Giáo dục

Cô gái trẻ được cả xã xem như ân nhân

4 năm qua, cô gái trẻ Trần Thị Kim Thoa (SN 1991, ngụ tại thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) không chỉ được biết đến với vai trò của người bám bản gieo chữ cho trẻ em Trà Leng mà còn được bà con dân tộc thiểu số nơi đây xem như ân nhân.


h1 ds AOXM jpg ashx
Cô giáo Thoa cùng trẻ ở Trà Leng


Vốn cũng sinh ra ở miền núi, hiểu và đồng cảm với những khó khăn của người dân, Thoa lên mạng xã hội kêu gọi, vận động các tổ chức từ thiện chung tay giúp đỡ. Từ đó, bốn ngôi trường khang trang ra đời, thay thế những lều tranh tre, nứa lá sập sệ ở Trà Leng.

Gian nan như cô giáo cắm bản nghèo

Địa hình huyện Nam Trà My đã hiểm trở, nhưng Trà Leng còn nhận thêm về mình những khó khăn do xa xôi, cách biệt. Nhiều năm qua, đời sống văn minh gõ cửa khắp huyện, nhưng riêng Trà Leng vẫn chưa có cách tiếp cận.

Theo ông Lê Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, từ trung tâm huyện vào đến xã mất hơn nửa ngày và chỉ độc lội bộ vì phải băng rừng vượt suối. Toàn xã có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.800 nhân khẩu, phân bố ở 11 bản làng cheo leo vách núi, bên bờ suối sâu. Đời sống của bà con Cơ Tu, M’Nông ở Trà Leng chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, săn bắt nên hầu hết đều nghèo.

Về mảng giáo dục, thời gian qua, tấm lòng của những thầy cô giáo cắm bản cũng đã mang ánh sáng con chữ đến với con em ở đây. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất quá thiếu thốn, ít ai trụ nổi. Phần khác, bọn trẻ còn dành thời gian lo cái ăn, đành rời lớp, thất học cứ thế đeo bám. Mãi đến năm 2012, cô giáo trẻ Trần Thị Kim Thoa mới về cắm bản, từ đó mới dần thay đổi nhận thức của người dân đối với sự học.

Già làng Đinh Nhày (SN 1938, xã Tà Leng) nhớ lại: “Thấy cô Thoa, già mừng lắm, như thể đã quá khát trường, đói chữ. Nhưng ngày cô Thoa bắt tay làm việc, già chưa kịp vui, ánh mắt đã chùng xuống lo lắng. Cả xã có 3 ngôi trường. Mỗi nơi như vậy cũng chỉ duy nhất 1 lớp cho cả cấp học mầm non và tiểu học.

Trường được dựng lên từ cây rừng, vây quanh bằng tre nứa, mái lợp mấy tấm tôn cũ nát. Gió lùa, hắt nắng rát mặt, còn mưa thì ướt sũng cả cô lẫn trò”. Nhìn Thoa, già Nhày nói như mếu: “Cuộc sống bà con khó khăn lắm, nhiều cô giáo lên dạy rồi bỏ về hết. Giờ cô Thoa về nữa, chắc các em thất học mất”.

h2 ds gujx jpg ashx
Bữa cơm có thịt của trẻ Trà Leng do một tổ chức từ thiện tài trợ.

Nhắc lại chuyện những ngày đầu cắm bản, Thoa kể: “lúc đó, Thoa cũng định bỏ điểm dạy để về thật. Nhưng nghe lời già Nhày, đành nghẹn lòng thôi thì nấn ná vài ngày, nếu không chấp nhận được, về vẫn chưa muộn”.

Không ngờ, cái tặc lưỡi suy nghĩ lại đã giữ Thoa đến nay đã 4 năm. Thoa tâm sự, từ ngày bé đã thích trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thoa chọn ngành sư phạm. Năm 2012, Thoa lên Trà Leng dạy hợp đồng tại điểm trường thôn 4 Ông Dũng.

Lần đầu tiên cuốc bộ theo chân người dẫn đường, nước mắt Thoa đã lăn dài vì đôi chân phồng rộp, rướm máu. Nhìn quanh, cả nóc có một vài mái nhà mốc meo, buồn bã. Thoa lấy điện thoại định than thở với người thân, song lại không có mạng.

Qua vài ngày lưu ở, tim Thoa như thắt lại khi lần lượt chứng kiến những đứa trẻ học trò lớn lên trong nghèo khó. Tới lớp, đứa chân trần, đứa áo quần rách nát, thậm chí cởi truồng. Thức ăn trong ngày chỉ toàn rau củ nguội lạnh gói theo. Cảnh sống này cứ lẩn khuất trong tâm trí, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của cô giáo trẻ.

Rồi Thoa tự hứa: “Nhất định phải ở lại và mang lại điều gì đó tốt đẹp cho đám học trò. Nếu ai cũng chọn nơi thuận lợi cho mình, vậy lấy người nào đến vùng khó khăn?”

Dò sóng lên mạng kêu gọi xây trường

Với suy nghĩ đó, 4 năm qua bước chân của cô giáo Thoa đã in dấu trên khắp các con đường thôn bản để vận động trẻ tới trường. Thoa còn tự mình phát quang lối đi giúp học trò đến lớp an toàn. Mỗi lần về thị trấn Trà My, ngoài mua sắm lương thực cho bản thân, Thoa luôn tranh thủ vận động thêm người dân, khi bao muối, lúc ít cân gạo, dầu ăn… rồi mang lên tặng lại cho các hộ nghèo, hộ neo đơn nơi mình công tác.

Đêm Tà Leng. Gió từ đỉnh núi đổ xuống lạnh buốt. Trong căn phòng trống, Thoa mò mẫm cắt xếp các dụng cụ đồ chơi cho trẻ bên ánh đèn dầu lờ mờ. Thương lũ trẻ, Thoa lần tay bấm chiếc điện thoại xem lại những bức ảnh đã chụp về lớp học, đời sống sinh hoạt mỗi ngày của chúng… rồi bật ra ý nghĩ, hay mình lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ?. Nhưng chưa kịp thử, thực tế đập ngay vào mắt, không có sóng điện thoại.

Qua hôm sau, tranh thủ thời gian ngoài giờ dạy, Thoa cầm máy chạy đi khắp thôn, dò nơi nào sóng mạnh để đăng hình ảnh lớp học cùng lời kêu gọi hỗ trợ trên trạng facebook cá nhân.

Thoa cho biết, vì mạng yếu, có tấm hình Thoa ngồi đợi gần nửa tiếng mới tải lên được. Về sau, Thoa còn chia sẻ tin tức vào trang mạng của các hội từ thiện. Cuối tháng 9/2014, Thoa nhận được điện thoại của hội từ thiện Ong Vàng. Sóng yếu, mặc cơn mưa lớn, Thoa nhanh chân lao đến vị trí có mạng điện thoại để trò chuyện.

Tổ chức này cho biết, họ không thể tin hình ảnh Thoa đăng lại là một ngôi trường nên hứa xác minh, nếu thật sẽ hỗ trợ kinh phí xây trường. “Hôm ấy, nước mưa hòa lẫn nước mắt. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ, những hình ảnh chia sẻ trên trang cá nhân của mình có sự lan tỏa mạnh đến vậy”, Thoa nói.

Ngôi trường khang trang đầu tiên tại thôn 4 Ông Dũng rộng 30m2 được xây dựng. Trong niềm hân hoan, Thoa nói, cô không muốn “ngủ yên trên chiến thắng” vì biết ở Trà Leng vẫn tồn tại lớp học tương tự.

h3 ds mrwh jpg ashx
Thoa bên học trò

Do đó, Thoa mong muốn cộng đồng cần biết và giúp đỡ thêm. Một lần nữa, may mắn chạm ngõ, hội từ thiện Vô Ưu đồng ý xây dựng ngôi trường 35m2 tại thôn 4 Ông Lò. Hai tháng sau, hội từ thiện Tiếp sức những ước mơ, gật đầu xây dựng ngôi trường 40m2 tại thôn 2 Tak Lẻ. Gần đây nhất, hội từ thiện Hương Từ Tâm xây dựng căn nhà gỗ 40m2 tại thôn 3 Đèn Pin.

Thoa cho biết, đi xin trường đã khó, việc biến chúng thành hiện thực càng khó hơn gấp bội. Do đường sá xa xôi hiểm trở, mỗi khi có đoàn lên khảo sát, Thoa thành người tiền trạm. Thoa hẹn đoàn ở nhà cha mẹ ruột tại Trà My, sau đó mới lên kế hoạch dẫn vào Trà Leng.

Lúc duyệt xây trường, vật liệu xây dựng vận chuyển lên cũng rất khó. Có tuần, Thoa phải lội rừng bốn đến năm chuyến, cùng các tình nguyện viên vác vật liệu xây dựng vào. Có lần, đang đi giữa rừng gặp trời mưa, có người trong đoàn từ thiện ái ngại, đặc biệt họ sợ thấy những con vắt rừng nhảy nhót.

Dù rất mệt, người ướt sũng nước mưa nhưng Thoa vẫn kiên trì động viên mọi người theo chân mình. Không chỉ vậy, để giảm chi phí, Thoa con ra sức vận động người dân cùng thực hiện góp gỗ, góp công, xuống suối đãi cát sạn...

Không ngừng nghỉ, Thoa tiếp tục làm nhịp cầu cho các mạnh thường quân trao những tấm áo ấm, đôi dép đến con em đồng bào, giúp chống chọi với giá rét vùng cao. Đặc biệt, qua kêu gọi của Thoa, vào đầu tháng 10/2015, chương trình bữa ăn có thịt cá tại Trà Leng chính thức được hoạt động. Rời Trà Leng khi lớp học khang trang đón đủ lũ trẻ kéo tới, tiếng cô giáo Thoa bắt đầu dẫn nhịp học trò cất cao bài đọc.

Già Đinh Nhày hóng tai theo tiếng trẻ, cười thật tươi: “Cô giáo Thoa có cái bụng tốt lắm. Cô thương các cháu học trò của bà con dân bản như con đẻ của mình. Đáp lại nhiệt huyết của cô, bà con ai cũng tự giác đưa trẻ tới trường, không còn cho chúng bỏ học giữa chừng như trước nữa”.

Tác giả bài viết: Hoàng Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok