Mùa đông thời tiết hanh khô và ban đêm có sương giá nhưng vườn rau sân thượng của cô Nga vẫn tươi tốt. Cô trồng đủ loại hoa màu: rau ăn lá, rau ăn quả, rau leo giàn và cây gia vị trên diện tích chưa đầy 40 m2. Mỗi loại rau cô trồng đều xanh mướt, ít sâu bệnh và cho năng suất tốt. Nhà giáo về hưu chia sẻ, cô theo đuổi đam mê trồng trọt gần 20 năm, trải qua nhiều thất bại trước khi sở hữu vườn rau hiện tại. Bên cạnh sự tỉ mỉ, tận tâm, chăm sóc đúng kỹ thuật là yếu tố hàng đầu giúp cô Nga duy trì vườn rau 4 mùa xanh tốt.
Con gái cô Nga đang chăm sóc vườn rau sân thượng của mẹ. |
Khoảng giữa tháng 11, khi tiết trời trở lạnh, cô Bùi Nga áp dụng chế độ tưới nước đặc biệt cho vườn rau. Cô giáo về hưu ở Hà Nội tưới đẫm hai lần, vào sáng sớm và chiều muộn. Tưới nước buổi sáng ngoài tác dụng cung cấp nước cho rau, còn giúp rửa trôi sương đêm đọng trên lá. Lúc mặt trời lên, những giọt sương đêm sót lại có thể khiến rau bị cháy lá vì ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Cô Bùi Nga sử dụng vòi phun để tưới nước cho rau, áp lực nước từ vòi làm trôi trứng sâu do côn trùng đẻ lúc chiều muộn hay đêm khuya.
Chủ nhân khu vườn sân thượng không sử dụng đạm ure, lân, kali để bổ sung dinh dưỡng cho rau khi đông tới. Cô Nga cho rằng các loại phân thông thường, nếu không pha đúng liều lượng, dễ khiến rau bị xót lá, héo cây. Cô tự chế dung dịch nước tưới từ ruột cá nước ngọt để bổ sung dinh dưỡng cho vườn rau. Chỉ cần đun 1 kg ruột cá với 2 lít nước lã trong 15-20 phút rồi để nguội, sau đó pha loãng theo công thức: 1 bát nước cốt + 10 lít nước lã. Cô Bùi Nga sử dụng gáo múc dung dịch, luồn sát vào các gốc cây tưới lúc chiều tối.
Khi tưới rau, cô giáo Hà Nội khéo léo không để dung dịch lòng cá vương lên lá. Mỡ cá trong hỗn hợp nếu bám vào lá sẽ bít kín hệ hô hấp của rau. Sau đó ba ngày, cô Nga xới nhẹ gốc rau bằng chiếc bay nhỏ giúp đất thoáng khí. Cô cào đều tay để phần mỡ cá bám trên đất được trộn đều xuống dưới, không làm căng mặt đất.
Đều đặn mỗi tháng một lần, cô Nga tưới thêm hỗn hợp phân lân ngâm cùng nước tiểu cho vườn rau. Cách tưới này mang lại hiệu quả cao nhưng mất nhiều công sức vì khi tưới, cô Bùi Nga phải hạ toàn bộ chậu treo xuống mặt đất, tưới xong hôm sau lại treo lên.
Cô Bùi Nga phủ kín sân thượng 40 m2 bằng đủ loại rau xanh. |
Tận dụng đặc điểm trồng rau trong thùng xốp ít đất, cô Bùi Nga tăng số lần bón thúc để rau phát tốt. Quy trình bón thúc của cô Nga như sau:
- Khi rau được khoảng một tháng, tiến hành bón thúc
- Chuẩn bị hỗn hợp phân gà hoai mục trộn đất sạch theo tỉ lệ 50/50; thêm chút phân NPK, lượng nhỏ vôi bột để thoáng khí khoảng một giờ.
- Tưới đẫm gốc rau, để khoảng 30 phút cho nước ngấm đều.
- Bón vào gốc rau từng nắm hỗn hợp phân gà hoai mục trộn đất sạch, NPK, vôi bột.
- Một ngày sau, tưới đều đặn hai lần mỗi ngày để đất ngấm dinh dưỡng.
Với rau ăn lá, cô Nga áp dụng bón thúc mỗi tháng một lần; rau ăn quả, khoảng ba tuần một lần. Thỉnh thoảng, cô rắc lượng nhỏ vôi bột vào đất, tăng thêm muối khoáng cho cây và giúp rau không mắc bệnh đốm lá. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, cô Nga rắc trấu tươi kín gốc rau, giúp cây giữ ấm rễ và ngăn cản sương lạnh ngấm vào đất.
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng cho rau, cô Bùi Nga chú trọng diệt sâu bệnh bằng dung dịch Enzyme. Đây là loại thuốc trừ sâu tự chế từ vỏ hoa quả, nước rỉ mật theo công thức của tiến sỹ Rosukon người Thái Lan. Cô Nga sử dụng dung dịch Enzyme nguyên chất, phun mù sương lên rau để hạn chế sâu hại đẻ trứng và châm chích quả non.
Cô Nga rất tâm huyết với vườn rau của mình, cô có khoảng 20 năm theo đuổi đam mê trồng trọt. |
Tác giả: Lam Trà
Nguồn tin: ngoisao.net