Thể thao

Chuyện “đắng lòng” ở CLB SHB Đà Nẵng

Ngót 2/3 đội hình Đà Nẵng dự V.League 2017 đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Điều gì đang diễn ra ở một nơi từng rất phồn thịnh về bản sắc địa phương?

1. Năm 2009, trong lễ diễu hành mừng cú đúp vô địch V.League và Cúp quốc gia, người hâm mộ Đà Nẵng vừa vui vừa phấn khởi. Bởi ngoài chiến công hiển hách có 1 không 2 của thầy trò Huỳnh Đức, tuyến U21 của họ cũng vừa thâu tóm nốt danh hiệu ở cấp độ này.

Quân lực đội 1 còn đang ở độ chín, vậy mà lứa sau đã ngấp nghé vươn lên. Đó thực sự là một điềm lành cho tương lai của đội bóng sông Hàn. Nhưng chỉ tiếc là, chiếc cúp danh giá ấy chỉ trở lại đây thêm lần nữa 3 năm sau đó.

SHB Đà Nẵng không phải "mảnh đất lành" cho người nhà.

Tính từ lần cuối cùng bước lên đỉnh cao nhất, những thành phẩm ưu tú nhất do chính CLB đào tạo cứ thay phiên nhau rời đi. Năm 2011, đại diện đầu tiên của lứa 1987 Trần Văn Học bỏ về Khánh Hòa vì muốn đá chính nhiều hơn. Năm 2015, đến lượt “ngựa chứng” Phan Thanh Hưng và Hà Minh Tuấn cùng tìm đường “thoái lui” về xứ Quảng.

Hay gần đây nhất, có Nguyên Sa và Quách Tân, ngược về Bắc khoác áo Than Quảng Ninh ngay trước thềm V.League 2017. Trong khi những người ở lại, như Hoàng Quảng hoặc Duy Lam, phải cạnh tranh khốc liệt với “người ngoài” để nhen nhóm hy vọng xung trận.

Những người trẻ hơn, và cũng là đại diện ưu tú cuối cùng của hệ thống đào tạo, cũng chẳng lấy gì làm sung sướng. Lứa 1994, tiêu biểu với Thái Sung hay Ngọc Thắng, vì nhiều lý do khác nhau, dần bị bỏ lại. Còn cầu thủ tốt nhất của đội U17 đăng quang giải toàn quốc năm 2013 Phan Văn Long thậm chí chỉ mới ra sân 75 phút/ 3 mùa!

2. Bản sắc Đà Nẵng nhạt phai chưa chắc đã là một sự vô tình. Ngay từ hồi mới về Chi Lăng, Huỳnh Đức đã nhiều lần tìm cách đưa “người” từ miền trong về đội để “làm loãng” chất địa phương. Cũng như nhiều nhà cầm quân khác cả trong lẫn ngoài nước, mục đích là nhằm khuếch trương tiếng nói và giảm những mối “đe dọa” tiềm ẩn (nếu có) từ nguồn lực đang sở hữu.

Trong đó, tên tuổi và uy lực có thể kể đến Minh Phương hay Ngọc Thanh. Còn loại trung bình hoặc kém tiếng hơn thì không đếm xuể với Quốc Thanh, Minh Thông rồi Thành Trung – vốn là những người được đưa về từ “chốn cũ” của tướng Đức.

SHB Đà Nẵng.

Huỳnh Đức vốn dĩ không thỏa hiệp với cầu thủ. Thuận thì theo, chống thì "chết". Tính cách nóng nảy, cứng nhắc và có phần quân phiệt hẳn nhiên khiến các học trò người Quảng-Đà không thuận lòng.

Nhưng để chống lại người từng được đích thân ông Nguyễn Bá Thanh cho mời về từ Sài thành, và trao toàn bộ ấn kiếm “sinh sát” ngay từ thời còn thi đấu, quả là điều không tưởng. Ngay đến cả với người trả lương cho mình, tướng Đức còn không một chút câu nệ thì huống hồ là học trò?!

Đầu mùa V.League 2015, Đà Nẵng chơi không tốt khi chỉ giành vỏn vẹn 1 điểm/ 5 trận. Tình hình căng thẳng đến nỗi xuất hiện nhiều “thuyết âm mưu” cho rằng, cầu thủ bắt đầu “phản kháng” trước cách cầm quyền của họ Lê.

Để kịp bình ổn “chiến sự”, bầu Hiển buộc phải thân chinh bay vào bờ sông Hàn để luận bàn về tương lai của đội. Trong buổi họp ấy, Huỳnh Đức chẳng những không e dè mà còn phát biểu cứng rắn, đại ý ông chủ muốn giữ thì tốt mà không thì cũng chẳng vấn đề gì.

Ông Hiển nóng mặt và những tưởng sẽ phê chuẩn quyết định cho Đức rời đi. Nhưng rốt cuộc, ngoài một số thay đổi ở cấp thượng tầng, trong đó có sự ra đi của Phó TGĐ Trần Minh Toàn và hàng loạt HLV ở tuyến trẻ, vị trí thuyền trưởng của cựu tiền đạo CA.TPHCM vẫn được giữ vững.

3. Sau đợt “thay máu” ấy, quá trình “làm loãng” chất địa phương không hề có dấu hiệu ngừng lại, thậm chí còn bùng nổ mạnh mẽ hơn với lý do tuyến hậu ngày một suy yếu. Đến V.League 2017 thì ngót 2/3 quân số đã là người từ các địa phương khác đổ về.

Từng có giai thoại rằng, Huỳnh Đức không muốn làm việc với cầu thủ gốc Bắc vì ngại cá tính rất quái của người nơi đây khiến công tác quản quân gặp khó. Thế mà mấy năm qua, Chi Lăng rồi Hòa Xuân sau này, bỗng nhiên chứng kiến không ít cái tên từ miền ngoài xuôi về đầu quân.

Nói thế để thấy, dù Đà Nẵng thiếu người kiểu gì kiểu nào thì lực lượng địa phương cũng chưa bao giờ là lựa chọn tin cẩn đầu tiên trong đôi mắt của HLV họ Lê. Ở một nơi giàu truyền thống về bản sắc con người như bờ sông Hàn, chuyện ấy thật khó để cam lòng.

Đào tạo trẻ sa sút vì thiếu kinh phí?

Bóng đá trẻ Đà thành từng được liệt vào những trung tâm đào tạo hàng đầu Việt Nam và luôn cung cấp nhiều cầu thủ chất lượng cho các ĐTQG. Tuy nhiên, quyết định giải tán lứa U11 và U13 năm 2011 vì lý do thiếu kinh phí đã dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Trong đó, các tuyến trẻ ngày càng sa sút và bị loại sớm ở các giải đấu do không có lực lượng kế thừa tương xứng. Năm 2016 trở thành đỉnh điểm của sự thất vọng khi Đà Nẵng không thể cử nổi đội U21 tham dự giải toàn quốc.

Người hâm mộ Đà Nẵng rõ ràng không thể mường tượng nổi chuyện gì đang diễn ra?! Bởi cần phải biết là, trong 1 thập kỷ trước đó, đội U21 của họ đã vô địch QG 3 lần. Trong khi đội U17 cũng “chạm” đỉnh 4 lần và đội U15 là 1 lần.

Về mặt khách quan, Đà Nẵng còn hội tụ được rất nhiều điều kiện để phát triển bóng đá. Trong đó, ngoài việc là một trung tâm kinh tế lớn, cơ sở vật chất thuộc hàng đầu cả nước, lãnh đạo thành phố và NHM luôn ủng hộ, họ còn được chống lưng bởi một ông bầu giàu có và rất “máu” bóng đá.

Thế nên, việc lãnh đạo đội bóng lấy lý do kinh phí để bào chữa cho công tác đào tạo yếu kém, điều đó liệu có hợp lý?!

Tác giả: Phong Thu - Ngọc Linh

Nguồn: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok