Giáo dục

Chuyện bi hài ở ngành giáo dục Cẩm Xuyên: Có dấu hiệu hình sự

Không những lập danh sách "ma", khai khống trẻ mà tại Trường Mầm non xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) còn có sự nhập nhèm tài chính.

Hà Tĩnh: Trường mầm non kê khống số học sinh để... chạy thành tích
Những câu chuyện bi hài khó lý giải ở ngành giáo dục Cẩm Xuyên

Có dấu hiệu hình sự

Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, nhiều năm liền tại Trường Mầm non xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ở mỗi lớp học đều tồn tại 2 danh sách trẻ khác nhau: Một danh sách thực tế số cháu theo học tại trường và một danh sách khống để báo cáo. PV nghi vấn việc làm này của nhà trường nhằm mục đích để hưởng các chế độ chênh lệch vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 131/QĐ-TTg.

Sáng ngày 28/2, ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng GDĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết, ngay sau khi báo Người Đưa Tin phản ánh, phòng đã thành lập một tổ công tác, về trường tiến hành thanh kiểm tra.

"Kết luận sơ bộ ban đầu cho thấy, có sự việc Trường Mầm non xã Cẩm Hòa lập danh sách khống trẻ như báo phản ánh. Quan điểm của phòng là sai đâu sẽ xử lý đến đó. Nếu đúng trường có dấu hiệu cố tình lập danh sách khống để nhằm mục đích tư lợi thì phòng sẽ xử lý nghiêm”, ông Hiền khẳng định.

trong mam non cam hoa
Giáo viên Trường Mầm non xã Cẩm Hòa đã lập khống danh sách trẻ

Cùng ngày, PV đã có cuộc trao đổi với Đại úy Lê Viết Đường, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên. Đại úy Đường cho biết, sau khi đọc được thông tin phản ánh trên báo Người Đưa Tin, bước đầu nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự nên đơn vị đang vào cuộc điều tra, làm rõ.

Đáng nói, trong quá trình tìm hiểu các sai phạm tại Trường Mầm non xã Cẩm Hòa, chúng tôi còn nhận được rất nhiều phản ánh của phụ huynh về những bất cập trong thu, chi tại ngôi trường này.

Nhập nhèm tài chính

Một phụ huynh (xin dấu tên) có con học lớp 4 tuổi của trường này cho biết, vào đầu năm học 2015 – 2016, nhà trường thu tiền để mua tài liệu học tập cho trẻ ở tất cả các lớp tuổi gồm dụng cụ học tập và đồ chơi. Tuy nhiên, số dụng cụ này đều do nhà trường tự ý đi mua mà không hề thông qua phụ huynh như quy định. Thậm chí, dù năm nào cũng phải đóng góp một khoản không nhỏ để mua dụng cụ học tập và đồ chơi cho trẻ nhưng chính con họ lại không được sử dụng.

“Chúng tôi không tiếc tiền để mua dụng cụ học tập cho con nhưng vấn đề ở chỗ, bỏ tiền ra nộp cho nhà trường nhưng con chúng tôi lại không hề được chơi, được học”, một phụ huynh khác bức xúc nói.

trong mam non cam hoa 1
Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Cẩm Hòa.

“Chúng tôi chưa thấy năm nào nhà trường để cho phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm tự đi mua dụng cụ học tập cho trẻ. Tất cả đều do nhà trường tự thu rồi tổ chức đi mua và thực tế cũng chỉ mua khoảng 2/5 tổng số tiền đã đóng nộp”, một phụ huynh khác thẳng thắn cho biết.

Theo tìm hiểu, hàng năm vào đầu năm học, nhà trường đều thu một khoản tiền tài liệu để phục vụ cho việc học tập và vui chơi của các cháu. Cụ thể, trong năm học 2015 – 2016, đối với lớp trẻ 2 tuổi nhà trường thu 150 nghìn đồng/cháu; lớp 3 tuổi: 200 nghìn đồng/cháu; lớp 4 tuổi: 250 nghìn đồng/cháu và lớp 5 tuổi là 300 nghìn đồng/cháu; tổng thu là 51.059.000 đồng. Ngoài ra, trong bảng danh sách nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập theo chế độ vùng bãi ngang ven biển do UBND huyện Cẩm Xuyên chi trả về trường cũng bị bỏ trống rất nhiều ô ở phần ký nhận.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Cẩm Hòa cho biết, toàn bộ số tiền trên mua tài liệu đã bàn giao cho hiệu phó, giáo viên các lớp và phụ huynh đi mua chứ hiệu trưởng và kế toán không trực tiếp phụ trách số tiền này (?!). Tuy nhiên, theo một số giáo viên công tác tại trường, việc mua đồ chơi và dụng cụ học tập cho trẻ đều do nhà trường đảm nhiệm từ nhiều năm nay. Thậm chí, các cô còn chia sẻ bản thân rất xót xa khi nhìn cảnh trẻ thiếu đồ dùng học tập trong khi phụ huynh năm nào cũng phải đóng nộp nhưng lại không giám lên tiếng.

Câu chuyện tại trường Mầm non Cẩm Hoà chỉ mới phản ánh một phần sự bất thường trong công tác quản lý tại ngành giáo dục Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Theo Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy có địa chỉ tại Hà Nội, trong công tác quản lý, số liệu báo cáo đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ phản ánh quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức trong những giai đoạn nhất định mà còn giúp cho cơ quan quản lý cấp trên có số liệu để hoạch định chính sách. Vì thế, việc Trường Mầm non xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có sự “bất nhất” trong số liệu báo cáo như báo chí phản ánh là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Điều đáng buồn là việc này lại xảy ra ở ngành giáo dục - nơi đề cao tính trung thực.

Vấn đề cần phải làm rõ là mục đích vụ lợi, ví dụ sửa số liệu để chiếm đoạt tiền, động cơ cá nhân của người vi phạm trong vụ việc này là gì? nghiêm trọng đến mức độ nào? kéo dài trong bao lâu?... Căn cứ tính chất, mức độ, vi phạm, lỗi… người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu trong trường hợp cơ quan chức năng cho rằng cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì việc thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự. Trường hợp bị xử lý về mặt hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 284 BLHS.

Tác giả bài viết: Nhóm PV

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok