Giấc mơ học hành dang dở
Trần Thị Kim Ngân (sinh năm 1994 tại Bạc Liêu) là hung thủ đâm chết anh Lân tại đoạn đường vắng sau chùa Huệ Nghiêm (quận 2) khi bị anh này dùng vũ lực khống chế, sàm sỡ.
Ngân bị kháng nghị thay đổi tội danh với khung hình phạt lên tới 15 năm tù. |
Ngân là con một, từng là học sinh chuyên văn, từng mong ước được học báo chí hoặc du lịch. Đến năm lớp 12, áp lực bài vở cho các kỳ thi khiến những cơn đau đầu liên tục ập đến nên việc học hành đối với cô rất nặng nề.
Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, gia đình để Ngân nghỉ ngơi một năm. Ngân lên TPHCM phụ bán cửa hàng. Công việc cuốn Ngân đi, không còn thời gian cho việc ôn thi đại học.
"Nếu như ngày đó biết dừng việc đi làm để học thêm cái gì đó, chắc giờ không rơi vào tình cảnh này" - giọng Ngân đượm buồn.
Một ngày cuối tháng 11 năm ngoái, anh Lân - bạn quen Ngân qua Zalo - nhắn tin, rủ đi chơi. Ngân "đồng ý gặp cho biết mặt". Ngân đâu biết cái lần đầu tiên Ngân đi chơi với người bạn mới là mở đầu cho những sóng gió ào ào ập đến.
Tối 30/11/2016, Lân chở Ngân đến bãi đất trống ở quận 2 (TPHCM) nói chuyện. Do Ngân không đồng ý cho Lân quan hệ tình dục nên bị Lân dùng dao khống chế. Trong lúc giằng co, lưỡi dao đã đâm trúng bụng Lân.
Lợi dụng Lân bị thương, Ngân cắn vào tay của Lân và giật lấy con dao rồi quay người bỏ chạy được vài bước thì bị Lân kéo lại. Ngân quay lại đâm tiếp đã khiến anh này tử vong.
"Lúc đó tôi rất sốc, thấy mình trống rỗng không biết chuyện gì đang xảy ra. Cảm giác vừa sợ hãi vì đối diện với vòng lao lý, vừa sợ cha mẹ biết chuyện sẽ không chịu đựng được. Có lẽ họ chẳng thể tin được con gái đã gây nên chuyện như vậy", Ngân nghẹn giọng.
Vẫn còn một phiên tòa phía trước
Theo lời Ngân, những ngày đó cha mẹ Ngân gần như gục ngã. Họ làm sao tin đứa con gái duy nhất bị bắt về tội giết người. Một cú sốc quá lớn! Hết mẹ đổ bệnh đến cha, cả hai thay phiên nhau nhập viện.
Những ngày sau đó trong phòng giam Ngân chỉ thu mình và khóc, không ý thức hay cảm giác về mọi chuyện xung quanh. Đến khi nhận được đồ ăn cha mẹ gửi vào cô mới nhận thức mình đã làm gì và đang ở đâu.
"Nỗi đau đớn và cảm giác tội lỗi lúc đó mới thực sự xâm chiếm. Phải chi tôi nghe lời cha mẹ dặn, không đi chơi với người lạ thì đã không có chuyện gì xảy ra", Ngân bật khóc nức nở.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Ngân 9 tháng 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Ngân được thả tự do tại tòa.
Tưởng mọi thứ sẽ bình yên, nào ngờ Ngân lại được nhận thông báo Viện KSND TPHCM kháng nghị bản án sơ thẩm. Cơ quan này đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng tội danh "giết người" với mức hình phạt 7-15 năm tù. Cả nhà lại xôn xao lo lắng, Ngân lại khăn gói lên TP để tiện đến tòa làm việc khi cần.
Những ngày này, đêm nào Ngân cũng trằn trọc, lo sợ bị tăng hình phạt, sợ phải trải qua những ngày tối tăm nơi trại giam.
Kháng nghị chưa phù hợp với hành vi phạm tội
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: Viện KSND TPHCM kháng nghị cấp phúc thẩm thay đổi sang tội danh giết người là chưa phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo Ngân.
Bởi theo luật sư Công, anh Lân và bị cáo mới quen nhau trong thời gian ngắn, hẹn nhau đi chơi nhưng bị hại Lân lại có hành vi dùng dao khống chế để đòi quan hệ tình dục trái ý muốn của bị cáo Ngân. Một cô gái trẻ, trong hoàn cảnh như vậy thì sự phản kháng là cần thiết và pháp luật vẫn cho bị cáo được quyền phản kháng trong phạm vi cho phép.
Khi Ngân đã giật được dao và bỏ chạy nhưng lại bị kéo lại, tức bị cáo đang đứng trước lựa chọn phải có hành động để giải thoát cho mình. Chính lúc này tinh thần Ngân đang bị kích động mạnh nên mới quay ra đâm nạn nhân để bỏ chạy.
Theo luật sư, hành vi đâm nạn nhân dẫn đến tử vong thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo Ngân là thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận của dư luận cũng như đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), HĐXX đã rất độc lập, khách quan để quyết định tuyên án đúng bản chất vụ án, áp dụng đúng pháp luật và đặc biệt rất nhân văn cho dù Viện KSND đề nghị tuyên phạt 7-8 năm tù.
"Tôi cho rằng thẩm phán chủ tọa đã thể hiện được bản lĩnh trong độc lập xét xử bằng quyết định phóng thích cho nữ bị cáo tại phiên tòa. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Việc tòa sơ thẩm chuyển sang tội nhẹ hơn so với tội giết người là phù hợp với thực tiễn và hướng dẫn của TAND tối cao" - luật sư Quynh nói.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí