Giáo dục

Chuyện buồn 
của “người đưa đò”

Cô giáo Trần Thị Thùy Linh đã viết một bức thư cho báo Tuổi Trẻ, cầu mong một phép mầu sẽ đến với hai đứa con của người cô quá cố của mình, vốn là một giáo viên.


6ef82c0c
Hai em Võ Thanh An (18 tuổi, trái) và Võ Trọng Hiếu (17 tuổi) - Ảnh: Mậu Trường

Trong thư có đoạn viết: “Năm 2011, sau hơn 4 năm chống chọi với những cơn đau, cô đã ra đi, để lại hai con thơ dại. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 6 phải nương tựa vào người dì ruột, hai đứa học rất giỏi...”. “...Với đồng lương ít ỏi của người dì cũng là giáo viên tiểu học - vừa phải gửi tiền ăn cho hai cháu hơn một nửa, vừa phải trả nợ ngân hàng - nên cuộc sống của mấy dì cháu rất khó khăn, vả lại dì cũng gần đến tuổi nghỉ hưu. Đến lúc đó tôi chỉ sợ hai em phải bỏ học giữa chừng...” - bức thư viết tiếp.

Cô giáo có cuộc đời bất hạnh

Cô giáo đó là cô Lâm Thị Năm (sinh năm 1968, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), còn hai người con trai của cô là em Võ Thanh An (18 tuổi) và Võ Trọng Hiếu (17 tuổi). Hiện một em đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, một em cuối cấp III. An và Hiếu đang sống trong căn nhà tranh vách tôn nằm nép bên con lộ đang làm dở. Căn nhà từng là tổ ấm của ba mẹ con cô Lâm Thị Năm giờ xiêu vẹo do ảnh hưởng của trận bão Durian năm 2006 và đã lâu không được sửa sang.

Kể về người cô từng dìu dắt mình những năm tiểu học, cô Trần Thị Thùy Linh nói: “Không chỉ dạy giỏi, cô Năm còn sống rất tình cảm và thương học trò hết mực. Chỉ tiếc cuộc đời cô quá bất hạnh...”. Cô Lâm Thị Năm từng là giáo viên giỏi của Trường tiểu học Hưng Nhượng.

Đến năm 1997, cô lập gia đình và chuyển chỗ dạy về gần quê chồng. Chuỗi đời cơ cực của cô bắt đầu từ đây. Người chồng không nghề nghiệp ổn định, thường xuyên rượu chè, đánh đập vợ khiến cô Năm cùng hai người con không thể chịu nổi, đành phải khăn gói ra đi sau ba năm chung sống.

Ba mẹ con dắt díu nhau về nhà mẹ ruột, cô Năm xin chuyển công tác về lại Trường tiểu học Hưng Nhượng. Dù ba mẹ cô đã mất, nhưng nhờ sự bảo bọc của người chị thứ ba Lâm Thị Ba cũng là giáo viên, nên cuộc sống của mấy mẹ con cô Năm cũng tạm đủ sống qua ngày.

Những tưởng đồng lương giáo viên của hai chị em sẽ nuôi sống cả gia đình bốn miệng ăn, giúp các con ăn học nên người, nhưng những xui rủi vẫn không buông tha cuộc đời của cô giáo Năm.

Sức khỏe cô Năm vốn không tốt với căn bệnh viêm gan B chưa được điều trị dứt điểm. Thêm nữa, đến năm 2006, trong lần đi xét nghiệm tại một bệnh viện ở TP.HCM, cô Năm như chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư đại tràng.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cơn bão Durian cũng trong năm đó đã khiến căn nhà của ba mẹ con bị tốc mái, xiêu vẹo, nước tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn... Đồng lương ít ỏi của giáo viên lúc này không đủ tiền cho những chuyến xe đi tái khám, bốc thuốc cho cô Năm...

Cảm thương cuộc sống cơ cực của cô giáo nghèo, Liên đoàn Lao động, Công đoàn giáo dục huyện Giồng Trôm và mạnh thường quân đã hỗ trợ cùng với số tiền vay của cô Năm, dựng cho cô một căn nhà tường.

Nhưng đến năm 2008 sức khỏe suy kiệt, không thể trụ nổi trên bục giảng, cô Năm đành viết đơn xin nghỉ việc sau hơn 20 năm làm nghề giáo. Năm 2011, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, cô Năm mất, để lại hai con trai đang tuổi ăn học bơ vơ và một món nợ chưa trả hết.

“Em muốn học đại học, nhưng...”

Ngày mẹ mất, An học lớp 7, còn Hiếu học lớp 6. Cô Lâm Thị Ba - giáo viên Trường THCS Hưng Nhượng, là dì ruột - đã nhận nuôi hai em. “Năm mẹ mất, cả hai đứa học hành sa sút vì suốt ngày buồn chán, nhớ thương mẹ.

Chiều, nhìn qua nhà hàng xóm thấy cha mẹ, anh em nhà người ta vui đùa, hai anh em An, Hiếu lại chui vào giường của mẹ nằm ôm nhau khóc. Thấy cảnh đó, tôi hứa với lòng sẽ thương yêu và chăm sóc hai đứa như con ruột, nhất định không để đứa nào phải nghỉ học giữa chừng” - cô Lâm Thị Ba nhớ lại.

Cũng từ đó, đồng lương giáo viên ít ỏi của cô Ba đã giúp hai em nuôi lớn dần những ước mơ. Năm thi lên lớp 10, cả huyện chỉ có một mình An đậu vào Trường THPT chuyên Bến Tre. Sau khi nhập học được hơn một tháng, với thành tích học tập xuất sắc, An được cấp học bổng tại Trường Quốc văn Cần Thơ. Tiếp nối anh, Hiếu cũng đạt thành tích xuất sắc và tiếp tục được chọn vào Trường Quốc văn Cần Thơ học khi lên lớp 10. Cả hai anh em được miễn học phí trong ba năm học ở đây.

Dù được miễn phí nhiều khoản, nhưng mỗi tháng cô Ba vẫn phải trích ra 4,5 triệu đồng gửi cho hai anh em mua sắm, ăn học. “Càng ngày chi phí học của hai đứa càng tăng, trong khi đó qua năm nay là tôi nghỉ hưu rồi, không biết có đủ sức để lo cho một đứa vào đại học và một đứa cuối cấp với đồng lương hưu ít ỏi hay không. Nhà lại không có ruộng đất để làm thêm” - cô Ba nói.

Gặp hai em tại bến xe Bến Tre (tỉnh Bến Tre) vào một ngày giữa tháng 6, nét hồn nhiên vốn có ở độ tuổi của hai em đã biến mất, thay vào đó là những cái nhíu mày và nét đăm chiêu khi nói về dự định tương lai. An cho biết: “Em vẫn hi vọng được đi học đại học, dù phải đi làm thêm hay thậm chí qua năm sau”. Ước mơ của chàng trai tuổi 18 này là thi vào ngành cơ khí ôtô của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Còn Hiếu tổng kết lớp 11 xếp thứ nhì lớp. Nhưng Hiếu vẫn chưa dám mơ vào đại học, vì “trước mắt phải có tiền để lo cho anh An đi học xong đã rồi em mới dám tính tiếp”. Suy nghĩ già dặn, chín chắn của hai anh em khiến tôi nhớ đến câu chuyện của cô Lâm Thị Ba kể lại.

Trong một lần từ Cần Thơ về thăm dì, đến ngã ba Trung Lương xe trả khách, hai anh em sợ tốn tiền nên không dám đi xe ôm. Sau đó hai em đi nhờ xe khách được một đoạn và đi bộ gần 20km về đến TP Bến Tre.

4 nội dung chính của “Đồng hành cùng người thầy”

Theo ông Phan Văn Đắc - trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 1 (2016-2018) gồm bốn nội dung chính:

* Giải thưởng bài viết hay “Đồng hành cùng người thầy”: trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải, kỷ niệm chương của ban tổ chức) về những thầy cô giáo có tâm, có tài, kiên cường bám trụ với nghề và hết lòng với học trò nhưng không may gặp khó khăn.

Học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp của thầy cô giáo, phóng viên và tất cả bạn đọc đều có thể gửi bài tham dự giải thưởng này (nếu không tham dự giải thưởng bài viết hay thì có thể viết thư giới thiệu giáo viên xứng đáng được trợ vốn). Bài viết dự thi phải là người thật việc thật, nội dung đảm bảo chính xác, độ dài không quá 1.700 từ, chưa từng đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

* Trợ vốn cho dự án kinh tế gia đình: chương trình xem xét trợ vốn không tính lãi suất trong thời hạn hai năm, mỗi suất trợ vốn có trị giá 5-20 triệu đồng (theo giá trị dự án được thẩm định).

* Hỗ trợ tư vấn làm kinh tế gia đình: nhóm tư vấn sẽ xác minh, khảo sát các nguồn lực, tư vấn và hỗ trợ làm dự án kinh tế gia đình. Dự kiến tổ tư vấn gồm 1-3 người của địa phương nơi giáo viên được giới thiệu và có khả năng nhận được vốn vay.

* Hỗ trợ cho con của giáo viên: xem xét cấp học bổng, phương tiện học tập, hỗ trợ một phần chi phí điều trị bệnh... cho con giáo viên vượt khó học giỏi, hiếu thảo... để giáo viên yên tâm bám lớp.

Tác giả bài viết: MẬU TRƯỜNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok