Thanh Phương, hay còn được biết đến với tên gọi Phương Shi, là chủ nhân của blog du lịch Đi và ghi khá có tiếng trong giới phượt, đồng thời cũng là dịch giả của một số cuốn sách. Cô gái 25 tuổi có đam mê du lịch bất tận, luôn tranh thủ bất cứ thời gian nào rảnh rỗi trong tuần, trong tháng để khám phá một nơi chốn mới mẻ. Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung, sau đó chuyển sang Trung Quốc làm việc, Phương đã đặt chân tới hơn 40 thành phố ở đất nước rộng lớn này, bao gồm cả những vùng đất xa xôi, đường đi khó khăn như Tây Tạng, Nội Mông...
Tròn một năm trước, khi đang quay cuồng với lịch làm việc dài và mệt mỏi, Phương chợt nghĩ thời gian trôi qua thật lãng phí, ngày ngày sáng đi làm tối về ngủ. Và thế là, cô ngồi bật dậy, nói với bạn cùng phòng về ý định mỗi tháng sẽ đi du lịch một lần, sau đó lập tức đi mua vé tàu.
Thanh Phương từng có cơ hội tới thăm học viện Phật giáo nổi tiếng Larung Gar. |
Sau lần đầu tiên ấy, chuyến đi này nối tiếp chuyến đi kia. Hầu như tháng nào ở Trung Quốc cũng có 3-4 ngày nghỉ lễ Tết, mỗi dịp đó, Phương lại lên đường. Có những chuyến đi bắt đầu ngay khi bước chân ra khỏi công ty, tan làm là xách vali chạy vội ra sân bay luôn, lúc về là 3-4h đêm rồi 8h đã phải đi làm. Dù mệt bơ phờ nhưng đam mê du lịch luôn thôi thúc cô gái trẻ trên hành trình vi vu.
Chuyến đi dài nhất của Phương là 40 ngày vào tháng 5 vừa qua, khi cô quyết định từ bỏ công việc và sử dụng nốt những ngày cuối hạn visa để đi du lịch. Đó là một chuyến đi đáng nhớ với những trải nghiệm ngoan mục và khó tin: đi qua cao nguyên, thảo nguyên, núi tuyết, hoang mạc, sa mạc, tới thăm học viện Phật giáo Larung Gar...
Phương từng leo núi trong tính trạng sốc độ cao liên tục trong 6 tiếng đồng hồ, chân núi thì nóng và mưa, nhưng càng lên cao gió thổi lạnh buốt, nhưng tuyệt nhất là khoảnh khắc leo lên đến đỉnh 5.200 m, bỗng nhiên tuyết bắt đầu rơi. "Sống trên đời 25 năm, tôi chưa từng, chưa bao giờ được ngắm nhìn một bầu trời đầy sao tuyệt đẹp đến thế. Thực sự lúc đó, tôi rất xúc động. Trên bầu trời có cả hàng nghìn hàng vạn ngôi sao lấp lánh, lung linh huyền ảo như thể người ta treo lên trời chứ không thiên nhiên tạo hóa", Phương chia sẻ.
Một trong những trải nghiệm nhớ đời nhất mà Phương đã phải "thu hết can đảm" để chứng kiến là nghi lễ thiên táng rùng rợn của người Tạng. Đây là một tục lệ linh thiêng trong văn hóa của người dân nơi đây, những ai được làm thiên táng chính là vinh dự của cuộc đời họ. Sau khi qua đời, những người này sẽ được cởi hết quần áo, xác bọc trong một tấm vải trắng, nằm cuộn người đầu chạm đầu gối giống như đứa trẻ lúc nằm trong bụng mẹ, với ý nghĩa người chết sẽ vào kiếp luân hồi mới trong trạng thái của một đứa trẻ mới được sinh ra.
Nghi thức thiên táng (hay còn gọi là điểu táng) rùng rợn của người Tạng. Người xem được yêu cầu hạn chế quay phim chụp ảnh nên Phương chỉ ghi lại hình ảnh sau khi nghi thức kết thúc. |
Sau khi đưa xác vào đài táng, người ta sẽ che lại hiện trường bằng những mảnh vải đủ cao để cho những đến xem không thể nhìn thấy được những gì diễn ra bên trong. Sau khi lạt ma làm lễ tụng kinh siêu độ cho người chết, thầy táng sẽ phân xác người chết thành nhiều phần bằng đao, moi nội tạng ra ngoài, chặt nhỏ, rồi ra hiệu cho lũ kền kền đang chầu chực trên sườn núi, ùa vào xâu xé cái xác mới chặt một cách nhanh chóng. Phật giáo Tây Tạng tin rằng, con người chết đi, linh hồn sẽ rời nhục thể để vào kiếp luân hồi mới. Nhục thể trở thành một thứ vỏ bọc vô dụng, khi chết đi, đem thân xác nuôi kền kền cũng coi như là hành thiện cho đời lần cuối cùng.
Phương nhớ lại: "Cho đến sau này gặp lại những người bạn đồng hành, chúng tôi cũng vẫn không hết sợ. Do nó thực sự quá ám ảnh, nhất là mùi tử thi. Có lẽ đó là thứ mùi khinh khủng nhất trên đời tôi từng ngửi, mãi mãi không thể quên. Tôi cũng không tưởng tượng nổi mình lại gan đến thế vì tôi là người tin vào tâm linh. Hôm đó, xem xong thiên táng theo lịch trình sẽ đi miếu Quan Âm nhưng vì ám ảnh quá nên mọi người không còn dám đi nữa. Khung cảnh khi thiên táng đến giờ vẫn hằn trong trí óc tôi, tiếng tụng kinh, cả trăm con kền kền to béo bay lượn trên trời, mùi tử thi dù có cuốn đến 4 lớp khăn vẫn xộc vào mũi, làm người ta cảm thấy u ám".
Sau Tây Tạng thì Nội Mông là nơi khiến Phương lưu luyến nhiều nhất bởi cô yêu thích cái thuần chất của phong cảnh và con người nơi đây. Bên cạnh đó, những hoạt động ngoài trời như mái môtô, trượt cát dốc đứng, cưỡi ngựa, phóng xe đi khắp thảo nguyên bát ngát cũng khiến những tâm hồn mê dịch chuyển đắm đuối.
Đi nhiều, lại ở xa gia đình, thường xuyên đi du lịch một mình nên Phương đã trải qua nhiều câu chuyện thú vị dọc hành trình. Cô bảo: "Người Trung Quốc có câu: 'Ở nhà nhờ bố mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè', còn với tôi, khi ra thế giới lại nhờ vào người ngoài".
|
Cô gái trẻ nhớ lại vô số lần được người lạ giúp đỡ vô điều kiện. Có lần suýt muộn tàu, ga tàu ở Quảng Châu lại rất lớn, rộng y như sân bay, lần đầu sang Trung Quốc lớ ngớ chẳng biết gì, Phương đã nhờ bừa một người phụ nữ đi ngang qua. Chị ấy nhiệt tình dẫn ra tận quầy ở rất xa và nhờ mọi người đang đứng xếp hàng cho lấy vé trước. Nhờ đó mà Phương kịp lên tàu. Rồi lần đầu bay đến Thượng Hải nhưng không đặt được khách sạn, bơ vơ giữa lòng thành phố không biết đi đâu, cứ vô định lên tàu ngồi, Phương nhờ một bạn nam trên tàu điện ngầm tìm hộ khách sạn. Cả quãng đường gần một tiếng đồng hồ ấy bạn ấy gọi hết khách sạn này đến khách sạn kia hỏi giúp đặt chỗ. "Người lạ đó, xuống tàu rồi vẫn là người lạ thôi. Nhưng người ta giúp mình lúc hoàn cảnh trớ trêu nên tôi không bao giờ quên được", Phương kể.
Rồi đợt đi Sắc Đạt cùng mấy người bạn đồng hành, lên xe bắt đầu đi mới quen nhau, nhưng cả quãng đường anh tài xế liên tục hỏi han có mệt không, đau đầu không vì sợ cả nhóm sốc độ cao. Cô nhớ lại: "Lúc leo từ trên núi tuyết xuống, kiệt sức và thiếu oxi, tôi nằm vật ra tảng đá ven đường. Mọi người qua đường cứ tưởng tôi ngất, ai cũng xúm vào lay dậy, sợ tôi bị làm sao. Tôi vẫn nhớ lúc đó mở mắt ra là cảnh anh tài xế hoảng hốt lo lắng, nghĩ lại vẫn thấy ấm lòng lắm".
Vốn lạc quan nên chuyến đi nào của Phương cũng tràn ngập niềm vui và những trải nghiệm tích cực. Cô chủ trang blog không nhớ nhiều về các sự cố của mình, đa phần chỉ là những lần đặt sai khách sạn, bay đêm, di chuyển mệt mỏi. Có lần đi liền 24 tiếng không nghỉ, về đến nơi khách sạn lại đóng cửa, cô ngồi bịch xuống trước cửa khách sạn mà khóc ngon lành, chẳng vì lý do gì. "Mọi người nhìn vào sẽ chỉ thấy được chuyến đi thật đẹp, thật sướng, được vi vu khắp nơi nhưng không ai biết để được đi và đi thật xa, ngoài việc tài chính ổn định ra cần cả về sức khỏe và chịu đựng".
Khi được hỏi vì sao lại yêu thích du lịch Trung Quốc tới vậy, trong khi nhiều du khách Việt e ngại, thậm chí là "tẩy chay", nữ phượt thủ chia sẻ: "Tôi chỉ thấy Trung Quốc là sự lựa chọn rất tuyệt cho việc đi du lịch thôi. Thiên nhiên đẹp và hùng vĩ nên thật tiếc cho những ai vì cái nhìn phiến diện về đất nước này mà để lỡ những cảnh tượng hoàn mỹ ấy. Trung Quốc vừa hoang sơ lại vừa hiện đại chẳng thua kém gì những nước châu Âu".
|
Ngoài ra, Trung Quốc còn khá an toàn, di chuyển rất thuận tiện, từ máy bay, tàu cao tốc, tàu hỏa, metro và xe bus, Uber, didi (một hình thức giống Uber), xe đạp share. Tất cả đều có thể giải quyết nhanh gọn bằng các phần mềm du lịch, thanh toán tiện lợi chỉ bằng việc nhập dấu vân tay trong vòng vài giây.
Nói về những chuyến đi của mình, Thanh Phương chiêm nghiệm: "Đi luôn luôn có ích. Nếu bạn đến một đất nước tốt đẹp hơn, bạn sẽ học hỏi để cải thiện đất nước mình. Nếu chẳng may bạn đến một đất nước tệ hơn, bạn sẽ học để yêu đất nước của chính mình. Điều kỳ lạ là càng đi nhiều nơi, tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc tôi lại càng thêm khao khát được hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam. Dịch chuyển cũng giúp tôi gặp rất nhiều bạn mới, trở lên vui vẻ và suy nghĩ tích cực hơn. Lúc nào cũng hihi haha được, thích được gặp những người hào sảng, ít khi suy nghĩ tiêu cực, nhìn mọi thứ đa chiều và thật chậm, không phán xét quá sớm, ít chấp nhặt hơn. Đi làm tôi trưởng thành hơn về lối suy nghĩ nhưng vẫn giữ được nét trẻ con trong bản chất. Càng đi tôi càng muốn được đi xa hơn, ra ngoài thế giới để có thể thấy được thế giới muôn màu hơn".
Ảnh: NVCC
Tác giả: Nguyên Chi
Nguồn tin: ngoisao.net