|
Vượt khó, thoát nghèo bằng tri thức
Theo các cụ cao niên ở bản Khó, bản Nghèo, hai bản này có cách đây khoảng hơn 400 năm, thuộc mường Ca Da cổ - là một mường lớn của đồng bào Thái ở miền Tây Thanh Hóa. Bản Khó có địa thế nằm dựa lưng vào dãy núi Pù Luông hùng vĩ, bên tả có thế núi long chầu hổ phục, phía trước bản có hai dòng suối giao nhau, cung cấp nguồn nước ngọt, mát lành cho đồng bào hàng trăm năm nay.
Còn bản Nghèo có hàng chục héc ta đất nông nghiệp gieo cấy hai vụ lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang quanh bản. Dãy núi Pù Luông chạy dọc bản Nghèo, với thảm thực vật phong phú, tạo nên tính đa dạng sinh học. Tuy có địa thế đẹp, nhưng cách đây khoảng bốn thập niên trở về trước, mảnh đất bản Khó, bản Nghèo còn hoang vu lắm, đường giao thông đi lại vô cùng hiểm trở. Ngày đó, mỗi khi ra trung tâm xã, mua cân muối, chai dầu hỏa, bà con trong bản phải đi, về hết cả ngày.
Điều kiện kinh tế, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, thế nhưng con em hai bản Khó, bản Nghèo vẫn quyết tâm vượt khó để học cái chữ. Ông Cao Minh Hưng (57 tuổi, ở bản Nghèo) chia sẻ: “Thời chúng tôi học tiểu học cách đây hơn 40 năm, học sinh bản Nghèo phải đi bộ hai, ba cây số xuống bản Khó để học. Còn học THCS và THPT phải đi bộ gần 10km ra trung tâm huyện mới có trường.
Nhiều hôm mưa lớn học sinh phải nghỉ học hoặc khi đi học gặp mưa rừng, lũ quét, lũ ống, học sinh phải ngủ lại lớp, nhịn đói là chuyện thường. Hàng năm, các gia đình trong bản thiếu đói lương thực tới sáu tháng, nên nhiều học sinh thường xuyên đứt bữa khi đến trường. Được thầy, cô giáo ở dưới xuôi lên bám bản, vừa dạy cái chữ, vừa động viên không bỏ học, nên dù khó khăn đến mấy, lớp lớp học sinh của bản Khó, bản Nghèo vẫn đến trường học cái chữ. Chúng tôi luôn xác định chỉ có học vấn, tri thức mới đẩy lùi được cái đói, cái nghèo cứ bủa vây từng ngôi nhà sàn trong bản”.
Rồi để con em hai bản đi học ra trung tâm xã đỡ vất vả và nguy hiểm, người dân bản Nghèo, bản Khó đã cùng nhau ngày đêm tự phá đá, cõng đất làm con đường từ bản ra trung tâm xã Hồi Xuân. Con đường này được đồng bào tôn tạo, tu bổ hàng năm, cho đến khi Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, rải nhựa cách đây gần 5 năm. Nhờ vậy, con em hai bản đi học ở trung tâm xã cũng thuận lợi hơn, việc giao thương buôn bán của hai bản cũng bắt đầu phát triển, đời sống đồng bào cũng dần được cải thiện.
Tự hào là bản “đỗ đạt”
Vượt qua cái khó, cái nghèo, các thế hệ con em nơi đây đã vươn lên học tập và mang về niềm tự hào cho bản làng. Nhắc đến bản Khó, bản Nghèo người dân Quan Hóa không còn nói về cái nghèo, khó của vùng đất này mà kể về chuyện đỗ đạt của con em nơi đây với nhiều người thành đạt làm cán bộ, lãnh đạo huyện. Theo thống kê, toàn huyện Quan Hóa có 123 bản, làng, nhưng điều đặc biệt là bản Khó là địa phương có nhiều người đỗ đạt và làm cán bộ nhất.
Bản Khó hiện có 116 hộ (450 nhân khẩu), nhưng có hơn 60 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN; trong đó có một người là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện có trình độ thạc sĩ. Hiện nay, bản có hàng chục cháu đang theo học các trường ĐH, CĐ, THCN trong, ngoài tỉnh. Theo thống kê có hơn 10 người xuất thân từ bản Khó học hành đỗ đạt, đã, đang làm cán bộ các cấp trong huyện. Ngoài ra, còn nhiều người quê bản Khó, hiện đang làm tại các cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trong huyện, tỉnh.
Còn ở bản Nghèo (gồm 114 hộ với 520 nhân khẩu) cũng có 66 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN, 1 người có trình độ Thạc sỹ; hàng chục người đang học ĐH, CĐ, THCN. Tại bản Nghèo có nhiều người đã, đang làm cán bộ các cấp trong huyện.
Ông Cao Bằng Nghĩa - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quan Hóa cho biết thêm: Phong trào học tập của người dân hai bản Khó, Nghèo cách đây vài chục năm đã trở thành điểm sáng của huyện Quan Hóa.
Hiện nay, hai bản này là một trong những địa phương của huyện có quỹ khuyến học của bản, quỹ khuyến học từng dòng họ, nhằm khuyến khích, động viên các cháu đạt học sinh giỏi, thi đỗ ĐH, CĐ, THCN hàng năm. Điều đặc biệt hiện nay ở bản Khó, bản Nghèo là các thầy, cô giáo không phải vận động trẻ em đến trường, bởi phụ huynh đã nhận thức, tự nguyện đưa 100% số trẻ mầm non đến lớp. Cho con em đến trường học chữ, tiếp thu tri thức, cố gắng học hành đỗ đạt để làm cán bộ, được người dân bản Khó, bản Nghèo nhận thức rất rõ.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại