Trong nước

Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây lũ chồng lũ ở miền Trung

“Nguyên nhân sâu xa nhất gây ra tình trạng lũ kéo dài ở miền Trung là chúng ta quy hoạch quá nhiều thủy điện trên các dòng sông nhỏ. Thế giới, người ta không làm như vậy”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Liên quan đến tình trạng mưa lớn và cùng với đó các thủy điện đồng loạt xả khiến cho nhiều địa phương miền Trung ngập nặng, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam. GS Hồng đã đưa ra lý giải đâu là nguyên nhân khiến lũ kéo dài ở đây.


GS.TS Vũ Trọng Hồng: "Trên mỗi dòng sông, chúng ta quy hoạch quá nhiều thủy điện". Ảnh: Internet.

Các tỉnh miền Trung mưa lớn cùng với các thủy điện xả nước gây ngập nặng ở nhiều nơi. Đây có phải là điều đi ngược so với chức năng của thủy điện là điều tiết lũ, thưa ông?

Trước đây, mỗi dòng sông có một hồ chứa nhưng bây giờ trên nhiều dòng sông có đến 3 hồ chứa, 3 thủy điện. Các thủy điện gần nhau quá. Chính vì thế, khi lũ, các thủy điện xả nước đồng thời, nối tiếp nhau. Lũ kéo dài chính là vì nhiều hồ bậc thang quá, cho nên không thể điều hành được.

Mỗi hồ chứa, mỗi bậc thang có cách vận hành khác nhau, độ mở khác nhau. Vấn đề lớn nhất hiện này là trên mỗi dòng sông có quá nhiều thủy điện. Và không ai có thể vận hành điều tiết nhịp nhàng nước cho hạ du được. Tùy thuộc vào từng thủy điện, độ cao, địa chất… mà mở nước nhiều hay ít tùy thuộc vào công trình. Mỗi công trình có một cái riêng cộng lại làm cho lũ kéo dài, lúc cao quá.

Nguyên nhân sâu xa nhất gây ra tình trạng lũ kéo dài là chúng ta quy hoạch quá nhiều thủy điện, tạo thành hệ thống thủy điện bậc thang trên các dòng sông, suối nhỏ. Trên thế giới, người ta không làm như vậy. Người ta chỉ làm hệ thống thủy điện bậc thang trên các dòng sông lớn.

Nói như ông, nguyên nhân chính gây nên trình trạng này là do quy hoạch?

Quy hoạch thủy điện bậc thang không hợp lý. Thứ hai là các thủy điện này lại chủ yếu do tư nhân vận hành cũng là điều không hợp lý vì không ai điều khiển được. Không thể vận hành nhịp nhàng các thủy điện này được, tại vì mỗi công trình thủy lợi phụ thuộc vào điều tiết tự nhiên của nó. Thấy nguy cơ sạt lở, họ phải mở. Việc điều tiết lũ trở nên rối loạn.

Những năm trước, chưa bao giờ lũ cứ chồng chất như thế này. Chẳng qua, các thủy điện ở trên tích nước nhiều quá. Các thủy điện tích nước nhiều để sản xuất điện, lúc mưa ai cũng lo vỡ đập thi nhau xả thì lũ chồng lũ là điều dễ hiểu.

Năm nay chưa phải là năm có chu kỳ thời tiết đặc biệt. Các nước lân cận cũng không xả nước mạnh, chính là do quy hoạch thủy điện bậc thang không hợp lý, quản lý các thủy điện này cũng không hợp lý. Một dòng sông đến 3, 4 thủy điện làm sao vận hành nhịp nhàng được.

Nhưng chúng ta đã có các bộ, ngành quản lý, hướng dẫn quy trình xả lũ của các thủy điện?

Bộ Công Thương quản lý nhưng vận hành phải có một tổng công ty, lỗ phải trả. Bộ Công Thương quản lý Nhà nước lỗ, lãi họ không chịu. Quy trình vận hành thủy điện Bộ Công Thương chỉ hướng dẫn chứ không duyệt. Việc duyệt các tỉnh, thành duyệt riêng. Mỗi dòng sông lại mấy thủy điện bậc thang như vậy làm sao mà làm nhịp nhàng được. Việc chia khúc quá nhiều trên dòng sông khiến mùa khô rất khổ, mùa lũ thì chồng lên nhau. Các thủy điện tư nhân nhỏ lại hoàn toàn tư nhân hóa.

Phía hạ du của chúng ta cũng không được quy hoạch, dân cư nằm ở khu vực nào để chống lũ cũng không hề được xem xét bài bản.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả bài viết: Đỗ Thơm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok