều được theo dõi. Và khi người ta theo dõi, nghĩa là người ta không có lòng tin!

“Là giáo viên, ngoài trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, bọn em chăm trẻ bằng cả tấm lòng. Nói thật, nếu chẳng may sơ sẩy, cháu có việc gì thì không biết ăn nói với phụ huynh thế nào, hoặc bọn em có thể mất việc. Nhưng bị theo dõi gần như suốt 8-10 tiếng đồng hồ như thế, quả thật không dễ chịu chút nào, cảm giác mình không đủ tin tưởng với phụ huynh nhưng buồn thôi, không dám giận bởi xét cho cùng, phụ huynh lo cho con mình”, em tâm sự.

Tôi nghĩ, những vụ việc cô giáo đánh trẻ như ở cơ sở mầm non Sen Vàng không phải là cá biệt. Và điều phụ huynh lo lắng cũng có thể hiểu được. Các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát tâm lý, thái độ của con khi đi học để có thể nhận biết những biến động tâm lý của con, từ đó có cách xử trí khi con có nguy cơ bị bạo hành ở lớp.

Đối với các cô giáo bạo hành trẻ, không đơn thuần là kiểm điểm, kỷ luật mà tôi nghĩ, cần thiết phải loại bỏ ra khỏi ngành giáo dục bởi hậu quả của những hành động đó sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Việc chăm sóc, giáo dục các cháu ở lứa tuổi này hoàn toàn không đơn giản và phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu ai không đủ yêu nghề, yêu trẻ, xin hãy chọn cho mình một công việc khác, đừng đổ lỗi cho áp lực để trút đòn roi lên đầu trẻ!

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok