Nông dân Nguyễn Trần Lĩnh, ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) với cánh tay nắm đuôi lú kéo lên cùng nụ cười khoái chí bên cạnh đó là hàng trăm đôi mắt nhìn thán phục khi gần 4 kg tôm sú loại 30 con búng tung toé trên mặt nước.
Ông Nguyễn Trần Lĩnh phấn khởi bên cánh đồng lớn nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước cho năng suất trên 300kg/ha/vụ. |
Đó là thành quả của sự chuyển giao kỹ thuật từ mô hình cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước mà Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh lần đầu tiên triển khai trên vùng đất này. Cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước mang lại thu nhập trên dưới 43 triệu đồng/ha cho nông dân thực hiện mô hình...
Không ham thả dày nữa đâu
Thực hiện chuyển đổi đất sản xuất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm muộn so với các địa phương khác trong tỉnh, nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến chủ yếu nuôi tôm quảng canh với kỹ thuật đậm chất truyền thống, quanh năm, chỉ biết thả tôm giống mỗi tháng và cứ đến con nước mỗi tháng đặt lú, bắt tôm và bán, công việc trên lặp đi, lặp lại theo thời gian.
Hay tin từ cán bộ khuyến ngư cơ sở có mô hình mới về tôm nuôi tại địa phương, ông Nguyễn Trần Lĩnh mừng thầm và tìm đến đăng ký tham gia thực hiện với niềm tin đổi đời từ tôm. Những buổi tập huấn đầu tiên, ông Lĩnh cũng như 44 hộ nông dân khác điều nghiêm túc ghi chép quy trình kỹ thuật, vừa học vừa cải tạo lại ao nuôi, ao dèo tôm. Nhất là khâu phơi đầm, cắt vụ tôm nuôi ông thực hiện rất kỹ và gần như 100% theo sự hướng dẫn của kỹ sư tập huấn. Bởi, mọi người đều mong muốn từ đây mô hình, con tôm sẽ mang lại năng suất hơn, thu nhập cao hơn và giàu có hơn…
Nhờ áp dụng đúng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến, vớt mỗi lú sau một đêm, ông Lĩnh cho thu hoạch từ 4-5kg. |
Cầm sổ ghi chép kỹ thuật trên tay chỉ vào sổ, nông dân Nguyễn Trần Lĩnh nói: “Từ ngày có kỹ sư về nông dân chúng mình thay đổi thật sự rồi đó, nhờ ghi chép sổ tay cùng với kỹ thuật nuôi mà con số sản lượng hay lợi nhuận sau vụ nuôi có thể tính được hết như thế này. Không như trước kia anh em chỉ biết hỏi nhau sáng nay được bao nhiêu ký tôm mà không biết thả tôm đợt này hay vụ nuôi này lãi bao nhiêu”.
Tại buổi hội thảo tổng kết mô hình cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước, khi cán bộ kỹ thuật kết thúc bài báo cáo tổng kết, trong khi người dân trong ấp ai cũng nở nụ cười rạng rỡ khi năng suất tôm nuôi tăng thì ông Nguyễn Văn Dựa lại đăm chiêu tiếc nuối.
Ông Dựa khẽ giọng: “77 tuổi đời nên kinh nghiệm trong nuôi tôm dày dạn hơn nhiều người trong ấp. Nếu tôi không bảo thủ, thì vụ này tôi thu hoạch có lẽ đạt trên 500 kg. Tất cả tôi đều tuân thủ cùng mọi người từ cải tạo, lấy nước, thả 1 loại giống nhưng chỉ 1 cái không cùng là áp dụng đúng kỹ thuật. Tôi thả 27.000 con tôm post thay vì đúng kỹ thuật chỉ 13.000 con nên mới xảy ra bệnh, tôm chết, tiếc thật!”.
Qua ý kiến của ông Dựa, một số nông dân giật mình khi nghĩ lại cách nuôi, cách tính toán thả giống sai kỹ thuật mà hơn 10 năm qua mình thực hiện một cách thiếu kinh nghiệm, khoa học. Trước đây, thả tôm với mật độ dày là cách làm phổ biến của ông Dựa cũng như nhiều nông dân trong ấp bên cạnh việc thả tôm giống trôi nổi, không có nguồn gốc, không kiểm dịch trước khi thả, không phơi đầm, thuốc cá và cải tạo môi trường trước khi thả tôm. Từ đó, tôm thả không đạt đầu con, kinh tế ngày càng suy kiệt.
Đó là câu chuyện gần như rất mới đối với người dân nơi đây, bởi lẽ sự thành công của mô hình tuy cũ đối với nhiều địa phương khác nhưng lại rất mới đối với nông dân tham gia mô hình ấp 11. Giờ người dân nơi đây mới nhận ra yếu tố kỹ thuật cần thiết như thế nào.
Nuôi đúng quy trình sẽ...giàu hết
Không giấu được niềm vui khi đến thời điểm cuối vụ thu về gần 50 triệu đồng, nông dân Biện Văn Tiến tâm tình, số tiền này gia đình ông có được chỉ hơn 3 tháng nuôi bằng nhiều năm cộng lại. “Nông dân mình nuôi theo mô hình, kỹ thuật này sẽ giàu hết, nhiều hộ trúng đậm lắm nhưng họ giấu do sợ ăn trộm nên không dám nói thật chứ cách nuôi này thật sự đã mang đến cho người dân chúng tôi một cơ hội đổi đời và dần dần sẽ giàu có hết nếu thực hiện đúng quy trình này”.
Nhờ kỹ sư chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) ngay tại vuông tôm theo hình thức cầm tay chỉ việc nên đã mang lại 1 vụ tôm bội thu. |
Sau khi được cán bộ kỹ thuật và người dân thực hiện đem ra phân tích, những nhược điểm trong sản xuất như tình trạng nuôi không cắt vụ, thả tôm không có xét nghiệm, không có ao dèo tôm… được nhìn nhận và thay bằng sự tuân thủ kỹ thuật, tính đoàn kết trong bơm tát nước, thả giống, chịu học hỏi, ghi chép nhật ký… để các vụ nuôi sau thành công.
Hôm nay, người dân ấp 11 có cảm giác khoan khoái hơn bên chiếc xuồng quen thuộc chở đầy ắp thùng tôm sú mà hàng chục năm qua chưa một trải nghiệm. Ông Nguyễn Trần Lĩnh đưa tay khép lại cuốn nhật ký, khẽ giọng: “Đã lâu lắm rồi, từ cái thời mới bắt đầu đào mương, bơm nước mặn vào để thả tôm nuôi, người dân Ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh mới chứng kiến cảnh tôm búng tung toé, vui nhộn đến như vậy…”.
Tác giả: Diệu Lữ
Nguồn tin: Báo Cà Mau