Giáo dục

Chuyển làm phục vụ, cho nghỉ việc giảng viên không có bằng thạc sĩ

Ngoài chính sách trải thảm đỏ, trả lương cao, nhiều trường đang tích cực tạo điều kiện cho giảng viên đi học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Cách đây 5 năm, số giảng viên cơ hữu có trình độ cử nhân của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM là 240 người, chiếm 50% tổng số giảng viên cơ hữu. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ của trường này là 99,6 %, trong số này 40% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

5 năm qua, chúng tôi tiến hành một cuộc “cách mạng” gọi là hậu tuyển dụng, để nâng chất lượng cho giảng viên. Tất cả giảng viên có trình độ cử nhân trong thời gian 3 năm bắt buộc phải học và lấy được bằng thạc sĩ. Giảng viên nào không lấy được bằng thạc sĩ sẽ chuyển sang làm nhân viên phục vụ hoặc nghỉ việc” - ông Võ Văn Sen, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (Ảnh:Yến Nhi)

Theo ông Sen, chương trình hậu tuyển dụng có rất nhiều chính sách và đưa lại thành công nhất định. Những giảng viên khi đi học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 50% học phí.

Ngoài ra, trường áp dụng mức thưởng 3 triệu đồng với thạc sĩ và 6 triệu đồng với tiến sĩ nếu bảo vệ luận văn tốt nghiệp đúng thời hạn. Nhờ chính sách này, trong 240 giảng viên có trình độ cử nhân khi đi học đã có 230 giảng viên lấy bằng thạc sĩ, 10 người còn lại không đạt yêu cầu thì 8 người chuyển sang làm chuyên viên, 2 người nghỉ việc.

Ngoài ra, dựa vào mối quan hệ quốc tế, trường giới thiệu giảng viên ra nước ngoài học để nâng cao bằng cấp. Trung bình, mỗi năm trường có 100 giảng viên đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Trong đó khoảng 20% giảng viên đi học theo Đề án 911 của Bộ GD-ĐT, 80% còn lại có học bổng hoặc do trường giới thiệu.

"Đối với giảng viên tự học nâng bằng cấp ở trong nước, chúng tôi sắp xếp cho họ tham gia giảng dạy ở mức độ nhất định, để có kinh phí sinh sống và học tập. Tôi nghĩ, điều quan trọng là trong thời gian học họ vẫn được tạo điều kiện giảng dạy, có tiền sinh sống, sinh hoạt bình thường như giảng viên khác nên không nản chí. Số kinh phí giành cho việc này là không nhiều và được trích từ nguồn lực của trường, đã được chúng tôi tính toán trong kế hoạch hàng năm” - ông Sen giải thích cách làm.

Để nâng cao chất lượng giảng viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng gửi lời mời giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên khi đến tuổi nghỉ hưu ở lại trường công tác theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, trường cũng mời nhà khoa học ở các đơn vị khác có mong muốn chuyển sang trường giảng dạy.

"Mục đích của chúng tôi là phải thu hút tiến sĩ từ nước ngoài về trường. Trong đội ngũ hiện nay, chúng tôi đã có 50% giảng viên từng được đào tạo ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu, Úc… Một số khác được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ hoặc từ các nước có học thuật cao".

Không chỉ trả lương cao

Trong khi đó, ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, khẳng định trường chỉ "tuyển dụng giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên, tuyệt đối không tuyển cử nhân dù tốt nghiệp giỏi". Vì vậy, chính sách nâng cao chất lượng của trường là giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài.

"Giảng viên sẽ được tạo điều kiện đi học lên tiến sĩ ở nước ngoài từ học bổng hoặc trường gửi đi. Khi đi học, họ được giữ 40% lương. Ngoài ra, hằng năm trường luôn yêu cầu giảng viên lần lượt sang đối tác liên kết ở nước ngoài làm việc và học tập trong một học kỳ...".

Trường ĐH Quốc tế không trải thảm đỏ riêng cho nhân lực trình độ cao mà mở website tuyển dụng rộng rãi. Cá nhân nào đạt yêu cầu sẽ được trả lương rất cao, tạo môi trường làm việc cởi mở.

“Chúng tôi cho rằng ngoài lương cao thì môi trường làm việc rất quan trọng. Giảng viên phải có môi trường làm việc cởi mở, thoái mái, khơi tinh thần sáng tạo để phát huy năng lực, và tôn trọng ý kiến cá nhân” - ông Phong nhấn mạnh.

Chất lượng giảng viên ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo

Với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, biện pháp để nâng chuẩn trình độ cho giảng viên cũng là hỗ trợ để học tập nâng cao trình độ. Ông Thái Bá Cần, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã có 71% giảng viên đủ chuẩn và nhà trường luôn tạo điều kiện để giảng viên tham gia các chương trình đào tạo, đi học nước ngoài, hỗ trợ thời gian đi học và hỗ trợ về tài chính.

"Theo quy chế chi tiêu nội bộ, trường có các chế độ như cho giảng viên hưởng nguyên lương hay vay tín dụng. Ngoài ra, trường cũng có chính sách tiền lương hấp dẫn đối với nhân lực từ tiến sĩ trở lên" - ông Cần thông tin.

Trường ĐH Văn Hiến đã có 60% giảng viên đủ chuẩn. Ông Lê Sĩ Hải, giám đốc điều hành nhà trường cho biết luôn tạo kiện thời gian, kinh phí để giảng viên học tập nâng cao chất lượng.

Trường yêu cầu giảng vên tham gia các nghiên cứu khoa học trong trường, theo các đơn đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tham gia hội thảo hội nghị khoa học, viết bài đăng các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế; Tham gia các giờ trải nghiệp thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp; Tham gia các khóa huấn luyện nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ giảng dạy theo yêu cầu đặc thù của từng ngành nghề...

Chúng tôi triển khai các quy định đánh giá giảng viên của các bên liên quan như quản lý bộ môn, đồng nghiệp, sinh viên... Những giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm nghiên cứu sẽ được phân công vị trí công việc phù hợp, các cơ hội phát triển cá nhân và chính sách đãi ngộ về thu nhập” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong năm 2018, trường sẽ mời 25 giảng viên là người nước ngoài làm giảng viên cơ hữu để giảng dạy các chương trình chất lượng cao.

Mặc dù trường vẫn có một tỉ lệ giảng viên cơ hữu là cử nhân, nhưng đa số họ đều tốt nghiệp loại giỏi, đang học thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh và được phân công làm trợ giảng. Từng chương trình đào tạo của trường đều có những giảng viên đầu ngành, vững kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng khoa học của ngành. Những giảng viên đầu ngành này sẽ quy tụ các giảng viên khác, trẻ hơn, có triển vọng tạo thành các nhóm phụ trách các chương trình đào tạo” - ông Hải lý giải.

Trong khi đó, một giảng viên đại học cho rằng "chất lượng không chỉ nằm ở bằng cấp cao mà còn phụ thuộc vào hệ thống không cào bằng và quản trị đại học phù hợp".

"Khi công nghệ phát triển, giảng viên phải cập nhật thường xuyên kiến thức và kỹ năng, có tâm huyết, đầu tư cho giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ người học. Vì vậy, điều đầu tiên là cần phải đảm bảo thu nhập cho giảng viên, để họ có điều kiện tập trung vào công việc cũng như thời gian để cập nhật kiến thức, kỹ năng và thực tế ở doanh nghiệp.

Nhà trường cũng phải đầu tư phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và cơ chế để phát huy năng lực riêng biệt của từng giảng viên chứ không giữ hệ thống cào bằng. Trường cần có phương pháp quản trị đại học phù hợp với xu thế hiện nay, trong đó vai trò của giảng viên cần được thay đổi cho phù hợp với các cách thức đào tạo mới" - giảng viên này phân tích.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok