Giáo dục

“Cô giáo cháu ác lắm”

Đó là nguyên văn lời tâm sự của một bé hàng xóm ở cạnh nhà tôi, hiện đang học lớp 5. Ngay từ hồi đầu tháng 8, khi lớp cháu mới nhận giáo viên chủ nhiệm, cháu đã về kể với tôi là năm nay cháu khổ lắm vì phải học một cô giáo cực kì ghê gớm.

Tôi không tin cười bảo: “Sao biết là ghê, mới tiếp xúc đã hiểu gì về cô đâu mà vội lo”. Cháu khẳng định cô nổi tiếng ghê từ ngày xưa, các anh chị lớp trước đã truyền tai nhau lâu rồi.

Sau hơn 1 tháng học tập, ác cảm ban đầu về cô không hề vơi đi mà ngày càng tăng dần lên. Mỗi lần sang nhà tôi là cháu lại kể chuyện ở lớp các bạn bị cô véo tai, đánh đít, đập thước kẻ vào tay, vào lưng, thậm chí cả vào đầu, có bạn đau quá khóc ầm lên, có bạn bị rách tai chảy máu, có bạn u đầu phải xin chuyển lớp.

Tội nhất là những bạn học kém vì hầu như ngày nào cũng bị đánh. Bản thân cháu mới bị xếch tai một lần nhưng rất sợ và không thích đi học vì đến lớp suốt ngày nghe cô chửi mắng học sinh đinh tai nhức óc.

Càng nghe kể, tôi càng bất bình phẫn nộ về cô giáo đó. Tại sao một người như thế vẫn được đứng lớp bao nhiêu năm, tại sao một người như thế vẫn mang danh là thầy?

Không thể nói hiệu trưởng và giáo viên trong trường không biết, bởi đâu chỉ 1, 2 học sinh cá biệt bị đánh, bởi đâu chỉ 1,2 khóa học mới có tình trạng này, nhiều bạn, nhiều thế hệ học sinh đã truyền tai nhau mức độ ghê gớm của cô. Trẻ con thì không biết nói dối và chúng rủ nhau nói dối để làm gì kia chứ?

Giận hơn nữa là các vị phụ huynh, bố mẹ những đứa con bị đánh hầu như ngậm hột thị? Lẽ nào họ không biết, lẽ nào con cái họ về nhà không dám kể với bố mẹ vì sợ bị chửi mắng thêm, trường hợp này có nhưng tôi tin là ít vì thông thường trẻ con chưa biết âm thầm chịu đau một mình, nhất định nó sẽ kể. Và cả những bạn không bị đánh lần nào, chắc hẳn cũng phải kể cho bố mẹ nghe ít nhiều về cô giáo mình.

Vậy mà trong buổi họp phụ huynh đầu năm chỉ có 1, 2 người dám lên tiếng, cô giáo bảo nó hư, cô nhỡ tay, thế là xong, còn những người khác thì im như thóc, không ai ý kiến gì. Họ sợ nói ra con mình bị trù ghét hay họ nghĩ làm thế là vi phạm truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Dù nghĩ theo cách nào thì cũng thật đáng thương, thật ấu trĩ !

Bởi bây giờ là thời đại của công nghệ, thế giới phẳng, chỉ một vài dòng trạng thái trên Facebook cả xã hội đã ầm ầm vào cuộc, cô giáo sao có thể trù dập học sinh dễ dàng được. Bởi kính thầy không có nghĩa là bao che, dung túng, đồng thuận vớí mọi việc làm của thầy bất kể sai trái.

Với các vị phụ huynh kia, việc bao lâu nay, báo chí, dư luận lên tiếng phê phán, tố cáo những hành vi bạo lực, mang danh giáo dục nhưng kì thực lại phản giáo dục của một bộ phận thầy cô có vẻ không lọt đến tai họ.

Nực cười hơn nữa, bản thân bố cháu bé, hàng xóm nhà tôi, lại bảo thích cho con học cô giáo như thế. Vậy mới biết dân mình còn nhiều người lạc hậu lắm, từ thuở cha truyền con nối đến giờ vẫn một mực tin rằng giáo dục phải lấy roi vọt làm trọng.

Thế là nghiễm nhiên bố mẹ đã tiếp tay cho những sai phạm của cô giáo, gián tiếp cổ súy bạo lực trong giáo dục. Chỉ khổ những đứa trẻ ngày ngày đến lớp vừa học vừa nơm nớp lo lắng. Chẳng hiểu chúng học được gì ngoài nỗi sợ!

Tôi đã từng là giáo viên nên rất hiểu nỗi khổ của thầy cô khi lên lớp, có phải học sinh nào cũng ngoan ngoãn, ngồi yên cho mình dạy đâu, có phải mỗi việc truyền kiến thức là xong đâu. Đứa thì nghịch ngợm quậy phá, đứa thì đầu óc chậm chạp, khó tiếp thu, đứa thì chuyện nọ chuyện kia sao nhãng học hành...

Để làm người thầy đúng nghĩa cực nhọc vô cùng, đau đầu, ức chế thần kinh là chuyện cơm bữa, buồn chán bất lực đến rơi nước mắt cũng chẳng hiếm hoi gì. Nhưng không phải vì thế mà giáo viên tự cho mình cái quyền được đánh học sinh bất cứ khi nào bực bội, cáu kỉnh.

Trong quá trình dạy học người thầy có thể la mắng học sinh nhiều, rất nhiều nhưng đánh thì đừng. Làm tổn thương con trẻ về thể xác tội lắm, hệ lụy sâu xa của nó còn là sự đổ vỡ về tinh thần, mãi mãi không lấy lại được.

Tác giả: Hà Đông

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok