►Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng?
LTS: Xung quanh Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT yêu cầu các giáo viên tiểu học không chấm điểm mà thay bằng cách nhận xét. Việc này, nhiều giáo viên kêu khóc vì quá nhiều sổ sách cuối năm học và lớp quá đông học sinh.
Tuy nhiên, chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã nêu quan điểm về vấn đề này nhưng nhiều giáo viên chưa đồng quan điểm .
Hôm nay, trong bài viết này, cô giáo Mai Lan mạnh dạn có vài ý kiến góp ý với chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học. Để rộng đường dư luận, tòa soạn trân trọng trích nguyên văn ý kiến này.
Sau khi đọc bài viết “Chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học trao đổi thêm về Thông tư 30” của chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học Hoàng Mai Lê đăng tải trên Báo điện tử giáo dục Việt Nam ngày 3/6/2016, là một giáo viên Tiểu học, tôi xin được trao đổi thêm với chuyên viên một vài ý kiến với tư cách là một người trực tiếp đứng lớp, trực tiếp thực hiện Thông tư 30 như sau.
Cô giáo Tiểu học góp ý với chuyên viên Vụ Tiểu học về Thông tư 30 (Ảnh: laodong.com.vn)
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với tác giả một số điểm sau:
Trong bài viết, tác giả có nêu: “Trước khi triển khai Thông tư 30, giáo viên chưa thực sự quan tâm đến quá trình học tập, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Việc đánh giá quá trình và kết quả học tập bằng nhận xét kết hợp với điểm số thì giáo viên chủ yếu dùng điểm số, chưa thực sự quan tâm đến nhận xét hoặc nhận xét chưa nhiều nên chưa thực sự giúp học sinh biết mình cần phát huy những ưu điểm nào hoặc cần khắc phục những hạn chế nào để tiếp tục vươn lên”.
Nhưng rõ ràng trong thực tế, trước khi thực hiện Thông tư 30, tôi và đồng nghiệp luôn dành thời gian, tâm huyết để quan tâm học sinh, không dám lơ là.
Sau mỗi bài kiểm tra, đối với học sinh đạt điểm cao thì chúng tôi chú ý bồi dưỡng thêm để học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi.
Dù hiện nay không còn gọi là thi học sinh giỏi nhưng rõ ràng để thi Olympic Toán, Tiếng Việt chính là sân chơi cho những học sinh khá giỏi.
Còn đối với những học sinh có điểm chưa cao hoặc điểm kém thì giáo viên chúng tôi phải hướng dẫn, kèm cặp thường xuyên hơn để đạt yêu cầu.
Trước và sau khi chấm điểm, giáo viên rất quan tâm đến nhận xét và “nhận xét thường xuyên (bằng lời) để giúp học sinh biết mình cần phát huy những ưu điểm nào và nhất là cần khắc phục những hạn chế nào để tiếp tục vươn lên”. Khi chấm điểm, vẫn có nhận xét (nếu cần), một cách ngắn gọn, rõ ý.
Qua thực tế dạy học, tôi cho rằng không phải giáo viên ghi nhận xét để học sinh (và phụ huynh) đọc mới biết “mình (con mình) cần phát huy những ưu điểm nào hoặc cần khắc phục những hạn chế nào để tiếp tục vươn lên”.
Bởi trước đây, giáo viên luôn động viên, khuyến khích, theo sát từng học sinh trong giờ học, luôn có những nhận xét cụ thể, chi tiết, những hướng dẫn kịp thời (bằng lời) rất chính xác và hiệu quả, học sinh không cần nhớ lời nhận xét của thầy cô vì "sai đâu sửa đấy", sửa rồi thì nhớ kiến thức chứ đâu cần nhớ lời nhận xét hoặc đọc nhận xét rồi mới sửa.
Còn khi thực hiện Thông tư 30, giáo viên ghi nhận xét cho một học sinh thì thời gian tương đương hoặc nhiều hơn với hướng dẫn, nhận xét bằng lời cho khoảng 5 học sinh, nghĩa là có ít nhất 4 học sinh khác không được nhận xét.
Có nghĩa là, giáo viên mất nhiều thời gian để đánh giá, nhận xét từng học sinh theo Thông tư 30 khiến nhiều học sinh khác mất cơ hội được giúp đỡ.
Còn học sinh, phụ huynh khi đọc lời ghi nhận xét của thầy cô liệu có thật sự biết được "sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục khác; sự hình thành và phát triển năng lực; sự hình thành và phát triển phẩm chất" của con mình?
Và những nhận xét có thể tin cậy đến đâu khi những lời quan trọng nhất, cần thận trọng nhất là ghi trên giấy khen cuối năm học 2015-2016 đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều của phụ huynh trên cả nước?
Hơn nữa, trong bài viết, chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học đánh giá về Thông tư 30 như sau:
“Do không bị áp lực về điểm số, cùng với việc được giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời trong học tập, chắc chắn học sinh sẽ có hứng thú học tập và thích học hơn, kết quả học tập của học sinh cũng tốt hơn”.
Nhưng theo tôi, điều này chỉ đúng khi giáo viên không bị quá áp lực về ghi chép.
Trong khi, khi thực hiện Thông tư 30 khiến giáo viên phải ghi chép rất nhiều từ ghi vở học sinh, ghi sổ theo dõi chất lượng, sổ chủ nhiệm, ghi nhận xét học bạ,… ghi sổ dự giờ khoảng 3 tháng/lần, ghi sổ họp mỗi tháng từ 1-2 lần….tất cả đều viết bằng tay.
Khi giáo viên mệt mỏi, ức chế, không hứng thú giờ dạy thì liệu có còn “kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ dù là nhỏ nhất của học sinh để động viên, khích lệ ...?”.
Hơn nữa, các loại sổ được giáo viên ghi chép cẩn thận chỉ để cuối năm học đóng dấu rồi xếp vào ngăn tủ, không ai đọc.
Chỉ có học bạ học sinh lớp 5 vì nộp lên bậc trung học cơ sở nên được quan tâm hơn nhưng chắc chắn, trường chỉ căn cứ vào điểm số để tuyển sinh chứ mấy ai đọc nhận xét của giáo viên.
Ngoài ra, tác giả Hoàng Mai Lê còn cho rằng:
“Việc giáo viên chủ yếu chỉ dùng điểm số tạo ra áp lực đối với học sinh và cha mẹ học sinh và cũng là một nguyên nhân của dạy thêm, học thêm tràn lan, tạo ra những bức xúc cho cha mẹ học sinh, cộng đồng và xã hội”.
Thực tế cho thấy, sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 nhưng vấn nạn “dạy thêm, học thêm” không hề giảm ở địa phương nơi tôi công tác và một số phóng sự được VTV và một số cơ quan báo chí đăng tải.
Từ thực tế đó, tôi xin đề xuất ý kiến về Thông tư 30 như sau:
Thứ nhất, bỏ chấm điểm hoàn toàn, không chấm điểm cuối kỳ và cuối năm học. Thay vào đó, có thể áp dụng một phần mềm đánh giá học sinh (giống như phần mềm phổ cập) để lượng hóa, mã hóa việc đánh giá, nhận xét với nhiều tiêu chí nhỏ.
Để từ đó, giáo viên không phải mất nhiều thời gian ghi nhận xét trên lớp, thời gian đó dành để quan tâm tới học sinh.
Phụ huynh nào quan tâm đến việc học của con cái có thể yêu cầu giáo viên in hoặc gửi phiếu đánh giá của con mình với thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác.
Với phần mềm đó, cuối năm học, hồ sơ đánh giá học sinh được in ra thành 2 bản, phụ huynh giữ 1 bản, nhà trường giữ 1 bản.
Như vậy, học bạ học sinh lớp 5 lên lớp 6 chỉ cần 5 bản nhận xét của 5 năm học Tiểu học. Theo đó, giấy khen cuối năm học sẽ rõ ràng, hợp lý hơn.
Thứ hai, cần rà soát lại nội dung, chương trình sách giáo khoa các môn học, nên bỏ đi các nội dung quá hàn lâm với học sinh.
Ví dụ: Ở môn Lịch sử, bài 6: Nhà Hồ (Từ năm 1400 đến năm 1407) hay bài “Hướng dẫn học Lịch sử và Địa lý” – sách VNEN)
Điều chỉnh sao cho học sinh chỉ cần học những gì cơ bản nhất, phù hợp với độ tuổi và cũng tạo điều kiện cho 3 nội dung đánh giá theo Thông tư 30 được cân đối.
Khi nội dung kiến thức giảm đi thì sẽ tăng được các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT cần kiên quyết chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong Nhà trường. Hiện nay, giáo viên đang phải sử dụng quá nhiều loại hồ sơ, sổ sách viết tay, không đúng theo tinh thần chỉ đạo của công văn 6169/BGDĐT-GDTH và công văn số 68/BGDĐT- GDTrH mà Bộ đã ban hành trước đó.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.
Tác giả bài viết: Mai Lan