Giáo dục

Có hay không “nhập nhèm” bổ nhiệm cán bộ?

Một lãnh đạo cấp phòng thuộc Bộ GD&ĐT đã quá hạn bổ nhiệm lại tới 7 tháng mà không có quyết định bổ nhiệm nhưng bất ngờ thành “cán bộ nguồn” để lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.


Theo đơn phản ánh, bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1975), chuyên viên Phòng Tổng hợp (Văn phòng Bộ GD&ĐT) được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tổng hợp kể từ ngày 1/6/2011; thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Bà Hạnh được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ 0,4. Theo quy định, đến tháng 6/2016, cơ quan quản lý công chức phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại đối với bà Hạnh, nhưng đến nay, sau 7 tháng hết thời hạn bà vẫn không có quyết định bổ nhiệm lại.

Kỳ lạ hơn, mới đây bà Hạnh bất ngờ được làm quy trình, lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn là Trưởng phòng Tổng hợp.

Vì sao bà Nguyễn Thị Hạnh không có quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Phó Trưởng phòng Tổng hợp?

Phóng viên đã đi tìm câu trả lời, được biết, tháng 5/2016, Văn phòng Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức Phòng Tổng hợp để bổ nhiệm lại chức vụ Phó Trưởng phòng Tổng hợp đối với bà Hạnh.

Theo một số lãnh đạo, cán bộ từng làm việc cùng bà Hạnh, tại cuộc họp này (ngày 12/5/2016), đã có nhiều ý kiến phát biểu góp ý về những hạn chế, đặc biệt là những hạn chế về năng lực lãnh đạo, khả năng phối hợp công tác, thậm chí có những ý kiến đề nghị thẳng thắn không bổ nhiệm lại chức danh Phó Trưởng phòng Tổng hợp đối với bà Hạnh.

Kết thúc buổi họp, Văn phòng Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại chức vụ Phó Trưởng phòng đối với bà Hạnh. Số phiếu tín nhiệm bà đạt kết quả rất thấp, chỉ có 6/15 phiếu đồng ý, đạt 40%. Phải chăng đây chính là lý do đến nay bà Hạnh chưa có quyết định bổ nhiệm lại và không ai dám ký quyết định?

Đáng nói hơn, từ tháng 6/2016 đến nay không có quyết định bổ nhiệm lại nhưng bà Hạnh vẫn làm việc với tư cách Phó Trưởng phòng và vô tư hưởng phụ cấp chức vụ 0,4 (khoảng 480 nghìn đồng/tháng). Đây là số tiền không lớn nhưng điều quan trọng là tính minh bạch, và đây cũng là tiền thuế của dân, cần được sử dụng một cách xứng đáng, đúng đối tượng. Và dư luận không khỏi nghi ngờ có sự nhập nhèm, bao che?

Bà Nguyễn Thị Hạnh không được bổ nhiệm lại không rõ lý do, nếu Văn phòng Bộ GD&ĐT “tiện thể” làm quy trình bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn cho bà Hạnh càng cho thấy sự thiếu minh bạch trong công tác cán bộ ở đơn vị này?

Phải có quyết định trước ít nhất 1 ngày làm việc

Theo điều 41 Nghị định của Chính phủ số 24/2010/NĐ - CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: Cơ quan quản lý công chức phải thực hiện bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm theo quy định.

Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét, bổ nhiệm lại; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại: Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý; quyết định bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 1 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.

Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.

Tác giả bài viết: Hoàng Lân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok