Xe

Chuyên gia ô tô cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn gây cháy xe khi để ngoài trời nắng nóng

Liên tiếp các vụ cháy xe ô tô thời gian qua đã khiến nhiều người lo lắng khi nắng nóng đang kéo dài. Chuyên gia đã chỉ ra một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ xe

Thời gian gần đây, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe ô tô khi đang dừng đỗ hoặc đang lưu thông khiến nhiều người bất an, lo lắng. Điểm chung của các vụ cháy ô tô là đều đang ở ngoài trời và thời tiết nắng nóng.

Theo đó, khoảng 14h20 ngày 18/5, ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva, lưu thông trên quốc lộ 32 (đoạn qua xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Lực lượng chức năng đã điều động xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau khoảng vài phút đám cháy được dập tắt.

Chiếc xe ô tô đang lưu thông trên quốc lộ 32 (đoạn qua xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Trước đó, ngày 17/5, tại đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Hà Nội), một chiếc ô tô nhãn hiệu BMW đang lưu thông theo hướng Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, khi tới trước số nhà 18 Huỳnh Thúc Kháng thì bất ngờ bốc cháy. Phát hiện xe bị cháy, tài xế và người dân xung quanh đã sử dụng bình cứu hỏa cầm tay và nước để dập tắt lửa.

Khoảng 12h cùng ngày, ô tô nhãn hiệu Toyota Cross mang biển số 30K-227.XX đang đỗ trong khuôn viên của Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình (TP. Hà Nội) cũng bất ngờ bốc cháy.

Ngay sau khi phát hiện, bảo vệ của Trung tâm đã dùng bình chữa cháy cầm tay để dập lửa nhưng bất thành. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động hai xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.

Trao đổi với phóng viên, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy xe ô tô thời gian qua, trong đó chập điện là một trong các nguyên nhân cháy xe phổ biến thường gặp. Theo đó, khi hệ thống điện trên xe ô tô bị chập sẽ phát ra tia lửa điện, tia lửa này có thể bắn vào những vật chất dễ cháy xung quanh khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan rộng.

Chiếc ô tô đang đỗ trong khuôn viên của Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình (TP. Hà Nội) cũng bất ngờ bốc cháy.

Ngoài ra, vào mùa nắng nóng nhiệt độ bên ngoài cũng là tác nhân gây cháy xe. Cụ thể, quá trình di chuyển, một số vật dụng dễ cháy như rơm rạ, giấy hoặc túi nilon chạm vào gầm xe, lúc này khí xả thải ra từ động cơ ô tô vô tình tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy sản sinh ra nhiệt lớn dẫn đến cháy xe.

Bên cạnh đó, chuyên gia ô tô này cho rằng, việc các chủ xe thường hay "độ chế" hoặc lắp thêm các thiết bị điện trong xe ô tô cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy nổ xe trong quá trình sử dụng.

"Khi tự ý “độ chế”, lắp thêm các thiết bị điện đồng nghĩa với việc đã can thiệp thay đổi hệ thống điện nguyên bản trên xe. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể gây chập cháy nếu hệ thống bị quá tải, đấu nối sai cách hay sử dụng thiết bị điện kém chất lượng, trong quá trình di chuyển sẽ dẫn đến hiện tượng chập điện và gây ra cháy xe", Kỹ sư Lê Văn Tạch cảnh báo.

Bên cạnh đó, kỹ sư Lê Văn Tạch cũng lưu ý, việc để các đồ vật như bật lửa, hóa chất, nước hoa, chai nước suối hay bình cứu hỏa mini trong xe nếu không cẩn thận có thể gây cháy nổ xe do khi đậu xe dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cabin ô tô có thể tăng cao hơn 60 – 70 độ C. Nếu các vật này nằm ngay vị trí ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì sẽ dễ bị cháy nổ.

Việc để các đồ vật như bật lửa, hóa chất, nước hoa, chai nước suối hay bình cứu hỏa mini trong xe nếu không cẩn thận có thể gây cháy nổ xe.

Để phòng tránh và hạn chế thấp nhất khả năng cháy xe ô tô ngoài ý muốn, chuyên gia ô tô Lê Văn Tạch khuyến cáo người dân nên bảo dưỡng xe định kỳ, đặc biệt đối với xe cũ cần ưu tiên kiểm tra hệ thống điện và các mối nối thường xuyên để phát hiện các điểm bất thường.

Trong trường hợp các dây điện bị chuột cắn, bị nứt hoặc xuống cấp cần thay thế kịp thời để đảm bảo giúp cho xe ô tô luôn vận hành ổn định đồng thời giảm thiểu được các rủi ro hư hỏng, cháy nổ. Đặc biệt, các chủ xe không nên độ, chế các thiết bị, phụ tùng trong xe bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của xe.

"Vào những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm, các chủ xe cần hạn chế đỗ xe lâu ngoài khu vực thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bất khả kháng nên sử dụng tấm che nắng kính lái hay bạt phủ ô tô để giảm nhiệt cho xe và không di chuyển vào khu vực phơi rơm rạ để tránh những sự cố không mong muốn”, kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến cáo.

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok