Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy (giáo viên Trường Mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trong số các giáo viên được nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo". Ảnh: Thanh Hùng. |
Cô giáo Thủy là một trong 100 giáo viên vừa được vinh danh giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” với việc thực hiện dạy học qua sáng kiến “Nghệ thuật hóa các hoạt động của trẻ”.
Ấn tượng đầu tiên về cô giáo sinh năm 1981 này là phong cách tươi trẻ và vẻ ngoài thân thiện.
Cô Thủy tâm niệm một giáo viên giỏi không chỉ là người biết truyền đạt kiến thức mà còn phải biết truyền cảm hứng cho học trò. Muốn vậy, bản thân phải biết vui cùng với niềm vui của con trẻ.
Tận dụng năng khiếu của bản thân, cô đã tìm tòi, suy nghĩ đưa tạo hình và âm nhạc, hoạt động nghệ thuật giáo dục thẩm mỹ vào trong dạy học để truyền cảm hứng, giúp trẻ phát triển toàn diện, được học bằng chơi.
Ngoài việc tự làm đồ dùng, dụng cụ nhạc cụ rồi hướng dẫn trẻ làm cùng cho hoạt động tại lớp, cô thường xuyên tự lên kịch bản dàn dựng các hoạt cảnh, vở kịch cho trẻ tham gia.
Cô cũng tự khám phá các làn điệu nghệ thuật dân gian rồi sáng tác, viết lời mới cho các điệu hò, điệu ví; sáng tác ca kịch phù hợp với hoạt động trên lớp học.
“Với các hoạt động tạo hình, làm quen chữ cái, tôi chọn cách sáng tác những câu chuyện, lời ca, giai điệu âm nhạc của các vùng miền, các nước, hoặc đặt lời mới cho trẻ đố đoán về chữ cái qua các loại hình nghệ thuật dân gian: hát đối, hát quan họ, hát trống quân với các bài đồng dao”, cô Thủy nói.
Để trẻ làm quen với toán, cô giáo tổ chức thành các trò chơi toán qua các điệu nhảy, dân vũ. “Trong quá trình nhảy dân vũ, tôi yêu cầu trẻ dùng các ngón tay, các bộ phận của cơ thể phối hợp đôi, phối hợp nhóm để đếm nhanh, đếm nhẩm ngay số lượng bạn chơi. Việc làm quen với toán thông qua hoạt động đó khiến trẻ rất hứng thú và thực hiện yêu cầu giáo viên một cách tự nhiên”.
Ảnh: Thanh Hùng. |
Bản thân cô giáo cũng tự học hỏi và có thể sử dụng tới 8 loại nhạc cụ như Organ, piano, đàn T’rưng, đàn đá, trống, đàn tam thập lục,…
“Tùy từng tiết học phù hợp, có thể khi dạy liên quan đến văn hóa vùng miền nào thì tôi cố gắng sử dụng nhạc cụ của vùng miền đó. Có tiết dạy, tôi sử dụng lá để làm kèn rồi thổi ra tiếng kêu để trẻ biết được âm thanh từ lá phát ra như thế nào và thấy được cuộc sống rất đa dạng”, cô kể.
Đặc biệt, để tăng sự hứng thú, cô giáo Thuỷ còn thường xuyên tổ chức các “Liveshow ca nhạc” theo chủ đề và dạy trẻ sử dụng các nhạc cụ dân tộc của các vùng miền dễ kiếm như bộ gõ chén của Huế hay kèn lá của người Mông,...
“Trẻ được hóa thân thành các nghệ sĩ đủ vũ công, ca sĩ, MC, nhạc công… Ban nhạc này với đủ những dụng cụ âm nhạc đặc biệt được chế từ lá cây, chén bát, muôi thìa, ống tre nứa, nilon, dây chun, dây cước…”, cô Thủy say sưa.
Ngoài ra, trong các buổi hoạt động chiều, cô đã “biến” lớp học thành câu lạc bộ khiêu vũ khi các học sinh hóa thành những vũ công khoác trên mình những bộ cánh đặc biệt mà cô trò làm từ lá cây, nilon, giấy nghệ thuật.
“Các buổi sinh hoạt lớp không chỉ để nhận xét và nêu gương bé ngoan, mà tôi cho các con tham gia khiêu vũ. Trước khi vào buổi khiêu vũ tôi dạy trẻ biết tự chọn trang phục, tự hóa trang đến chọn bạn nhảy cùng hay chọn vũ điệu. Các em được hóa thân thành các nghệ sĩ, có bạn thích làm vũ công, bạn thích MC, rồi ca sĩ, nhạc công,…”
Cô giáo Thu Thủy nhận bằng khen do lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trao tặng vì những sáng tạo trong dạy học. Ảnh: Thanh Hùng. |
Bản thân cô luôn chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp trong tổ chuyên môn về những trăn trở, tâm huyết của mình.
Trong năm học vừa qua, cô giáo Thủy đã có nhiều hoạt động được phổ biển trong tổ, lan tỏa tới các đồng nghiệp trong trường. Sự sáng tạo đã mang lại hiệu quả tốt khi các học sinh của trường tự tin, mạnh dạn, hứng thú với các hoạt động hơn.
Cô Thủy cho rằng để phấn đấu hết mình với nghề nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, không chỉ nhờ được sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ các đồng nghiệp, sự tin tưởng ủng hộ của các bậc phụ huynh, mà còn cả sự cảm thông, chia sẻ của người chồng hiện trong quân ngũ. Bởi giáo viên mầm non là công việc vất vả và nhiều sức ép.
Những nỗ lực của cô cũng được đền đáp bằng nhiều thành tích đáng khích lệ như: giải Nhất Giáo viên giỏi cấp thành phố; giải Ba “Cô giáo tài năng duyên dáng” TP Hà Nội; sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp ngành và trong 5 năm học gần đây cô luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Năm học 2016 - 2017, cô Thuỷ được giấy khen thành tích xuất sắc công tác khuyến học của UBND quận Tây Hồ; có sáng kiến kinh nghiệm đạt Giải A cấp quận.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet