Trong nước

Chuyên gia lý giải động cơ hành hạ bé người Campuchia của Nguyễn Thành Dũng

Chuyên gia Tâm lý tội phạm, TS Đoàn Văn Báu có bài viết lý giải động cơ xâm hại trẻ em của đối tượng Nguyễn Thành Dũng và hướng dẫn một số kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho quí phụ huynh, để có thể bảo vệ con em an toàn.

Bộ Công an muốn Campuchia giám định thương tật bé trai bị bạo hành
Kẻ ác thú tra tấn bé trai dã man làm cả Việt Nam căm phẫn
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói về vụ bắt kẻ bạo hành bé trai ở Campuchia
Bé trai Campuchia từng nhận kẻ hành hạ mình là cha nuôi
Bắt 3 người liên quan clip hành hạ bé trai Campuchia

Những ngày qua, một số clip xuất hiện trên Facebook quay cảnh hành hạ dã man bé trai 2 tuổi người Campuchia của đối tượng Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê An Giang, tạm trú ở Tp. HCM) tại một trang trại thuộc tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đã làm rúng động cộng đồng mạng, tạo nên dư luận lên án mạnh mẽ hành vi phi nhân tính của các đối tượng.

Nguyễn Thành Dũng và đồng bọn đã bị bắt, chắc chắn sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự hỏi, tại sao các đối tượng có thể thực hiện hành vi phi nhân tính với một cháu bé mới 2 tuổi như vậy?

Chuyên gia Tâm lý tội phạm, TS Đoàn Văn Báu có bài viết lý giải về vấn đề này và hướng dẫn một số kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho quí phụ huynh, để có thể bảo vệ con em an toàn.

Theo thông tin của Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an), Cơ quan điều tra đã thu giữ được 48 clip ghi lại cảnh Nguyễn Thành Dũng hành hạ dã man cháu bé 2 tuổi người Campuchia. Ngay khi bị bắt vào tối ngày 7-12-2016, Nguyễn Thành Dũng đã khai rằng: y đã hành hạ cháu bé khi cha mẹ của cháu không có mặt ở trang trại và y thực hiện hành vi đó trong tình trạng bị phê ma túy.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời khai ban đầu của Nguyễn Thành Dũng về hành vi phạm tội của y, việc làm rõ hành vi phạm tội của y và đồng bọn là trách nhiệm của Cơ quan điều tra thuộc lực lượng CSND Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia.

Đối tượng Nguyễn Thành Dũng tại Cơ quan điều tra.


Ở đây, tôi đặc biệt quan tâm đến tình tiết, liệu có phải đây chỉ là hành vi bột phát của Nguyễn Thành Dũng khi bị phê ma túy hay không? Tại sao Nguyễn Thành Dũng lại tỏ ra rất hưng phấn, thích thú với việc hành hạ trẻ em?

Dù chỉ mới xem một số clip ghi lại cảnh Nguyễn Thành Dũng hành hạ nạn nhân, ai cũng có thể nhận thấy, hung thủ đang ở trạng thái tâm lý khá bình thản khi thực hiện hành vi dã man, phi nhân tính của mình, từ cử chỉ, cách tác động, lời nói… đều phản ánh rõ điều đó. Vì vậy, đến đây và chắc chắn khi có kết luận của Cơ quan điều tra sẽ cho thấy đó không phải là hành vi bột phát vì phê ma túy mà là hành vi có chủ đích, có tính toán, xuất phát từ nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn của y.

Do đó, Cơ quan điều tra cần làm rõ điểm mấu chốt này để xác định Nguyễn Thành Dũng đã bao nhiêu lần thực hiện hành vi hành hạ trẻ em, thậm chí là những hành vi nghiêm trọng hơn, đã có bao nhiêu trẻ em là nạn nhân của y, đồng bọn của y là những kẻ nào ngoài 03 đối tượng đã bị bắt ở Campuchia…

Hành vi hành hạ trẻ em rất dã man của Nguyễn Thành Dũng có thể xác định là một dạng hành vi lệch chuẩn, một bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, trong trường hợp này hung thủ hoàn toàn đủ năng lực trách nhiệm hình sự và y phải chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi phạm tội của mình.

Hình ảnh cắt từ clip về hành vi xâm hại trẻ em của Nguyễn Thành Dũng.

Thông thường, các đối tượng có hành vi lệch chuẩn, xâm hại trẻ em thường có nhu cầu, ham muốn mãnh liệt đối với việc được hành hạ, xâm hại trẻ em và có hứng thú đặc biệt với hành vi này. Đây chính là động cơ thúc đẩy chúng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn đó, các đối tượng sẽ có sự cân nhắc, tính toán, lên kế hoạch thực hiện bằng được hành vi xâm hại trẻ, thậm chí chúng có thể tốn nhiều công sức, tiền bạc và phải phối hợp với nhau để hành động.

Trường hợp của Nguyễn Thành Dũng thể hiện khá rõ qui luật này: nạn nhân chúng nhắm đến là trẻ em nhỏ tuổi, con em của các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện quan tâm, chăm sóc con cái; chúng làm quen, tiếp cận, tạo sự tin cậy của cha mẹ các em, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận, xâm hại các em; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng khi thực hiện hành vi xâm hại (đối tượng thực hiện, đối tượng quay clip)…

Mặt khác, khi đã được thỏa mãn nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn, xâm hại trẻ em, đối tượng có hành vi xâm hại thường muốn kéo dài cảm giác thỏa mãn đó bằng cách lưu giữ hình ảnh, tài liệu phản ánh về hành vi của mình và thôi thúc chúng tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại, tìm đến các nạn nhân khác.

Nguyễn Thanh Dũng cũng vậy, nếu là hành vi bột phát y sẽ cảm thấy “sợ chính mình” như lời khai của y mà xóa đi những clip đó. Nhưng không, y vẫn giữ lại nguyên vẹn 48 clip, thậm chí còn có thể có nhiều hơn vậy để tiếp duy trì cảm giác thỏa mãn của y. Do đó, Cơ quan điều tra cần phải khai thác khía cạnh này, để tiếp tục tìm ra những chứng cứ và nạn nhân khác (nếu có), để có thể làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của y và đồng bọn.

Nhu cầu, hứng thú hành hạ trẻ em của Nguyễn Thành Dũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, để lý giải nguyên nhân chính dẫn đến hành vi xâm hại trẻ của đối tượng này không phải là dễ dàng, đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực tâm thần học.

Các đối tượng có nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn với việc xâm hại trẻ em thường xuất phát từ sự “ám ảnh vô thức” do bản thân từng bị bạo hành, bị xâm hại khi còn thơ ấu hoặc do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài như phim ảnh bạo lực, đồi trụy… Tuy nhiên, cũng không loại trừ yếu tố sinh học của bệnh lý này do rối loạn hormone, tổn thương thần kinh hoặc rối loạn gien.

Đối với trường hợp của Nguyễn Thành Dũng, tôi nghiêng về nguyên nhân sinh học do rối loạn hormone sinh dục (Nguyễn Thành Dũng có quan hệ tình dục đồng giới với đối tượng Stephan Struik, nghi can là đồng phạm của y) và có thể y bị “ám ảnh vô thức” vì đã từng bị bạo hành, xâm hại thời thơ ấu.

Theo đó, mặc dù đây không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, bắt buộc phải chứng minh, nhưng sẽ là rất cần thiết cần phải tìm hiểu, làm rõ để lý giải về nguyên nhân hình thành động cơ hành hạ trẻ em của Nguyễn Thành Dũng, từ đó có hình thức, biện pháp phòng ngừa xã hội không để tiếp tục xuất hiện thêm đối tượng “biến thái” có hành vi xâm hại trẻ.

Dạy cho trẻ thực hiện nguyên tắc “Không đi với bất kỳ ai khi chưa được cha mẹ cho phép”.

Để phòng chống hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ huynh cần trang bị cho con trẻ và bản thân một số kỹ năng cơ bản sau:

- Đối với trẻ, ít nhất cha mẹ cần phải huấn luyện cho trẻ một số kỹ năng sau:

+ Nhận biết giới tính, bộ phận nhạy cảm trên cơ thể có thể bị tác động, xâm hại;

+ Nhận biết nguy cơ bị xâm hại;

+ Thực hiện nguyên tắc từ chối đi với người quen hoặc lạ, bất kỳ ai khi cha mẹ chưa cho phép;

+ Tâm sự với cha mẹ về những gì đã trải qua khi không ở cùng cha mẹ.

- Đối với cha mẹ, cần phải thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:

+ Thường xuyên giám sát con trẻ, không để trẻ ở nhà khi không có người lớn, không giao trẻ cho người chưa tuyệt đối tin tưởng;

+ Thường xuyên tâm sự hỏi han con về những trải nghiệm khi không có cha mẹ ở bên, kiểm tra dấu hiệu xâm hại trên cơ thể trẻ, đánh giá biểu hiện thái độ, hành vi bất thường của trẻ có khả năng bị xâm hại;

+ Mọi trường hợp, khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ cần báo với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tránh thỏa hiệp hoặc e ngại bị trả thù, sợ không đủ chứng cứ buộc tội hung thủ mà không dám tố cáo.

Tác giả bài viết: TS. Đoàn Văn Báu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok