Kinh tế

Có “đại gia” ứng cứu, dự án hơn 7.000 tỷ đồng PVTex vẫn khó “sống sót”?

Mặc dù đã “bắt tay” với An Phát Holdings để vực dậy Xơ sợi Đình Vũ tuy nhiên, PVTex vẫn bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động do khoản lỗ luỹ kế đã tăng lên con số 4.749 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu, nợ phải trả 7.727 tỷ đồng.

Nợ vay “khủng” không ngừng gia tăng mạnh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán bởi Deloitte, trong đó hé lộ nhiều thông tin quan trọng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của PVN cho hay, tại ngày 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex - công ty con của PVN) nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn khoảng 2.616 tỷ đồng (con số này vào cuối năm 2017 là 2.092 tỷ đồng).

Trong khi đó, lỗ luỹ kế của PVTex tại thời điểm 31/12/2018 lên tới 4.749 tỷ đồng, lỗ luỹ kế của PVTex đã vượt quá vốn góp của chủ sở hữu. Con số lỗ luỹ kế vào cuối năm 2017 là 4.039 tỷ đồng (nói cách khác, trong năm 2018, PVTex lỗ ròng thêm 410 tỷ đồng).

Cũng tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của PVTex là khoảng 5.237 tỷ đồng (giảm đáng kể so với tổng tài sản một năm trước đó là 5.604 tỷ đồng). Tuy nhiên, nợ phải trả đã lên tới 7.727 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số 7.384 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017), trong đó, số dư khoản vay dài hạn của PVTex tại BIDV được PVN bảo lãnh với số dư gốc vay khoảng 5.125 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2018 của PVTex khoảng trên 1.399 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2017 là 1.268 tỷ đồng).

Có “đại gia” ứng cứu, dự án hơn 7.000 tỷ đồng PVTex vẫn khó “sống sót”? - 1

Đơn vị kiểm toán thừa nhận không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới kể từ ngày kiểm toán.

PVTex đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị quyết toán công trình Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ.

“Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex” - kiểm toán viên của Deloitte nêu ý kiến. Đơn vị kiểm toán thừa nhận không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới.

Do đó, Deloitte cho hay, không thể xác định được liệu báo cáo tài chính hợp nhất của PVN được lập với giả định PVTex sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không và có cần thiết phải điều chỉnh số liệu liên quan đến PVTex hay không.

Đại gia An Phát ra tay “vực dậy” PVTex

Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ là một trong 12 dự án yếu kém được Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ. Dự án này ban đầu có tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương khoảng 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời, sau đó điều chỉnh lên thành hơn 359 triệu USD, tương đương khoảng 7.200 tỷ đồng.

Còn nhớ, vào hồi tháng 5/2018, PVTex ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với liên danh Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán AAA) và các đối tác nước ngoài, vận hành thương mại phân xưởng sản xuất sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Đến ngày 24/7/2018, PVTex và Công ty cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn - đơn vị được ủy quyền bởi CTCP An Phát Holdings ký kết “Hợp đồng gia công sợi DTY”, bước khởi đầu cho hợp tác kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Theo bản thỏa thuận này, các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất 3 dây chuyền DTY đang vận hành hiện tại lên toàn bộ 25 dây chuyền DTY với công suất lên đến hơn 60 tấn sợi/ngày (tương đương khoảng 1.800 tấn/tháng).

Theo hợp đồng ký kết, An Sơn (An Phát Holdings) sẽ đầu tư nguồn vốn, công nghệ, chuyên gia và định hướng kinh doanh để có thể đưa nhà máy hoạt động ổn định. Đổi lại An Phát được quyền bao tiêu 35% sản phẩm hạt nhựa PP của dự án nhà máy Lọc dầu Bình Sơn.

Tháng 11/2018, sản phẩm sợi đầu tiên của nhà máy mang tên Anpoly đã ra mắt, đánh dấu sự hồi sinh của dự án Đình Vũ. Hiện nhà máy có công suất ổn định 1.800 tấn sợi/tháng và được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Thái Lan…

Phát biểu tại phiên họp đại hội đồng cổ đông An Phát hồi tháng 4/2019, Chủ tịch An Phát là ông Phạm Ánh Dương cho biết, nguyên nhân PVTex không hiệu quả là do nguồn vốn không đủ; nhân lực không đủ, không nắm được công nghệ và thay đổi liên tục; tại thời điểm dự án chạy thị trường xơ sợi đi xuống, giá bán thấp và một số nguyên nhân khác...

Đến khi An Phát tiếp quản dự án, công ty đánh giá công nghệ của nhà máy tốt, máy móc tốt, các nguyên nhân nói trên có thể khắc phục được ngoài ra không còn vướng mắc nào khác.

Lãnh đạo An Phát nói, nhiều người thấy sợ khi nhìn vào PVTex là do họ không thấy được vấn đề, đội ngũ An Phát thì lại nhìn vào khía cạnh khác. Theo đó, máy móc của nhà máy Đình Vũ là máy của Đức, có thể hoạt động tốt khi đưa vào vận hành.

Dù vậy, với những ý kiến mà đơn vị kiểm toán Deloitte nêu tại báo cáo tài chính PVN, có thể thấy, sau khi An Phát tiếp quản, khó khăn ở PVTex vẫn chồng chất khó khăn và “cửa thoát hiểm” vẫn hẹp.

Cuối tháng 8/2018, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại PVTex. Theo đó, nguyên Chủ tịch PVTex là bị cáo Trần Trung Chí Hiếu bị tuyên phạt 15 năm tù về “nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “cố ý làm trái…”, tổng hợp hình phạt là 28 năm tù.

Tiếp đến, bị cáo Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc chịu phạt 13 năm tù; bị cáo Đào Ngọ Hoàng -nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex nhận 9 năm tù; Vũ Phương Nam - nguyên Kế toán trưởng PVTex nhận 8 năm tù cùng về tội “cố ý làm trái…”.

Về dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Đỗ Văn Hồng phải trả PVTẽ hơn 19 tỷ đồng đã nhận tạm ứng sai quy định và sử dụng trái mục đích. Ngoài ra, bị cáo Hồng đã vì động cơ vụ lợi để hối lộ 6 tỷ đồng cho bị cáo Hiếu và Vũ Đình Duy nên tòa buộc bị cáo Hiếu phải nộp lại 3 tỷ đồng xung công quỹ, ghi nhận vợ bị cáo đã nộp.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok