Trong nước

Cô dâu chú rể bị giam lỏng: Có dấu hiệu giữ người trái luật

“Nhà hàng không có giam, chỉ muốn khách ở lại để giải quyết cho xong vấn đề. Khách hàng chưa trả tiền mà đòi về thì số tiền còn lại giải quyết như thế nào?”, đại diện nhà hàng nói.

Cô dâu chú rể bị nhà hàng giam lỏng cả đêm sau tiệc cưới

Sáng 9/1, anh Nguyễn Thành Tín cùng chị Nguyễn Thị Thu Hà tỏ ra mệt mỏi sau một đêm bị giam lỏng tại nhà hàng Melisa trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vì không đồng ý thanh toán nốt hợp đồng đãi tiệc cưới.

Đêm tân hôn nhớ đời

Anh Tín cho biết bản thân cảm thấy buồn về cách ứng xử của nhà hàng đối với khách hàng của mình.

“Chúng tôi mệt mỏi, ngồi lăn lóc trong khuôn viên nhà hàng. Đêm tân hôn tưởng chừng hạnh phúc bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh khiến tôi và vợ không bao giờ quên được”, anh Tín chia sẻ.

Theo anh Tín, trước khi chọn nhà hàng này để tổ chức tiệc cưới, anh cùng nhiều người đã tới thử món ăn cách đây 3 tuần. Do món ăn ngon, hợp khẩu vị, đôi vợ chồng trẻ không ngần ngại chọn nơi đây làm nơi tổ chức buổi tiệc trọng đại cả đời.


Anh Tín cùng vợ đã có một đêm tân hôn không thể nào quên. Ảnh: Lê Trai

Tuy nhiên, khi các món ăn dọn lên, cô dâu chú rể cùng những người đã từng thử món ăn trước đó đều cảm thấy thất vọng khi không còn ngon như lúc ban đầu. Cách phục vụ của nhân viên nhà hàng cũng khiến họ cảm thấy không thích khi liên tục hối khách ăn.

“Nhà hàng rất đẹp, sang trọng. Chúng tôi chỉ không hài lòng về thức ăn, cách phục vụ, ứng xử của họ. Nó không tương xứng với đẳng cấp của nhà hàng lớn như thế này”, anh Tín nói.

Nhà hàng phủ nhận giam lỏng người

Sáng 9/1, lãnh đạo nhà hàng Melisa cho biết đến khoảng 4h30, cô dâu chú rể đã chấp nhận thanh toán số tiền trong hợp đồng và ra về.

Theo lãnh đạo nhà hàng, khách hàng không chịu thanh toán hợp đồng vì cho rằng đồ ăn đãi tiệc không ngon như ăn thử và phục vụ hối khách ăn nhanh. Về đồ ăn không ngon, nhà hàng cho rằng có thể do tâm lý lo toan tiệc tùng nên cô dâu chú rể thưởng thức món ăn không hợp khẩu vị.

“Không có tình trạng hối khách ăn, ai mà đi hối khách như thế. Quy trình nhà hàng là khi tổng số bàn ăn khoảng 45-50%, món ăn sẽ dọn và đưa món mới, có bàn ăn nhanh có bàn ăn chậm, phục vụ sẽ hỏi để có thể dọn món mới lên hay không. Tôi chỉ nghe cô dâu chú rể thuật lại chứ trong lúc nhân viên phục vụ thì không nghe phản hồi nào”, lãnh đạo nhà hàng phủ nhận.


Công an phường Hòa Thạnh đến rồi về và cho rằng đây là hợp đồng dân sự giữa 2 bên. Ảnh: Lê Trai.

Người này nói thêm dựa theo hợp đồng, phía nhà hàng đã cung cấp hết các dịch vụ, khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Nhà hàng luôn muốn dĩ hòa vi quý đối với khách hàng, luôn tiếp nhận những ý kiến nhưng nhiều khi khách hàng cũng cảm tính. Vấn đề chỉ là khẩu vị của từng khách.

“Ở đây không có giam, ở đây có công an nữa sao mà giam. Trong khi mình chưa thống nhất được giải pháp thì ở lại để giải quyết cho xong. Khách hàng chưa trả tiền nếu đi về thì số tiền còn lại 67 triệu đồng đó sẽ như thế nào?”, lãnh đạo nhà hàng đặt câu hỏi.

Có dấu hiệu giữ người trái pháp luật

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết mâu thuẫn giữa cô dâu chú rể với nhà hàng thuần tuý là tranh chấp dân sự, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ ăn uống. Chính vì thế việc "giam lỏng" của nhà hàng là không được phép, đã vi phạm vào Điều 123 Luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009.

Trong trường hợp nếu bên sử dụng dịch vụ không thanh toán tiền thì nhà hàng có thể yêu cầu họ thanh toán hoặc có thể khởi kiện ra toà án. Hành vi "giam lỏng" này có dấu hiệu của việc giữ người trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại của người khác.

Đồng quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khi xác định rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, hoặc đối với nhiều người thì mức phạt tù từ một năm đến 5 năm.

Trong khi đó, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ trên thực tế đã có nhiều vụ án tương tự như bắt giữ con nợ, yêu cầu buộc trả nợ mới thả cho về, tất cả đều là hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm hành vi như thế vì quan hệ vay mượn nợ, thanh toán tiền tiệc cưới là quan hệ dân sự.

Mặc dù không gây thương tích nhưng mọi công dân đều có quyền tự do thân thể, tự do đi lại, nếu có tranh chấp và không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp này, nhà hàng phải trình báo công an địa phương để có sự can thiệp giải quyết kịp thời, bắt giữ người lại để lấy lý do buộc trả tiền là sai trái.

“Khi xảy ra các trường hợp tương tự, các chủ cửa hàng và các quan hệ dân sự cần phải rút kinh nghiệm khi tranh chấp nợ cần báo cho công an địa phương, tòa án giải quyết để tránh ảnh hưởng cho bản thân cũng như vi phạm pháp luật” luật sự Nam khuyến cáo.

Tác giả bài viết: Lê Trai - Thanh Tùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok