Giáo dục

Chuyện về gia đình nhiều tiến sỹ nhất Thủ đô

GS Trần Hữu Uyển là một trong những người thầy gạo cội, đáng kính của trường ĐH Xây dựng, và là tác giả của rất nhiều công trình khoa học lớn về cấp thoát nước, môi trường của Việt Nam. Đặc biệt, ông có 4 người con (2 con đẻ, 1 con dâu, 1 con rể) đều là tiến sỹ, trong đó 3 người con đã được phong chức danh Phó giáo sư…

Đã từ lâu tôi ấp ủ đề tài tìm gặp một gia đình nhiều tiến sỹ nhất thủ đô để viết về “nếp nhà khoa học” đã ảnh hưởng như thế nào tới con đường khoa học của các thành viên trong gia đình ấy. Được sự giúp đỡ tận tình của Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học Hà Nội, tôi đã gặp được Giáo sư, Tiến sỹ khoa học (GS.TKH) Trần Hữu Uyển.

GS Trần Hữu Uyển là một trong những người thầy gạo cội, đáng kính của trường ĐH Xây dựng, và là tác giả của rất nhiều công trình khoa học lớn về cấp thoát nước, môi trường của Việt Nam. Đặc biệt, ông có 4 người con (2 con đẻ, 1 con dâu, 1 con rể) đều là tiến sỹ, trong đó 3 người con đã được phong chức danh Phó giáo sư…

"Chỉ có con đường học tập mới là con đường vươn lên để thoát khỏi cái nghèo".

Những ngày cuối năm bận rộn, qua nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng GS Uyển cũng dành cho tôi một buổi gặp gỡ. Ông hồn hậu đón tôi tại một khu chung cư trên đường Hoàng Minh Giám (Hà Nội). Ông mới chuyển về đây sống được hơn 1 năm.

Ông khoe với tôi căn hộ này là thành quả hơn nửa thế kỷ làm khoa học không biết mệt mỏi của ông. Dù tuổi đã cao nhưng 2 vợ chồng ông sống độc lập với con cái. GS Uyển cho tôi cảm giác thật gần gũi, như mình là học trò của ông vậy.

Ông khất hẹn với tôi một số lần vì ông đang bận làm giám sát công trình cho một dự án. Dù đã nghỉ hưu gần 15 năm nhưng cuộc sống của ông không rảnh rỗi hơn là bao. Bước sang tuổi 80 nhưng GS Uyển vẫn chưa cho phép bản thân mình nghỉ ngơi.

Bên cạnh việc giảng dạy hướng dẫn sinh viên tại Đại học Xây dựng, ông còn tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, giám sát, tư vấn thiết kế các công trình cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương.

Nói chuyện với GS Uyển, tôi như được truyền thêm nhiệt huyết từ năng lượng dồi dào và tình yêu nghề dạy học, yêu khoa học vô bờ bến của ông. GS cho biết: "Đối với bản thân tôi lúc nào cũng giữ các quan niệm trong cuộc sống: Thứ nhất là sức khỏe tốt, gia đình phải hạnh phúc, nuôi con cái phải trưởng thành.

Bên cạnh đó cần phải sống chân thực giản dị, cố gắng phấn đấu nâng cao chuyên môn, giúp đỡ đồng nghiệp để đóng góp cho xã hội. Bởi vậy nên khi nào còn sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội và đất nước”.

GS Trần Hữu Uyển hạnh phúc bên vợ và con cháu

GS Trần Hữu Uyển sinh năm 1938, trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Truyền thống hiếu học của quê hương xứ Nghệ trở thành động lực giúp cho những người con nơi đây vươn lên tự cường. Theo lời kể của GS Trần Hữu Uyển, lúc bấy giờ thân phụ ông sớm có tư tưởng coi trọng chuyện học hành, và thân phụ nói rằng: "Chỉ có con đường học tập mới là con đường vươn lên để thoát khỏi cái nghèo".

Dù cuộc sống khó khăn nhưng các cụ quyết tâm cho con cái được học hành đến cùng. Ngày ấy, cả tỉnh Nghệ An chỉ có một trường cấp ba là Trường Huỳnh Thúc Kháng và chỉ tuyển có ba lớp 8 (hệ 9 năm) nên việc thi đậu cấp ba là vô cùng khó khăn. Với tinh thần chăm chỉ và hiếu học, cậu học trò nghèo Trần Hữu Uyển đã ghi tên mình vào Trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng - một ngôi trường danh tiếng cả nước thời bấy giờ.

Năm 1958, chàng trai Trần Hữu Uyển thi đỗ vào Khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm tháng đại học xa nhà, mặc dù có nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chàng sinh viên ấy luôn phấn đấu và rèn luyện nên giành được nhiều thành tích cao trong học tập.

Năm 1961, sinh viên Trần Hữu Uyển làm đồ án tốt nghiệp, lấy đề tài là "Thiết kế hệ thống thoát nước mưa cho Hà Nội". Vào những năm tháng đất nước còn lạc hậu do chiến tranh, đề tài của ông tuy rất mới mẻ nhưng lại được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao và trực tiếp hướng dẫn đồ án.

Công sức bỏ ra bao năm học đã được đền đáp xứng đáng, ngay sau khi ra trường, cậu sinh viên nghèo Trần Hữu Uyển đã được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Bước ngoạt cuộc đời đến với ông khi vào năm 1988, ông trở lại Liên Xô lần thứ 2, đi thực tập sinh cao cấp ở Đại học Xây dựng Matxcơva.

Ông bảo vệ thành công đề tài "Tính toán hệ thống thoát nước mưa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới”. Gọi là “bước ngoặt” vì ông cho rằng, đề tài trên đã giúp ông định hướng rõ nét hơn sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mở ra nhiều dự định trong tương lại. Trước đó vào năm 1973, trong lần sang Liên Xô đầu tiên, ông đã làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Phó Tiến sĩ.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề (từ năm 1962 đến nay), với tâm niệm "Khoa học là nền tảng để thúc đẩy phát triển xã hội", GS Trần Hữu Uyển không chỉ giữ lửa đam mê các công trình khoa học cho riêng mình, mà ông còn truyền cảm hứng, kiến thức, đam mê cho rất nhiều thế hệ học trò.

Nhà giáo thầm lặng

Thầy Uyển là một trong những cán bộ đầu tiên của Bộ môn Cấp thoát nước ở Đại học Xây dựng. Từ kinh nghiệm phát triển ngành này của Liên Xô và Trung Quốc, Đại học Xây dựng đã cho ra lò những kỹ sư ngành Cấp thoát nước có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Dù đã nghỉ hưu từ lâu nhưng căn nhà của GS Trần Hữu Uyển luôn tấp nập khách ra vào. Bên cạnh bạn bè thân quen đến chơi, rất đông người khách của ông là những sinh viên đến nhờ ông hướng dẫn, hay các nhà báo, kỹ sư, nhà khoa học đến xin ý kiến tư vấn của ông.

Trong suốt thời gian công tác tại ĐH Xây dựng, GS Uyển đã hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên ngành Cấp thoát nước của trường Đại học Xây dựng từ khóa 7 (năm 1967) đến khóa 51 (năm 2010). Ông đã tham gia giảng dạy sau đại học và đã hướng dẫn nhiều luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy Uyển, đã có nhiều kỹ sư thành đạt trong sự nghiệp và đem những kiến thức tiếp thu được để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhiều học trò của thầy sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trong những năm tháng nhà trường còn khó khăn về tài liệu, để phục vụ việc học tập và nghiên cứu tốt cho sinh viên, thầy đã tự tay biên soạn bài giảng, tài liệu tham khảo để phục vụ giảng dạy. Chính vì vậy khi nhắc tới thầy Uyển, sinh viên được thầy dìu dắt không chỉ nhớ đến thầy với cương vị thầy giáo đáng kính mà với họ, thầy còn như một người cha thứ hai.

Ngoài giảng dạy, GS Trần Hữu Uyển còn đóng góp chuyên môn của mình vào thực tế của ngành cho các dự án cải tạo và nâng cấp về lĩnh vực cấp nước và thoát nước cho một số tỉnh ở nước ta. Cuốn sách "Bảng tính toán thuỷ lực cống và mương thoát nước" do thầy biên soạn trở thành sách gối đầu giường của bao thế hệ sinh viên Đại học Xây dựng.

Suốt 55 năm qua, thầy Trần Hữu Uyển là một nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học đóp góp thầm lặng cho nền giáo dục nước nhà. Trong những năm qua, ông là cái tên quen thuộc trên nhiều tờ báo với các bài viết, trả lời phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến cấp, thoát nước.

Đó là những vấn đề nóng hổi như “Nước thải ở Hồ Tây”, “Chất lượng đường ống dự án Sông Đà 2”… Những bài phỏng vấn ông đã làm cho độc giả hiểu sâu sắc, có một cái nhìn khoa học về những vấn đề nổi bật trong dư luận. Ngoài ra, ông còn có những lần “hiến kế” để giải quyết vấn đề “Hà Nội cứ mưa là ngập”.

Nói về quảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp làm khoa học, ông cho biết, khi mới bước chân vào nghiên cứu các vấn đề về môi trường nước là thời điểm gian nan nhất, bởi lẽ ông là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của nước ta đi sâu vào nghiên cứu về ngành cấp thoát nước và môi trường. Không chỉ thiếu công cụ, vật dụng nghiên cứu mà ngay cả những tài liệu phục vụ nghiên cứu cũng rất hiếm.

Nhiều lúc tưởng như gục ngã, nhưng bằng ý chí ông đã vượt qua được. Tính đến nay, GS Trần Hữu Uyển đã công bố nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn cao, tiêu biểu như: Nghiên cứu Bể Biogas (năm 1985); Sử dụng nước mưa để cấp nước cho sinh hoạt (năm 1986); Bể lọc trọng lực cấp nước tự rửa; Quy phạm thi công và nghiệm thu ống cấp thoát nước bên ngoài công trình (năm 2015)...

Cả nhà Giáo sư đều theo chuyên ngành "Cấp thoát nước và môi trường"

GS.TSKH - NGƯT Trần Hữu Uyển là chuyên gia khoa học hàng đầu ngành Kỹ thuật môi trường. Ông được phong chức danh Nhà giáo ưu tú năm 2000 và bổ nhiệm là Giáo sư năm 2003. Trong suốt quá trình công tác tại Đại học Xây dựng, GS Trần Hữu Uyển đã giữ nhiều vị trí công tác quan trọng từ Giảng viên cao cấp; Trưởng bộ môn Cấp thoát nước; Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường. Sau này ông còn làm Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Đúng như quan niệm cuộc sống của bản thân, giờ đây GS Trần Hữu Uyển rất hạnh phúc khi có một mái ấm bình yên, con cái đều trưởng thành và thành đạt. Người ta không chỉ ngưỡng mộ sự tâm huyết, đam mê với khoa học của GS Uyển mà còn ngưỡng mộ trước đại gia đình trí thức của ông. Vợ ông là cô giáo Nguyễn Thị Lương, người cùng quê. Sau mấy năm giảng dạy ở Trường Đại học Xây dựng, Trần Hữu Uyển được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Xây dựng Matxcơva.

Và lúc này, vợ ông cũng được điều về giảng dạy ở khoa Hóa Trường Đại học Xây dựng. GS Trần Hữu Uyển có hai người con là Trần Thanh Sơn và Trần Việt Nga. Tấm gương và ý chí tự học của cha mẹ khiến cho con cháu của ông bà có ý thức sâu sắc về việc học tập rèn luyện. Ông thường nhắc nhở con cái, noi gương thế hế đi trước để phấn đấu học hành thành tài. Với tinh thần ham học hỏi được nối truyền từ cha mẹ, những người con của ông bà đều là những nhà khoa học, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Con trai cả của GS Uyển là PGS.TS Trần Thanh Sơn, Trưởng Bộ môn thoát nước và Trưởng Khoa Đô thị của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trong thời gian học ở Nga, Trần Thanh Sơn đã kết hôn với Nguyễn La Anh, một cô gái Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh Khoa Sinh học ở Matxcơva. Hiện tại Tiến sĩ La Anh đang công tác ở Viện Công nghiệp thực phẩm Hà Nội.

Con gái GS Uyển là Trần Việt Nga, một học sinh giỏi nhiều năm của trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đoạt nhiều giải thưởng của thành phố. Tốt nghiệp cấp 3, theo bước bố, chị thi vào Đại học Xây dựng, nơi bố làm Trưởng bộ môn Cấp thoát nước.

Chị Nga tốt nghiệp Đại học Xây dựng loại giỏi, được kết nạp vào Đảng, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường. Sau đó không lâu Nga được cử sang làm nghiên cứu sinh ở Học viện Công nghệ Đông Nam Á tại Bangkok. Tốt nghiệp Thạc sĩ xuất sắc, Trần Việt Nga được gửi sang Tokyo nghiên cứu và nhận bằng Tiến sĩ tại đây. Trường Đại học Tokyo giữ tiến sĩ Trần Việt Nga học tiếp hai năm sau tiến sĩ.

Tiến sĩ Trần Việt Nga được Trường Đại học Tokyo mời ở lại làm việc, nhưng chị không nhận lời để về công tác ở Khoa Môi trường nước Đại học Xây dựng Hà Nội. Thời gian học ở Thái Lan và Nhật Bản, Trần Việt Nga đã lập gia đình với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.

Hiện tại các con của ông là tiến sĩ Trần Thanh Sơn, tiến sĩ Trần Việt Nga và con dâu tiến sĩ Nguyễn La Anh đã được phong chức danh Phó Giáo sư. Một điều đáng chú ý là cả nhà Giáo sư đều theo chuyên ngành "Cấp thoát nước và môi trường" nên mọi thành viên trong nhà đều có thể hỗ trợ cho nhau về kiến thức và tài liệu.

Như tiếp nối truyền thống làm khoa học của gia đình, năm 2011, gia đình GS Trần Hữu Uyển rất hạnh phúc khi cậu cháu nội đích tôn Trần Bách Trung, con trai của cặp đôi Thanh Sơn – La Anh, một học sinh chuyên Lý trường Hà Nội – Amsterdam đã đoạt giải Nhất một công trình sáng tạo Vật lý về lọc nước bằng năng lượng mặt trời. Công trình này được mang sang Mỹ dự thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế lại giành giải Nhất với số tiền thưởng lớn. Hiện Trần Bách Trung đang du học tại Mỹ với học bổng toàn phần.

Tác giả: Nhật Trường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok