Indonesia, Singapore đều giảm thi hoặc bỏ thi
Tuần trước, Singapore công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp “được ăn cả, ngã về không” của học sinh tiểu học. Kỳ thi này quyết định con đường của một đứa trẻ 12 tuổi trong hệ thống trường học vô cùng cạnh tranh và đã trở thành nguyên nhân gây căng thẳng cho rất nhiều học sinh và các bậc phụ huynh. Nhưng cũng cuối tuần qua, hàng trăm người đã hưởng ứng lời kêu gọi chia sẻ những câu chuyện của họ cho thấy các kỳ thi không nhất thiết quyết định số phận tương lai của một con người. Khairudin Aljunied, một phó giáo sư đại học ở Singapore nói rằng phong trào “nói không với thi tốt nghiệp” sẽ cho những đứa trẻ “niềm tin và động lực”.
Hồi tháng 10, một trường hợp thương tâm đã xảy ra khi một cậu bé 11 tuổi nhảy lầu tự tử vì sức ép thi cử. Áp lực của các bậc phụ huynh đã trở thành một đề tài nóng ở Singapore. Dù vậy Singapore vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, nhưng đã tìm cách giảm bớt áp lực.
Trong khi đó, chuyện thi cử cũng nóng tại Indonesia. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục Indonesia - ông Muhadjir Effendy cho biết sẽ cấm tổ chức các kỳ thi quốc gia ở mọi cấp học, bắt đầu từ năm 2017. Đây cũng là một cam kết của Joko Widodo khi chỉ rõ các kỳ thi sẽ không được sử dụng như một công cụ “đo lường hệ thống giáo dục quốc gia”.
Lý do được nêu ra là việc tạo ra các kỳ thi đã gây áp lực quá lớn lên phụ huynh và học sinh, đồng thời tình trạng gian lận trong thi cử, tiêu cực vẫn tràn lan, khó kiểm soát. Số tiền bỏ ra cho mỗi kỳ thi nên để nâng cao cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.
Được biết ý định bỏ kỳ thi ở các cấp học đang nhận được ủng hộ của đa số người dân Indonesia.
Việt Nam đã từng bàn về chuyện “bỏ thi tốt nghiệp THPT”
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp 2016, trả lời báo chí, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, GS Đinh Văn Sơn đưa ra quan điểm đáng chú ý: “Quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng nên mạnh dạn bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi tốt nghiệp, sẽ là hình thức xét tốt nghiệp. Việc này là nhiệm vụ của sở GDĐT các tỉnh, thành phố. Việc tuyển sinh đại học là việc của các trường đại học gắn với quyền tự chủ của các trường”.
Lý giải điều này, ông Sơn đưa ra 4 lý do: “Thứ nhất, xét tốt nghiệp là căn cứ vào cả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Về lý sẽ chính xác hơn, toàn diện và khoa học hơn. Tất nhiên việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải khách quan, công bằng. Chúng ta không nên lấy lý do vì những tồn tại trong giáo dục phổ thông để níu kéo một việc không cần thiết phải duy trì. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều quốc gia không tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, thực tiễn hiện nay với tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện cần để các thí sinh được dự thi, dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà thôi. Các trường tổ chức thi tuyển không quan tâm tới hạng bằng tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Thứ ba, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì hằng năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội với số tiền hàng trăm, ngàn tỉ đồng như hiện nay (chi phí của Chính phủ, của các trường đại học, của các địa phương, của phụ huynh học sinh...). Kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp 98%, 99% thậm chí 100% như thi tốt nghiệp hiện nay.
Thứ tư, bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm phong trào dạy thêm, học thêm, luyện thi... đang tràn lan như hiện nay”.
Trước đó, nhiều GS, TS, nhân sĩ như TS Đà Trọng Thi, nhà sử học Dương Trung Quốc hay nguyên PCT Nước Nguyễn Thị Doan cũng đã có những phát biểu đồng tình việc xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp QG.
Áp lực nhưng chưa bỏ được
Dẫu biết con mình phải chịu khá nhiều áp lực trong việc thi nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong muốn đưa kỳ thi, giữ kỳ thi để đánh giá năng lực. Theo chị Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội): “Khó có thể áp dụng không thi các cấp ở nước mình. Bởi hiện nay, học sinh Việt Nam vẫn có tư duy “có thi mới học” và ví dụ điển hình gần đây nhất là môn giáo dục công dân. Chỉ đến khi có đưa môn này vào thi tốt nghiệp học sinh mới ngó ngàng đến môn học vốn rất quan trọng này”.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói: “Giả sử nếu học sinh Việt Nam trong quá trình học nghiêm túc và cách đánh giá năng lực thông qua việc theo dõi bằng kiểm tra hay một cách đánh giá nào đó chính xác, nghiêm túc thì việc không tổ chức các kỳ thi theo tôi cũng là chuyện bình thường. Nhưng hiện nay, vấn đề đánh giá năng lực của nước mình vẫn chưa thực sự chuẩn xác chính vì vậy việc thi vẫn phải áp dụng”.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư - tiến sĩ khoa học Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay: “Theo tôi phải nhìn nhận chung của thế giới, không thể thấy một nước làm mình theo ngay, mỗi nước có hoàn cảnh riêng, lịch sử riêng bây giờ mình không hiểu trình độ phát triển giáo dục của Indonesia như thế nào thì không thể theo họ được”.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích thêm: “Theo tôi kỳ thi THPT Quốc gia không bỏ được, như chúng ta cũng biết hiện nay nước ngoài đặc biệt các nước phát triển đều có kiểm tra đánh giá năng lực. Quay trở lại ở Việt Nam mình, nếu không có kỳ thi thì học sinh sẽ không chịu học. Đặc biệt những năm học phổ thông là năm nền tảng cho kiến thức sau”.
Cũng theo nhiều chuyên gia giáo dục, muốn bỏ thi tốt nghiệp, trước hết quá trình giảng dạy phải nghiêm túc, đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác. Nhưng Việt Nam ở thời điểm này việc đó chưa làm được, nếu có làm thì cũng chỉ mới một bộ phận nào đó thôi, với tình hình giáo dục của Việt Nam hiện nay chưa có thể bỏ được các kỳ thi.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên - Vân Anh
Nguồn tin: