Giáo dục

Chương trình học phổ thông, hãy thay đổi toàn diện

Nếu chúng ta không làm cho giáo dục Việt tốt hơn, chúng ta không có cơ hội trong tương lai, vì mức độ cạnh tranh ở thị trường kinh tế tri thức là quá lớn.

LTS: Là nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ đôi điều về vấn đề giảm tải chương trình học.

Trong bài viết, tác giả đề cập đến việc chương trình học của Việt Nam không quá tệ nhưng liên tục điều chỉnh mà vẫn không thay đổi được cái gốc của vấn đề.

Nhân dịp Dự thảo chương trình - sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục sắp được ban hành, tác giả gợi ý một số việc cơ quan quản lý điều hành trong lĩnh vực giáo dục có thể triển khai ngay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Gần đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây xin được gọi tắt là Bộ) có ý kiến về việc chương trình đào tạo phổ thông của Việt Nam nặng kiến thức, nhẹ kỹ năng [1].

Theo đó, đề xuất sẽ xem xét “giảm tải” bằng cách điều chỉnh chương trình theo hướng “phát triển năng lực, kỹ năng cơ bản” cho học sinh, kết hợp với chuyển đổi từ đơn môn sang “đa môn và liên môn, tích hợp”.

Là người có con học nhiều chương trình khác nhau, như chương trình Việt Nam (cấp 1), chương trình của Úc-Anh (cấp 2) và chương trình quốc tế (IB) cấp 3, tôi có một số suy nghĩ sau, xin chia sẻ nhằm gợi mở cho câu hỏi:

“Liệu chúng ta cứ điều chỉnh, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa đến khi nào? Hay chúng ta cần thay đổi Toàn Diện?”.

Thứ nhất, chương trình phổ thông của chúng ta không quá tệ, chỉ là liên tục điều chỉnh, thay đổi và vẫn không thay đổi được gốc: giáo viên có dạy thật và học sinh có học thật hay không?

hoc sinh tieu hoc
Chương trình học được điều chỉnh liên tục nhưng vẫn không thay đổi được cái gốc của vấn đề là cần dạy thật, học thật. (Ảnh minh họa trên Zing.vn)

Lý do của câu hỏi này là vì trong các diễn đàn gần đây bàn về thi tốt nghiệp và xét tuyển tốt nghiệp [2], đã có cảnh báo về việc do xét tuyển sinh đại học dựa trên hồ sơ, điểm trong học bạ của học sinh lớp 12 đã tốt hơn lên nhiều.
Vậy, giả sử những điều chỉnh về giáo trình, nâng cao năng lực của giáo viên như Bộ hiện đang đề xuất, có thực sự giúp được việc học thật, dạy thật ở các cấp phổ thông và xóa bỏ được tình trạng ngồi nhầm lớp [3] như báo chí đã nêu?

Thứ hai, những quan ngại lớn về việc chất lượng sách giáo khoa mới sắp áp dụng vào 2018 [4], theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, là rất đáng lưu tâm.



Chúng ta có vẻ như soạn thảo sách giáo khoa như theo phong trào, theo kinh phí dự án. Cuối cùng, tốn kém nhiều, hiệu quả không thấy đâu.

Cải cách sách giáo khoa được bàn đến và hiệu chỉnh nhiều lần hơn 10 năm nay, nhưng không thấy được sự tác động tích cực vào hệ thống giáo dục.

Không chỉ có sách, chúng ta yếu kém cả về năng lực giảng dạy, môi trường học tập, mặc dù tiền tiêu vào trang thiết bị cho các đề án nâng cao năng lực giáo dục ở các trường vẫn là con số hàng nghìn tỷ [5].

Từ những thực tiễn không hiệu quả trong việc hiệu chỉnh sách giáo khoa, các đề án năng cao năng lực giáo dục ở Việt Nam, theo quan sát của cá nhân, xin đề xuất mấy ý kiến với Bộ và các thầy cô giáo, nhân dân có con em đang học các cấp, cùng suy nghĩ và cân nhắc:

1. Để chuẩn bị cho dạy và học ở thế kỷ 21, GS. Darling-Hammond (Stanford) [6] và Tổ Chức Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (WEF) [7] có nhắc đến 3 nhóm kỹ năng tiên quyết mà các học sinh cần phải có [xem bảng dưới đây].

3 nhóm kỹ năng này gồm: kiến thức và kỹ năng học tập nền tảng; kỹ năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề phức tạp; và tính cách tạo nên chất lượng cuộc sống, nhằm tạo nên một con người “học suốt đời” cho thế giới cách mạng công nghệ lần 4 đang đến.

ki nang
Bảng mô tả ba nhóm kỹ năng tiên quyết mà các học sinh cần phải có theo. (Ảnh tác giả cung cấp)

2. Thế giới đã sang trang với cách mạng công nghệ 4.0 (công nghệ của trí tuệ nhân tạo), trong khi Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn chuyển đổi từ 1.0 bước sang 2.0 [8].

Vì thế, không có cách nào khác cho chúng ta, dân tộc Việt, buộc phải tập trung cao cho Giáo dục như một biện pháp hữu hiệu để vượt lên chính sự tụt hậu của đất nước.

Để thực hiện được việc này, nếu cứ mỗi năm cải cách sách giáo khoa, nâng cao năng lực giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy học mà không sử dụng đúng… vừa lãng phí và vừa có lỗi với thế hệ trẻ, tương lai của dân tộc.

Ngay lập tức, chúng ta có thể thực hiện những công việc sau để nâng cấp năng lực giáo dục phổ thông theo con đường mà các nước phát triển đang đi:

- Tạm dừng tất cả các điều chỉnh hay thay đổi để giữ ổn định tạm thời hệ thống đang vận hành, tránh sự xáo trộn xảy ra hàng năm.

Theo đó, khảo sát năng lực giáo dục (toàn diện) thực tế hiện nay ở các địa phương của Việt Nam để biết chúng ta đang ở đâu về giáo dục.

- Thực hiện nghiên cứu, khảo sát mô hình giáo dục phổ thông của 5 nước xuất sắc, 5 nước trong khu vực và tìm kiếm sự phù hợp giữa các mô hình với Việt Nam, để lựa chọn mô hình và chương trình được quốc tế công nhận.

Chương trình quốc tế IB từ cấp 1 – cấp 3 và cả chương trình đào tạo nghề là một hệ thống khá hoàn chỉnh của tổ chức IBO cũng rất đáng tham khảo và nghiên cứu.

Điểm cơ bản của chương trình chúng ta sẽ lựa chọn là nó phải cung cấp được cho học sinh những kỹ năng cần thiết mà WEF đã đề xuất và được quốc tế công nhận.

Nó phải đảm bảo học sinh Việt tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam có thể gia nhập vào lao động hay học tiếp ở bất kỳ đâu trên thế giới.

- Lựa chọn và thực hiện thay đổi toàn diện chương trình học phổ thông theo chuẩn quốc tế.

Theo đó, Bộ và Chính Phủ cần lập ra một Hội Đồng Cải Cách Giáo dục Quốc gia, gồm các chuyên gia nước ngoài và trong nước có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông thực thi công việc này.

Hoạt động của Hội Đồng Cải cách Giáo dục Quốc Gia sẽ được giám sát bởi 3 thành viên: tổ chức giám sát chất lượng giáo dục quốc tế (được chỉ định) – Hội Giáo viên Việt Nam và Hội Phụ Huynh Việt Nam (được thành lập trên toàn quốc nhằm huy động tinh thần học tập vì phát triển đất nước).

Các cơ quan độc lập giám sát này sẽ được quyền tự do chia sẻ suy nghĩ, đóng góp ý kiến trong quá trình thực hiện cải cách dự án, đi theo lộ trình phù hợp mà Hội Đồng Cải Cách Giáo dục Quốc gia đề xuất.

Chỉ có thay đổi toàn diện, theo chuẩn của quốc tế hay khu vực ngay trong các cấp học phổ thông mới có thể giúp học sinh Việt Nam chúng ta đuổi kịp với giáo dục trong khu vực và thế giới trong 10-15 năm tới.

Điều này là có thể đạt được, với một ý chí quyết tâm cao độ cho thay đổi giáo dục Việt Nam như một động lực phát triển đất nước.

Nếu chúng ta không làm cho giáo dục Việt tốt hơn, chúng ta không có cơ hội trong tương lai, vì khả năng cạnh tranh ở thị trường kinh tế tri thức là quá lớn. Hãy lựa chọn cho tương lai của dân tộc, của thế hệ trẻ.

Rất mong tất cả mọi người, mọi nhà giáo, cùng suy nghĩ và chia sẻ ý kiến về đề xuất này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok