"Căn nhà của bà ấy được làm từ năm 1975, đã xuống cấp lắm rồi, vừa rồi xã có chủ trương hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng theo chương trình “Xóa nhà tạm nông thôn” nhưng bà ấy không dám nhận tiền hỗ trợ.
Chuyện về người nghèo nhưng lại từ chối nhận hàng chục triệu đồng tiền hỗ trợ xây nhà của Nhà nước cứ tưởng như chuyện đùa nhưng lại hoàn toàn là sự thật. Bởi, gia đình bà nghèo, nghèo đến bất lực không dám nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Vì, nếu nhận tiền hỗ trợ mà không xây được nhà thì xấu hổ, mang tiếng với hàng xóm lại "bị tội" với Nhà nước".
Bà Vũ Thị Thơm - Trưởng thôn My Sơn (xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về hoàn cảnh vô cùng bi đát của bà Đoàn Thị Thiềm (66 tuổi, ở đội 3, thôn My Sơn).
Cú tông xe cực mạnh khiến anh Bùi Văn Dáng bị chấn thương sọ não, dập phổi, gãy chân trái…
“Gia đình bà Thiềm là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương, nhất là từ khi ông nhà mất vài năm trước, nhà chỉ còn bà Thiềm và anh Dáng là con út mắc bệnh tâm thần. Đầu năm nay, anh Dáng lại bị tai nạn giao thông nặng, để chữa trị cho con bà ấy đã phải vay nợ nhiều, bây giờ kiệt quệ lắm rồi…”, bà Thơm tâm sự về hoàn cảnh của người hàng xóm.
Dù đã được cấp cứu kịp thời, nhưng di chứng để lại cho anh hết sức nặng nề, hiện anh Dáng hoàn toàn vô thức, nửa người bên phải bị liệt, phần hộp sọ vỡ đang được gửi ở viện Bỏng quốc gia.
Mải trò chuyện với bà Trưởng thôn, những bước chân cũng đưa chúng tôi đến gia đình bà Thiềm. Trước mặt là căn nhà cấp 4 đã ngót nửa thế kỉ của mẹ con bà Thiềm quá cũ nát.
Phần mái ngói lâu ngày đã mục bở ra, tưởng như không thể chịu nổi những trận mưa nặng hạt. Bức tường lâu ngày vôi vữa thì bong tróc từng mảng, nhiều chỗ đã nứt toác, loang ra từng mảng.
Đưa mắt nhìn khắp lượt, tôi không khỏi cảm giác lo sợ, khi mẹ con bà Thiềm phải sống trong ngôi nhà tiềm ẩn nguy cơ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.
Ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, dù đã được xã có chủ chương hỗ trợ 40 triệu để xây lại nhưng vì không có tiền phụ thêm vào nên bà Thiềm không dám nhận
Bước vào trong nhà, mùi rêu phong, ẩm mốc bốc lên như kiểu nhà lâu ngày không có người ở. Tài sản quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc phản gỗ kê ở góc để dành cho anh Dáng nằm.
Trên chiếc phản gỗ, anh Dáng nằm co quắp, ống chân trái bị gãy chưa lành vẫn phải nẹp đai thép cố định, tay phải thì co rút lại, cái đầu méo mó trọc lốc chằng chịt vết khâu, nửa đầu bên trái lõm sâu, vì chưa được ghép hộp sọ. Cần mẫn ngồi bóp tay, bóp chân cho con, mà bà Thiềm ròng ròng 2 hàng nước mắt nghẹn ngào khi biết chúng tôi là nhà báo đến thăm và chuẩn bị viết bài.
“Thằng út này ngày sinh ra khôi ngô khéo tay nhất nhà, 7 năm trước sau một cơn sốt tự nhiên em nó thành người ngớ ngẩn. Là đứa được kỳ vọng nhất trong 5 đứa con trai, nên khi em nó bị như thế vợ chồng tôi buồn lắm.
Từ ngày lo lắng cho con, ông nhà tôi là bệnh binh nên sức khỏe vốn đã không tốt, lại lo nghĩ nhiều nên mang bệnh mất sau đó 2 năm. Nhà chỉ còn 2 mẹ con rau cháo nuôi nhau, tôi chỉ cầu mong, thôi thì con có ngớ ngẩn, nhưng đừng ốm đau bệnh tật, mẹ còn sức mẹ sẽ nuôi con suốt đời…”, bà Thiềm nói về đứa con Bùi Văn Dáng, (36 tuổi) mà giọng bà như nghẹn lại.
Cái đầu méo mó chằng chịt vết khâu.
Từ một chàng trai khôi ngô, khéo tay, 7 năm trước chỉ sau một trận sốt anh Dáng trở thành người ngớ ngẩn.
2 năm sau khi anh Dáng phát bệnh, người cha là bệnh binh quá đau buồn đã phát bệnh ra đi
Bà Thiềm kể, ngày mồng 10 Tết vừa rồi, tôi đang bán rau ngoài chợ, em nó còn đi ra chợ với mẹ, đến trưa, rồi tối vẫn không thấy về. Các anh nó, rồi hàng xóm đi tìm suốt 2 ngày không thấy, đến khi có người đến báo là đọc ở trên mạng, thấy có chàng thanh niên đang được mổ cấp cứu ở bệnh viện Việt Tiệp trông giống Dáng.
Bà Thiềm vội vàng lao đến bệnh viện, nhìn cảnh con trai nằm cấp cứu, băng quấn khắp người trắng toát, một bên đầu lõm xuống... bà như ngất đi. Các bác sĩ cho biết, Dáng bị xe đâm và được công an đưa vào cấp cứu.
Gia cảnh vốn đã khó khăn, để chữa trị cho con, người mẹ này đã làm tất cả những gì có thể, hiện bà đã lâm vào cảnh kiệt quệ.
Sau vụ tai nạn giao thông, Dáng bị đa chấn thương nặng: gãy chân trái, dập phổi, vỡ hộp sọ, dập não… Dù được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu kịp thời, nhưng di chứng để lại cho nạn nhân hết sức nặng nề. Hiện anh Dáng hoàn toàn vô thức, liệt nửa người bên phải, phần hộp sọ bị vỡ vẫn gửi ở bệnh viện Bỏng quốc gia chờ cơ hội cấy ghép, các vết mổ ở đầu thỉnh thoảng vẫn chảy dịch vàng,…
Không thể vay thêm đâu được tiền nữa, bà Thiềm đành phải đưa con về nhà chăm sóc.
Sau ca phẫu thuật giữ được mạng sống cho anh Dáng, là những chuỗi ngày anh Dáng phải liên tục nằm viện điều trị. Để có tiền chạy chữa cho con, bà Thiềm đã phải vay mượn khắp nơi, không kể tiền vay anh em, họ hàng đến hàng trăm triệu, bà còn vay các quỹ ở địa phương như: quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ nước sạch, số tiền lên đến 40 triệu nữa.
Ngày ngày bòn mót từng cọng rau đem ra chợ bán, người mẹ khốn khó mơ một ngày có tiền cho con trai được tiếp tục chữa trị!...
Hành trình cứu chữa cho đứa con bất hạnh còn dài khiến người mẹ già như sức tàn lực kiệt. Mặc dù bệnh tình anh Dáng có phần thuyên giảm, nhưng vì không thể vay đâu được tiền nữa, bà Thiềm đành đưa con về nhà chăm sóc, ngày ngày cặm cụi bòn mót từng mớ rau, quả mướp đem ra chợ bán, những mong một ngày bà có tiền cho con trai tiếp tục đến viện…
Liệu người mẹ này sẽ phải tiếp tục bán bao nhiêu bó rau nữa mới đủ tiền ghép sọ cứu con?
Tác giả: Hương Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí