Cuộc sống

Cô gái trẻ lặng người trước phong bì ngàn đô trong cuốn sách cũ

Chị Thắm phát hiện trong hòm sách cũ mình mới thu mua có chiếc phong bì, bên trong đựng một ngàn USD và một bức thư.

Có thâm niên 17 năm làm nghề buôn ve chai, đồng nát, bà Đặng Thị Ngọc Tâm (48 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết: “Chúng tôi làm nghề này vất vả nhưng được cái tiền tươi, thóc thật. Sáng đi lượm lặt, tối đem bán là chúng tôi có tiền”.

Bà Tâm kể, 17 năm trước, chồng bà bỏ đi theo tiếng gọi tình yêu mới, mang theo toàn bộ số tiền tích góp của hai vợ chồng.

Cuộc sống túng quẫn, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, một thân một mình nuôi 3 đứa con ăn học nên bà đành gửi con cho mẹ, lên Hà Nội làm thuê.

Thời gian đầu bà Tâm đi phụ rửa bát, nhặt rau cho các quán nhậu nhưng lương thấp, không đủ sinh sống. Bà đánh liều sắm cái nón, cái cân và đôi quang gánh, rong ruổi đi thu mua đồng nát.

Bà Đặng Thị Ngọc Tâm (48 tuổi, quê Hưng Yên) làm nghề buôn đồng nát đã được 17 năm. Ảnh: Nhật Linh

Thu nhập dù chưa cao nhưng giúp bà thuê được căn phòng trọ ẩm thấp, che mưa che nắng ở bãi sông Hồng và tằn tiện nuôi con.

“Ngoài giấy vụn, sách báo cũ, chai lọ nhựa, tôi mua cả đồ điện cũ hỏng, sắt phế liệu… Ngày đi thu mua, tối tôi tranh thủ đi bới rác kiếm thêm. Ngày đó đi bộ mỏi nhừ chân, vai đeo đôi quang gánh, cả ngày mua được đầy 2 sọt giấy, may mắn bán được vài chục nghìn. Bây giờ nâng cấp lên được xe đạp, tôi đi lại đỡ vất vả hơn…”, bà Tâm nói tiếp.

Theo bà Tâm, những thứ như cửa sắt hỏng, đồ điện, ti vi cũ, quạt hỏng... bán khá được giá vì chỉ cần mang về đánh sạch, cạo gỉ là có thể lãi được gấp 3 lần. Quạt hỏng mua 20 nghìn, bà mang về tự tay sửa chữa, tra dầu, đánh sạch, bán cho sinh viên với giá 100 nghìn.

Tivi đời cũ, nếu nhà nào dùng chưa hỏng nhưng mang bán, bà mua chỉ vài chục nghìn, mang về dùng dầu đánh bóng, bán lại cho công nhân với giá 150 - 200 nghìn. Giấy vụn giá rất rẻ, vài chục cân mới được trăm nghìn và không phải lúc nào bà cũng thu mua được số lượng giấy lớn như vậy.

Bà Tâm chia sẻ, nghề buôn đồng nát của bà tưởng đơn thuần nhưng cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy hiểm.

Vẫn theo lời bà Tâm, trong quá trình đi thu mua gom đồ phế liệu, nhặt rác ngoài đường, bà vô tình nhặt được cả bọc rác chứa đầy rác thải y tế như dây truyền, bơm kim tiêm. Do bất cẩn khi mở ra kiểm tra, bà bị kim tiêm đâm vào tay.

Bà Tâm chia sẻ, nghề buôn đồng nát của bà tưởng đơn thuần nhưng cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy hiểm. Ảnh: Nhật Linh

Lần đầu bà khá sợ hãi, đi xét nghiệm máu nhưng sau nhiều lần gặp tai nạn tương tự, bà chẳng còn bận tâm xem mình có bị lây bệnh truyền nhiễm gì không. “Tôi thấy mình vẫn khỏe, không ốm đau gì nên đành kệ.

Lần khác, thu mua được mấy hàng rào sắt, bà mang về cạo gỉ. Chẳng may bất cẩn, bà bị hàng rào đâm vào tay tứa máu. “Lúc đó đang mùa đông, trời rét căm căm, vết thương sâu quá, máu nhỏ thành giọt. Tôi vội lấy rượu đổ vào sát trùng rồi nhờ xe ôm chở qua bệnh viện khâu. Về nhà không giữ vết thương sạch sẽ được vì còn lao động nên vết thương nhiễm trùng, hoại tử, tôi phải cưa 1 ngón tay”, nói đến đây, bà Tâm bất chợt nhìn xuống ngón tay bị cụt của mình.

Người phụ nữ buôn đồng nát cho biết thêm, người làm nghề này còn bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng do tiếp xúc với môi trường độc hại, hít phải đồ phế liệu hôi thối... “Đồ đồng nát là nơi chứa các mầm bệnh lớn. Có ngày tôi mang đồ về, để quanh nhà, mùi bốc lên nồng nặc, ruồi muỗi bay khắp nhà”, bà Tâm nói.

Bên cạnh đó, những người làm nghề đồng nát, mót rác đêm như bà còn là “con mồi” cho đối tượng trấn lột, xin tiền.

Bà kể: “Cách đây 1 tháng, sau một ngày đi làm ế ẩm, không mua được nhiều, tôi quanh quẩn ra khu chợ xem có đống rác nào người ta vứt đi, hi vọng kiếm thêm chút chai lọ nhựa hoặc thùng bìa các-tông đem bán. Bất ngờ một nam thanh niên đi đến chặn xe tôi.

Anh ta giơ chiếc kim tiêm dính máu ra dọa, bắt tôi đưa ví cho anh ta. Nếu không đưa sẽ đâm kim tiêm mà anh ta nói rằng dính máu dính HIV đó vào người. Lúc đó, trong ví tôi còn gần 2 triệu, định bụng Tết mua ít quà cho các cháu, đành để hắn lấy hết. Bình thường đi làm, gặp phải kim tiêm đâm vào tay tôi không lo lắng nhưng khi đó, thấy khuôn mặt hắn hung hãn, tay cầm kim tiêm nên tôi sợ lắm”, bà Tâm rùng mình nhớ lại.

Nghề này thu nhập thấp, nguy hiểm thường xuyên rình rập do môi trường độc hại nhưng bà Tâm chẳng biết làm gì hơn. Ở tuổi trung niên, sức khỏe ngày một yếu nhưng bà vẫn bám trụ ở Hà Nội mưu sinh.

Chị Trần Thị Thắm (SN1990, quê Thanh Hóa, chưa lập gia đình) cho biết, mình mới ra Hà Nội xin đi lao động nhưng khó khăn. Chị gặp và quen bà Tâm, hai cô cháu trở nên thân thiết, trọ cùng nhau, san sẻ tiền nhà. Bà Tâm hướng dẫn chị đi buôn đồng nát với mình.

Chị Trần Thị Thắm (SN1990, quê Thanh Hóa) từng mua được hòm sách cũ bên trong có chứa 1 nghìn USD. Ảnh: Nhật Linh

Ấn tượng khiến chị ám ảnh đến bây giờ là lần mua được hòm sách cũ của bà cụ 80 tuổi ở khu tập thể trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội).

Chồng bà cụ mới mất tháng 9/2016, hai vợ chồng cụ có một cậu con trai. Cậu ta mải mê chơi bời, theo bạn bè đàn đúm và nghiện hút. Nhà không còn gì quý giá ngoài hòm sách cũ của bố để lại, cậu ta mang bán cho chị Thắm với giá 60 nghìn đồng.

Chị Thắm mang về soạn đồ đi bán, phát hiện một phong bì thư nhỏ rơi ra từ quyển sách. Chị mở ra xem thì bên trong có 1 nghìn USD và lá thư ông cụ viết cho vợ mình. Trong thư ông cụ dặn dò vợ đừng đau buồn vì con trai, nếu ông mất trước, bà có ốm đau thì nhờ đoàn thể giúp đỡ. Số tiền 1 nghìn USD là ông tích góp được, để lại cho bà lo lắng về sau, vì con trai nghiện ngập, chẳng trông mong được gì.

Đọc lá thư của ông cụ, chị Thắm lặng người, mắt đỏ hoe, trong lòng thấy xót xa cho cụ bà. Hôm sau chị tìm đến đưa lá thư và số tiền đó cho cụ.

"Lúc tôi gửi lại thư và số tiền, bà cụ cảm động lắm, bà cứ nắm tay tôi nói lời cảm ơn mãi. Nhưng cách đây 1 tuần tôi ghé thăm thì được biết bà mới mất ít ngày. Dù không phải người thân ruột thịt với tôi, lòng tôi cũng không khỏi trĩu nặng", chị Thắm nói.

Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok