Giáo dục

"Cô giáo" đặc biệt

Với vốn ngoại ngữ thông thạo, Thi đã đảm nhiệm dạy tiếng Quảng Đông miễn phí cho các đồng nghiệp tại công ty

Vừa trông thấy "cô giáo" Bành Khiết Thi bước vào hội trường, nhiều học viên lớp bồi dưỡng tiếng Quảng Đông tại Công ty CP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor đứng dậy chào. Đáp lễ, "cô giáo" Thi nở một nụ cười thật tươi và gật đầu chào mọi người. Chị Thi là một trong 4 cá nhân vừa được LĐLĐ quận 1, TP HCM trao Giải thưởng Lưu Chí Hiếu năm 2017.

Lớp học đặc biệt

Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa tại quận 5, TP HCM nên chị Thi sử dụng tiếng Hoa là ngôn ngữ giao tiếp chính giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Song song với chương trình phổ thông tiếng Việt, Thi học tiếng Hoa suốt 12 năm liền tại Trường Trần Bội Cơ (quận 5). Với vốn tiếng Hoa vững, tốt nghiệp phổ thông, chị dạy ở Trường Trần Bội Cơ, làm phiên dịch viên, người dẫn chương trình… Năm 2013, Thi vào Công ty CP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor làm điều phối viên với công việc báo cáo doanh thu hằng ngày của các khách sạn cho những trưởng bộ phận, ban giám đốc.

Chị Bành Khiết Thi (bìa phải) tạo sự hứng thú cho các đồng nghiệp trong giờ học tiếng Quảng Đông

Công ty CP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor có hệ thống nhà hàng, khách sạn tại quận 1, 3, 5… với lượng khách người Hoa rất đông nhưng nhân viên biết tiếng Hoa rất ít. Trước tình hình này, bộ phận đào tạo của công ty đề nghị Thi đứng ra dạy tiếng Quảng Đông cho nhân viên. "Tôi từng đi dạy học sinh nhưng chưa từng kèm cặp người lớn bao giờ. Ban đầu, tôi cũng hơi lo, không biết lớp học có thể duy trì được lâu hay không và các anh chị có học được hay không. Trước đây, công ty từng mở một lớp tiếng Hoa phổ thông dành cho nhân viên nhưng vì nhiều lý do, lượng học viên rơi rụng dần rồi dẹp lớp. Nhưng tôi tự nhủ thử một lần xem thế nào" - chị Thi tâm sự.

Tạo hứng thú cho học viên

Ở công ty, nhân viên xác định ngoại ngữ rất cần thiết nhưng rồi có "1.001 lý do" để không đến lớp hoặc bỏ dở giữa chừng: phải đón con, vào ca, kẹt xe, đường xa… Đó cũng là lý do vì sao ban giám đốc công ty quyết định mở lớp học tiếng Quảng Đông ngay tại công ty.

Học viên học từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút thứ ba, thứ năm hằng tuần. Không chỉ nhân viên bộ phận kinh doanh mà bộ phận quản lý như trưởng phòng nhân sự, giám đốc nhân sự… cũng theo học. Thi kể: "Tiếng Hoa rất khó vì phải viết kiên trì từng nét một. Biết các anh chị đều lớn tuổi nên tôi chủ yếu dạy phần giao tiếp và anh chị nào muốn viết thì sẽ kèm thêm. Tuy nhiên, qua 4 tháng giảng dạy, các anh chị học rất hào hứng, khả năng tiếp thu rất tốt, chịu khó ôn bài ở nhà".

Không chỉ dạy các câu giao tiếp thông thường, Thi còn đưa tiếng Hoa vào giờ học qua các trò chơi, các câu chuyện kể về sự tích mùng 5 tháng 5, Ngưu Lang Chức Nữ, ngày Tết… tạo sự hào hứng, sinh động cho học viên. Qua 4 tháng học, từ 45 học viên ban đầu, đến nay sĩ số lớp vẫn còn nguyên. Chị Lê Hồng Ngọc kể chị rất muốn học tiếng Hoa nhưng không có cơ hội, vì thế khi công ty có lớp học, chị không do dự tham gia. "Không chỉ đàm thoại với các bạn trong lớp, về nhà, tôi còn trao đổi bằng tiếng Hoa với ông xã. Vì thế, qua 4 tháng học, tôi có thể tự tin giao tiếp được với khách hàng, đồng nghiệp" - chị Ngọc kể.

Chị Nguyễn Châu Toàn Mỹ Duyên, Trưởng Bộ phận Đào tạo Công ty CP Quản lý Bất động sản Windsor, nhận xét: "Thi rất nhiệt tình với lớp học, kèm cặp từng anh chị còn yếu hay còn ngại nói. Tất cả giáo án hằng ngày đều được Thi soạn tỉ mỉ ở nhà rồi photocopy cho từng học viên. Nếu tính học phí bên ngoài, mỗi học viên trả 800.000 đồng/tháng/người thì một năm, Thi tiết kiệm cho công ty được 432 triệu đồng".

Vài nét về liệt sĩ Lưu Chí Hiếu

Lưu Chí Hiếu sinh năm 1913, tại làng Hương Cát, xã Trực Thành (nay là thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh), tỉnh Nam Định. Lưu Chí Hiếu sớm gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội của huyện và được giao nhiệm vụ liên lạc, in tài liệu, rải truyền đơn.

Năm 1949, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau ngày đình chiến, ông được phân công làm cán bộ tổ chức của Quận ủy quận 1, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Ngày 3-7-1955, khi đang chỉ đạo cuộc biểu tình của Nghiệp đoàn Thợ giày do Ủy ban Cứu trợ - Bảo vệ tài sản dân chúng thành phố phát động thì ông bị bắt và bị giam tại đề lao Gia Định (Biên Hòa). Sau đó, ông bị đày ra nhà tù Côn Đảo và hy sinh tại đây.

Năm 2015, LĐLĐ quận 1, TP HCM thành lập Giải thưởng Lưu Chí Hiếu nhằm tôn vinh những CNVC-LĐ có sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp hoặc các cán bộ Công đoàn có những cách làm hay, có lợi cho người lao động.

Tác giả: NGÂN HÀ

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Cô giáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok