Giáo dục

Cô giáo giúp chồng chở chữ đến với đồng bào miền núi

Đã gần hai năm nay, cứ tuần ba buổi tối, bà con thôn 3 xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế lại rộn ràng với những âm thanh đánh vần bảng chữ cái. Và điều đặc biệt là cô giáo đứng lớp lại là người dạy thay chồng - cô Hoàng Thị Mến.

Cô Mến hiện đang là giáo viên dạy Anh văn trường THPT Cao Thắng (Thừa Thiên Huế). Dù việc trường nhiều, việc nhà lại lo cho chồng con hay đau ốm, nhưng để tìm nét buồn bã, lo âu trên gương mặt cô giáo thật hiếm.

Chồng cô là thầy giáo Châu Văn Minh - giáo viên dạy sinh học ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Thủy. Hai năm nay, do mắc bệnh phù thận dẫn đến mất ngủ triền miên, thầy Minh đã được Ban Giám hiệu ưu tiên không bố trí thời gian đứng lớp mà chỉ phụ trách công tác phổ cập ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. Lo ngại sức khỏe của chồng trong việc đi lại, cô Mến đã đích thân nhận việc thay chồng.

Đi dạy xóa mù, việc tưởng dễ nhưng để vận động bà con thất học quay lại đi học thật không hề đơn giản, nhất là đối với địa bàn miền núi Phú Sơn - số người chưa biết chữ cao nhất, nhì thị xã nhưng điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Thu nhập của bà con phụ thuộc vào đi rừng làm rẫy, công việc vô cùng nặng nhọc, buổi ngày họ không rảnh, tối về thì cơm nước và còn phải nghỉ ngơi.

Nắm được đặc điểm và tình hình đó, cứ chiều chiều sau giờ dạy chính khóa, cô Mến đi từng nhà, gõ từng cửa để vận động bà con Phú Sơn ra học.

Cảm mến trước tấm lòng của cô giáo, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng với cán bộ chính quyền địa phương, lớp xóa mù mức 1 đã được ra đời với mười lăm học viên. Thành phần lớp học đa phần là các chị, các mệ từ ba lăm đến năm mươi tuổi. Cô bằng trò, thậm chí ít tuổi hơn nhưng hoàn toàn không có khoảng cách.

Khi được hỏi: Động lực nào để cô tận tâm với công việc khó khăn này? Cô Mến cười hiền lành và chỉ nói: từ Tâm. Gánh vác thay chồng là một chuyện, điều quan trọng hơn là trách nhiệm, ý thức của một người nhà giáó đã thôi thúc cô giáo toàn tâm với công việc của mình.

Như cô chia sẻ: "Ai đi lên Phú Sơn mà không yêu thương con người nơi đây thì không phải là người!". Sự chân thật, mộc mạc của bà con nơi đây như một sợ dây vô hình níu chân cô Mến.

Cứ vào chiều các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy trong tuần, đồng nghiệp lại thấy cô tất tả uống ly nước sau tiết dạy cuối, vượt 20 cây số đường núi để bà con khỏi đợi. 6 giờ 30 phút học nhưng tầm 6 giờ chiều cô đã có mặt ở nhà văn hóa thôn 3 để đợi bà con. Vì cô cho rằng, mình đợi bà con thì được, chứ để bà con đợi mình thì tội lắm.

Chính vì dạy từ tâm, từ tình thương mà việc chuẩn bị bài chu đáo trước khi đứng lớp được cô chú trọng. Bởi như cô suy nghĩ: Học viên họ không biết chữ nhưng biết suy nghĩ, và điều đó đồng nghĩa mình tôn trọng họ và họ biết được điều đó. Và một khi đã yêu đã thương rồi thì không có chỗ cho lòng tự ái.

Có những bức ảnh ghép vần, học viên không thích vì chữ hơi nhỏ hay hình ảnh không đẹp, lập tức cô rút kinh nghiệm và không để tình trạng đó tiếp diễn ở lần sau. Cũng như bài dạy của cô có thể không đi theo bất cứ lộ trình chuẩn nào, bởi nhu cầu của họ chỉ là: " đừng dạy chúng tôi đếm từ 1 đến 10. mà hãy dạy 100 viết răng, 1000 viết răng để chúng tôi biết đếm cây và để... hát karaoke".

Không chỉ chăm chút cho từng bài giảng của mình, động viên chân thành như chị em trong nhà bảo nhau, cô giáo Mến còn rất tế nhị trong việc chăm lo sức khỏe cho học viên của mình. Bà con đọc không được, cô tự bỏ tiền túi của mình cũng như vận động bạn bè đồng nghiệp nhờ người về đo mắt tận nơi và mua kính cho mọi người.

Không chỉ tặng kính cho các thành viên lớp học mà kể cả những người thân của học viên đến xin, cô cũng sẵn lòng. Hay vào các dịp lễ tết, cô lại bận rộn với mua quà và gói quà tặng học viên. Có khi đó chỉ là cân đường, hộp sữa hay những tấm áo dài từ các đồng nghiệp của mình đem tặng. Với cô, đó không phải là lấy vật chất để "mua lòng" họ, mà tặng họ bằng cả tình thương.

Có lẽ chỉ trao đi tình thương đích thực mới nhận lại được tình thương chân thành. Dù chỉ là củ khoai, củ sắn, mụt măng hay vài quả chuối xanh mà học viên bỏ ngoài xe cô sau buổi học, nhưng lại khiến cô và trò gắn kết nhiều hơn.

Nhều o, nhiều mệ đã không giấu được niềm vui khi hồ hởi khoe rằng: "Nhờ có cô Mến mà giờ đây, tui đã biết lưu số diện thoại của con, biết kí vào sổ nhận trợ cấp hộ nghèo". Với một người giáo viên, có niềm vui nào hơn khi trò mình đã nỗ lực hết mình và đã biết thêm từng ngày.

Tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cùng với sự tận tụy, tận tâm, cô giáo Hoàng Thị Mến là tấm gương sáng cho nhiều học sinh, đồng nghiệp và bà con nhân dân. Đúng như lời nhận xét của thầy giáo Nguyễn Hữu Văn - Phó Giám đốc Trung Tâm GDNN -GDTX Hương Thủy - khi chứng kiến những giờ lên lớp của cô Mến: "Cô Mến là hiện thân của người vợ, người mẹ, người giáo viên hết lòng vì công việc. Dù chưa có huân huy chương, nhưng cô xứng đáng là người giáo viên trong lòng nhân dân ".

Hồ THị Quỳnh Lâm/Theo Giáo dục & thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok