Giáo dục

Chuyển đổi giáo viên, không ép buộc và đừng "vơ bèo vạt tép"

Năm 2017, một trong những vấn đề mà ngành giáo dục ưu tiên giải quyết là xử lý số lượng lớn các giáo viên bị dôi dư, tình trạng thừa – thiếu ở các bậc học.

Nhức nhối chuyện thừa – thiếu giáo viên

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT công bố tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017, ngành giáo dục đang có tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ tại các bậc học. Có một nghịch lý là, trong khi số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người thì vẫn thiếu đến 45.058 giáo viên tại các cấp học khác.

Trong đó, bậc học thừa giáo viên nhiều nhất là THCS với trên 21.000 người và bậc học thiếu giáo viên trầm trọng là bậc mầm non với trên 32.600 người.

Nguyên nhân của sự mất cân đối được chỉ ra là do quá trình đào tạo, tuyển dụng thiếu dự báo, thiếu quy hoạch tổng thể và tác động của việc tăng, giảm dân số cơ học.

Theo đó, giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra là đào tạo lại số giáo viên này để chuyển xuống dạy tại các bậc học dưới, trong đó có cả bậc học mầm non.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc điều chuyển này nếu không được triển khai cẩn thận sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc bởi những đặc thù khác biệt của hai bậc học này.

giaovienmamnon
Tránh “vơ bèo gạt tép” khi chuyển đổi giáo viên (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)

Bởi mỗi ngành học, cấp học lại có một đặc thù khác nhau, giáo dục mầm non khác với tiểu học, trung học rất nhiều, vì giáo dục mầm non là trông giữ, nuôi dạy trẻ. Phải có tình yêu và năng khiếu mới làm được.

Xung quanh những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô.

Đây là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.

“Trước thực trạng các địa phương tổ chức bồi dưỡng cho số giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non chỉ 5-6 tuần, Bộ GD&ĐT thấy rằng việc làm đó là chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi công văn tới UBND các tỉnh yêu cầu dừng việc tổ chức bồi dưỡng lại.

Bộ cũng đã yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thiết kế một chương trình đào tạo để đào tạo lại bằng văn bằng 2 cho đối tượng này. Hiện, chương trình đào tạo đó đang được các chuyên gia góp ý, thẩm định từ đó đưa ra để đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo viên mầm non”, Thứ trưởng Nghĩa thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng các tiêu chí để lựa chọn đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng điều kiện đầu vào, có những năng khiếu như hát nhạc, kể chuyện, mỹ thuật… phù hợp để đứng lớp dạy mầm non.

“Trên cơ sở sàng lọc để đảm bảo điều kiện đầu vào thì khi đào tạo chúng ta mới đảm bảo chuẩn đầu ra. Trong quá trình đào tạo, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình này.

Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên và việc kiểm tra giám sát thì chúng tôi cam kết với xã hội hướng tới một đội ngũ giáo viên có chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non”, Thứ trưởng khẳng định.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có dự kiến giao cho Đại học Hồng Đức lên chương trình đào tạo lại số giáo viên dư thừa của các cấp, để xuống dạy mầm non, bổ trợ cho hơn 1.800 giáo viên mầm non còn thiếu.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tạm dừng để Bộ lên kế hoạch và khung đào tạo, từ đó áp dụng chung cho các tỉnh cũng trong tình trạng thừa giáo viên các cấp và thiếu giáo viên mầm non.

Theo kế hoạch, tháng 3/2017, Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải trình lên Bộ GD&ĐT khung chương trình cho kế hoạch chuyển đổi giáo viên này.

Không ép buộc giáo viên điều chuyển

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, chúng ta cần tính toán để chuyển đổi cho phù hợp mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Thầy Lâm nêu, trước hết cần nêu rõ các yêu cầu về nghiệp vụ giảng dạy ở bậc mầm non để giáo viên tiểu học, trung học nắm được.

Thứ hai, việc điều chuyển giáo viên theo chương trình phải căn cứ trên tinh thần tự nguyện của thầy cô chứ không ép buộc. Và tất nhiên phải chọn những người có khả năng chứ không phải giáo viên phổ thông nào cũng thuộc diện chuyển đổi.

Thầy Lâm cũng lưu ý, đối với những giáo viên không tự nguyện điều chuyển thì buộc giáo viên đó phải tự tìm giải pháp khác trong lúc chờ đợi chính sách phù hợp của Nhà nước.

Hơn nữa, việc dôi dư, thừa thiếu giáo viên hiện nay đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành do vậy, ngành giáo dục nên tính toán đến việc điều động, mở rộng giữa các địa phương, tránh tình trạng giáo viên tỉnh này thiếu, nhưng tỉnh lân cận lại thừa.

TS.Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, nhất định chúng ta phải tổ chức đào tạo lại, nhưng thời gian là bao lâu thì các nhà hoạch định chính sách phải tính toán dựa trên đặc điểm tâm sinh lý, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc để căn cơ thời gian bổ sung cho phù hợp, tránh lãng phí.

Đặc biệt, khi đã đào tạo, bồi dưỡng lại buộc phải có đánh giá, nếu giáo viên đó đạt chuẩn thì mới được dạy, tránh tình trạng “vơ bèo gạt tép”.

“Nếu làm tốt những điều đó thì chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ giáo viên mầm non chất lượng, quy mô bài bản. Đây chính là cơ hội mới để thay đổi chất lượng giáo dục”, TS.Tùng Lâm kỳ vọng.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok