Toàn cảnh xóm chài. Ảnh: Ngọc Hưng |
Những phận đời lay lắt nhờ con tôm, con cá…
Trong lòng TP Thanh Hoá phồn hoa nhộn nhịp, nếu có dịp ngang qua cây cầu Sâng (bắc qua con sông Sâng) ước chừng chục mét, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp phía dưới thân cầu là những nóc thuyền mộc cũ kỹ đang dập dềnh, ẩn mình nhỏ nhoi. Những chiếc thuyền được giằng níu với đôi bờ đất lở, ở đó một sự đối lập đến đau lòng giữa một bên là cuộc sống của những hộ dân vạn chài sông nước nghèo rớt mùng tơi với một bên là những thị dân thị thành đầy đủ, giàu có.
Họ đều là những người có khẩu sổ thị dân chính hiệu, nhưng khoảng cách thì một trời xa cách. Với người vạn chài, họ luôn phải sống chung với cảnh thiếu điện, thiếu nước, thậm chí thiếu học, chịu chung với ô nhiễm sông nước, bệnh tật…
Từ trên vỉa hè cầu Sâng nhìn xuống xóm vạn, những làn khói sớm trong sương mù toả lên từ những mạn thuyền, những cái đầu lấp ló của trẻ thơ đang ngơ ngác qua mỗi ô cửa, một vài thanh niên đang tụ một góc chuyện trò bên tách nước chè nóng ấm. Bước chân xuống chiếc thuyền nhỏ của bà Nguyễn Thị Thơm (68 tuổi), chúng tôi cảm thấy nao lòng khi chứng kiến bà đang bồng bế đứa cháu nội mới 2 tuổi.
Để giữ cháu không bị rơi, bà Thơm đành lấy một chiếc dây dù quấn quanh người hai bà cháu. Bà Thơm bảo, làm vậy để cho cháu khỏi bị ngã xuống sông, tránh những trường hợp đau lòng do sơ sẩy. “Từ nhỏ đến giờ tôi đã gặp không ít những cặp vợ chồng cũng chỉ vì mải mê công việc, lơ đễnh con cái rồi đến khi "thần sông" bắt những đứa trẻ tội nghiệp đó đi thì họ mới đau xót khóc dòng…”, bà Thơm nói.
Bà Thơm cho biết, khu vạn chài này ngày trước có tên là "làng chài Thành Công", khi đó có cả trăm hộ dân sinh kế từ con tôm, con cá. Thời gian qua, họ ly tán đi nhiều nơi khác nhau ở các vùng sông nước các huyện vùng ven; có người lên cạn lập nghiệp; có người được nhà nước hỗ trợ lên khu tập chung… Bây giờ chỉ còn khoảng 30 hộ (chưa kể những hộ nằm rải rác trên những đoạn sông khác) vẫn tụm lại khúc sông cầu Sâng.
Bà Thơm lấy chồng khi mới 16 tuổi và cũng chẳng phải xuất phát từ tình yêu đôi lứa, mà đến với nhau theo cái lệ “mẹ cha đặt đâu con ngồi đó”. Thế mà rồi câu chuyện chung chăn, chung gối dưới một mái thuyền cũng thấm thoắt được mấy chục năm, bà Thơm có 5 người con nay đã trưởng thành và lập gia thất. Ôm đứa trẻ vào lòng, ánh mắt đăm chiêu qua khung cửa thuyền, nét mặt trầm buồn như níu không gian đứng lặng, bà hồi nhớ lại những tháng ngày cật vất lo toan thuốc men, chạy vạy vay mượn để lo chữa bệnh cho chồng đến khổ.
Năm 1997, chồng mất, bà Thơm một thân lo toan kinh tế gia đình, nuôi nấng dạy dỗ rồi lập gia thất cho 5 người con. Bà bảo, xóm chài này còn nhiều hoàn cảnh éo le bi đát hơn bà. Chỉ tay về phía bên kia mạn thuyền, bà Thơm thở dài: “Các chú có thấy bà cụ đang nhóm lửa kia không. Bà ấy là Nguyễn Thị Thư, mới chỉ ngoài 70 tuổi mà như đã 80, một thân một mình lủi thủi phải tự lo kiếm ăn hàng ngày. Dù có tới 5 người con, nhưng đứa nào cũng nghèo nên không thể giúp đỡ mẹ. Bà Thư như hiểu và thương con cái nên đứa nào bảo bà về ở chung bà cũng không chịu, quyết ở một mình cho các con đỡ phải lo”.
Trăn trở!
Bà Thơm và cháu nội 2 tuổi. |
Cảnh sông nước lênh đênh, con cá con tôm mỗi ngày khan hiếm, kiếm một công việc trên cạn đối với những người dân xóm chài không phải chuyện dễ. Dù thế, xóm chài này vẫn không ngừng tăng hộ, thêm thuyền, bởi trái ngang là họ đẻ rất nhiều, dù gia đình không còn cái gì để ăn họ vẫn đẻ. Theo quan niệm của người dân chài thì “càng đông con càng có phúc”. Trong lòng thuyền chưa đầy 2m2, câu chuyện của đôi vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Chinh (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Phúc (63 tuổi) như một minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Vợ chồng ông Chinh có tới 9 người con và mấy chục đứa cháu mà ông bà không điểm hết tên. Ông Chinh tự hào về đông con, đông cháu, còn chúng tôi thì chỉ thấy một sự nghèo khổ đang bủa vây cả gia đình, cả xóm vạn chài này. Ông Chinh cho hay, các con đều sống trong xóm chài này, vẫn qua lại cơm nước cùng hai ông bà.
Chỉ duy nhất điều khiến ông phiền muộn là anh con trai thứ tư Nguyễn Văn Hồng bị ảnh hưởng chất độc da cam không đi lại được, trong khi anh là trụ cột trong gia đình nhỏ với vợ và hai mặt con. “Cuộc sống mưu sinh của vợ chồng chúng nó chỉ biết trông chờ vào con cá, con tôm nhưng tình trạng sông nước thế này chúng tôi cũng lo lắm”, ông Chinh thở dài.
Chúng tôi ghé sang thuyền anh Nguyễn Văn Hồng (31 tuổi, con trai ông Chinh) khi có một vài thanh niên xóm vạn cũng đang quây tròn bên tách nước chè với những câu chuyện phiếm. Anh Hồng với đôi chân teo tóp không thể đi lại cho biết: “Xóm vạn chài chúng tôi chỉ mong sao sớm được Nhà nước cho cái suất lên tái định cư như các hộ dân khác. Chứ cảnh sông nước thế này chúng tôi cũng hãi lắm rồi”.
Nói rồi anh Hồng chỉ tay xuống dòng sông bảo: “Cái thứ nước này đã hại chết bao người bằng bệnh tật nhưng người dân vẫn phải dùng để sinh hoạt tắm rửa cho con cái".
Anh kể ra một loạt các điểm gây ô nhiễm dòng nước từ những nhà máy của khu công nghiệp, đến nước thải từ nhà vệ sinh của người dân dọc tuyến sông... Để có nước dùng thì các hộ vạn chài phải mua nước của những hộ dân trên cạn. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất vẫn còn một số hộ do hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể cho con cái đến trường hết tiểu học rồi nghỉ, nhiều nhà do đẻ nhiều thì không có đủ khả năng cho con đến trường phải cậy nhờ các lớp học tình thương.
Bà Nguyễn Thị Tâm – Chủ tịch UBND phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) không giấu được niềm trăn trở. Bà Tâm chia sẻ: "Ngày trước làng chài ven cầu Sâng đông đúc lắm, càng về sau thì các hộ hoặc lên bờ hoặc đi xa di tản đến nay chỉ còn khoảng 7 hộ neo đậu cố định. Các hộ khác thì chỉ tập trung neo đậu về đêm, ngày lại di tản ra các khúc sông khác mưu sinh. Do thích ứng với cuộc sống đô thị, nhiều thanh niên trai tráng đã biết lên bờ đi làm thuê, làm mướn, chị em phụ nữ biết buôn bán con cá, con tôm. Đặc biệt, 36 hộ được tái định cư lên bờ đợt 1 đã cơ bản có cuộc sống ổn định. Hiện còn một số hộ vẫn đang chờ, khao khát được lên cạn, có cuộc sống ổn định, đó là niềm trăn trở của chính quyền, niềm mong mỏi của người dân". |
Tác giả: Ngọc Hưng
Nguồn tin: giadinh.net.vn