Đá tốt ở V.League, cầu thủ sẽ có cơ hội lên tuyển. Tuy nhiên, lịch sử các đội tuyển từng chứng kiến những cầu thủ đá ở giải hạng Nhất, thậm chí hạng Nhì vẫn được triệu tập, thậm chí tỏa sáng tại các giải đấu lớn.
Huy Hùng (giữa) đá chính và ghi bàn trong trận gặp Philippines tại AFF Cup 2014 khi mới 22 tuổi, đang chơi tại hạng Nhất. Ảnh: Minh Chiến.Huy Hùng và Tiến Dũng - 2 phát hiện của HLV Toshiya Miura |
Huy Hùng là minh chứng điển hình nhất cho nhóm cầu thủ đặc biệt này. Ở AFF Cup 2014, Huy Hùng đang chơi cho CLB Hà Nội tại hạng Nhất, chưa được hưởng không khí V.League. Anh mới 22 tuổi, trẻ nhất trong các tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam năm ấy. Ngoài Huy Hùng, đội tuyển năm ấy còn có Ngô Hoàng Thịnh, Vũ Minh Tuấn và đặc biệt là Lê Tấn Tài, người mang băng thủ quân.
Trước giải, ai cũng nghĩ Tấn Tài sẽ đá chính cùng tiền vệ khác, còn Huy Hùng lên đội cho đủ quân số.
Khi vào giải, HLV Miura bất ngờ không trọng dụng Tấn Tài. Cả Huy Hùng và Hoàng Thịnh khi ấy mới 22 tuổi. Điều thú vị là cả hai đều chơi tốt. Huy Hùng đá chính cả 5 trận ở AFF Cup năm đó, Hoàng Thịnh đá ít hơn một trận. Người đầu tiên ghi bàn trước Lào, người thứ hai sút tung lưới Philippines.
Tại AFF Cup năm ấy, cầu thủ đang chơi ở hạng Nhất là Nguyễn Thanh Hiền (Đồng Tháp) cũng được triệu tập và vào sân 3 lần.
Trong giai đoạn sau, HLV Miura tiếp tục triệu tập Bùi Tiến Dũng lên tuyển Việt Nam giữa năm 2015. Khi đó, Tiến Dũng đang chơi ở giải hạng Nhì trong màu áo Viettel và mới có vài trận đá V.League cho HAGL theo hợp đồng mượn từ CLB Viettel.
Trở lại Viettel và chơi thêm 3 năm ở hạng Nhất, Tiến Dũng vẫn luôn có tên trong danh sách tuyển Việt Nam dù HLV là Miura, Nguyễn Hữu Thắng hay Park Hang-seo. Năm 2016, Tiến Dũng có kỳ AFF Cup đầu tiên với HLV Hữu Thắng dù anh thất bại cùng Viettel trong cuộc đua thăng hạng V.League.
Huy Hùng và Tiến Dũng đều thành công trong sự nghiệp sau này. Huy Hùng là trụ cột của CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017, thành viên tuyển Việt Nam đăng quang AFF Cup 2018. Tiến Dũng còn huy hoàng hơn. Anh là một trong những người hùng Thường Châu, trụ cột của thế hệ thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Mãi cuối năm 2018, Bùi Tiến Dũng mới thành công khi đưa Viettel trở lại V.League sau 3 năm đá tại hạng Nhất. Ảnh: Minh Chiến.U23 Việt Nam - cơ hội cho những tài năng tỏa sáng |
Nếu tuyển quốc gia còn trao cơ hội cho những cầu thủ hạng dưới, không ngạc nhiên khi U23 là mảnh đất lành với những tài năng chưa được biết đến nhiều.
Khác với tuyển quốc gia vốn tập hợp tinh hoa của cả nền bóng đá, đội U23 bị hạn chế về độ tuổi. Ở cấp độ này, nhiều cầu thủ trẻ tài năng vẫn chưa được ra sân thường xuyên tại V.League. Các HLV vì thế phải tìm tới giải hạng Nhất, hạng Nhì, để ý tới các giải trẻ như U19, U21 quốc gia để tìm kiếm tài năng. Đó chính là cơ hội cho những cầu thủ hạng dưới.
Đội Olympic Việt Nam ở Asian Games 2014 có tới 4 cầu thủ chơi ở giải hạng Nhất (Bửu Ngọc, Thanh Hiền, Huy Hùng và Huỳnh Văn Thanh của Khánh Hòa) và một người ở hạng Nhì (Nguyễn Hữu Khôi của Nam Định). Đó là chưa kể hàng loạt cái tên còn xa lạ với người hâm mộ thời điểm ấy như Võ Huy Toàn, Hồ Ngọc Thắng.
Phần lớn trong số họ là thành viên của U23 Việt Nam dự SEA Games một năm trước đó dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc. Trong những cái tên thuộc về hạng Nhất mùa 2013, không thể quên bộ đôi Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy - những người thuộc lứa hay nhất lịch sử bóng đá Quảng Ninh, năm ấy vừa thăng hạng V.League.
Ngoài lứa cầu thủ của HLV Hoàng Văn Phúc và Miura, phần lớn phiên bản U23 đều chứng kiến sự xuất hiện của những tài năng hạng dưới. SEA Games 2015, 2017 có Bùi Tiến Dũng, SEA Games 2019 có Lê Ngọc Bảo, giải đấu năm 2011 có Chu Ngọc Anh, Lâm Anh Quang.
Ở buổi bình minh của sự nghiệp, những cầu thủ như Huy Hùng, Minh Tuấn, Tiến Dũng đều cho thấy năng lực. Sự nghiệp dài hơi của họ ở cả hai cấp độ CLB và đội tuyển cũng chứng minh lựa chọn đúng đắn từ những ông thầy.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: zingnews.vn