Giáo dục

Chuẩn hiệu trưởng - kinh nghiệm từ Singapore

“Trường học tư duy, quốc gia học tập” được tiếp tục phát triển thành mô hình trường học “Dạy ít, học nhiều” ở Singapore.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục đã có bài nghiên cứu về Mô hình trường học ưu việt và chương trình bồi dưỡng lãnh đạo trường phổ thông ở Singapore; trong đó có đề cập đến vai trò và tiêu chuẩn của hiệu trưởng nhà trường.


PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền

Vai trò của hiệu trưởng

Theo nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, năm 1997 Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đưa ra tầm nhìn cho cải cách giáo dục tại Singapore là “Trường học tư duy, quốc gia học tập”.

Khái niệm “quốc gia học tập” đòi hỏi mọi cá nhân trong trường học phải sử dụng công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và phê phán, công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng. Trong đó, các nhà lãnh đạo trường học được lựa chọn để tham dự các chương trình đào tạo mới để chuẩn bị tốt nhất cho họ để thiết kế, lãnh đạo và quản lý các trường học tư duy trong một quốc gia học tập.

Ngày nay, “Trường học tư duy, quốc gia học tập” được tiếp tục phát triển thành mô hình trường học “Dạy ít, học nhiều”.

Nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, mô hình trường học ưu việt Singapore (Singapore School Excellence Model-SEM) là mô hình tự đánh giá đối với các “trường học tư duy” và “Dạy ít, học nhiều”.

Khung hoạt động cho phép các nhà trường có một hệ thống tham khảo cụ thể để các lãnh đạo nhà trường có thể thúc đẩy, khích lệ giáo viên, nhân viên trong nhà trường đạt tới những kết quả cao nhất. Việc áp dụng các chỉ số và các lĩnh vực cần thiết được tham khảo từ mô hình Hệ thống danh niệu chất lượng Singapore và phiên bản về hệ thống đánh giá chất lượng quốc gia Hoa Kỳ (MBNQA).

SEM có hai cấu phần chính là động lực và kết quả. Động lực cho biết cách thức nhà trường hoạt động, kết quả cho biết những gì nhà trường đạt được. Khung hoạt động yêu cầu các nhà trường cần thiết kế và tổ chức hoạt động cũng như các đầu ra từ kết quả cuối cùng, theo mô hình quản lý dựa trên kết quả. Các động lực chính là cách thức lãnh đạo nhà trường quản lý hệ thống để đạt mục tiêu.

Nền tảng của mô hình trường học là bộ các giá trị cốt lõi và mỗi trường sẽ có sự khác biệt về giá trị cốt lõi này. Theo đó, tư tưởng xuyên suốt của mô hình SEM là một nhà trường thành công phải lấy sự tiến bộ của học sinh làm trung tâm của mọi quá trình hoạt động.

Nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho thấy, Khung hành động của SEM gồm 9 tiêu chí: Một là, nhóm động lực gồm các yêu cầu: Thứ nhất là lãnh đạo, các nhà trường xác định các giá trị và tập trung vào kết quả học tập và hoạt động của học sinh cũng như cách lãnh đạo nhà trường đánh giá trách nhiệm của mình với xã hội.

Thứ hai là lập kế hoạch chiến lược. Theo đó, cách thức lãnh đạo nhà trường đặt ra những phương hướng chiến lược rõ ràng, tập trung và các bên có liên quan, xây dựng kế hoạch hành động để hỗ trợ thực hiện, cách triển khai và giám sát đánh giá quá trình thực hiện.

Thứ ba là phát triển đội ngũ. Cụ thể cách thức bồi dưỡng phát huy tiềm năng của giáo viên hướng tới mục tiêu trường xuất sắc. Thứ tư là huy động nguồn lực: Cách nhà trường huy động và quản lý nguồn lực bên trong và tận dụng nguồn lực bên ngoài hiệu quả nhằm hỗ trợ thực hiện kế hoạch chiến lược.

Thứ năm là các quy trình dạy học sinh làm trung tâm: Cách nhà trường thiết kế, thực hiện, quản lý và điều chỉnh các chương trình giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng tới phát triển toàn diện học sinh.

Hai là nhóm kết quả. Cụ thể là kết quả hoạt động và quản lý bao gồm thành tích nhà trường đạt được; Kết quả của đội ngũ giáo viên là thành tích đạt được về phát triển năng lực nghề nghiệp, tinh thần của giáo viên; Quan hệ đối tác và kết quả vê xã hội là kết quả liên quan đến đối tác và cộng đồng; Các kết quả hoạt động chính của trường bao gồm kết quả về giáo dục phát triển toàn diện học sinh.

Các giá trị cốt lõi của nhà trường

Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, mô hình SEM của Singapore gồm 7 giá trị cốt lõi, các giá trị này tính đến tất cả các yếu tố tạo ra sự thành công, xác định mục đích của SEM và tạo động lực cho nhà trường phát triển, đột phá liên tục, trong đó việc phát triển của học sinh là trung tâm của toàn bộ quá trình giáo dục, quản lý nhà trường.

Theo mô hình SEM, Hiệu trưởng có vai trò lãnh đạo nhà trường như sau: Lãnh đạo việc hình thành tư duy hệ thống cho mọi thành viên; Chia sẻ tầm nhìn về phát triển năng lực học sinh; Tạo ra những thách thức tư duy, tạo ra đổi mới; Lãnh đạo tập thể nhà trường xây dựng tổ chức học tập hay “nhà trường biết học hỏi”.

Từ bài nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho thấy, Singapore ưu tiên phát triển các hiệu trưởng giỏi, có thể đảm bảo trường học của họ cung cấp cơ hội học tập chất lượng cao và công bằng cho học sinh của mình.

Do hệ thống bậc thang nghề nghiệp của Singapore, các giáo viên chọn phương pháp lãnh đạo theo sự cố vấn của hiệu trưởng vào năm thứ ba trong công việc và sau đó thăng tiến lên tổ trưởng chuyên môn và phó Hiệu trưởng. Tất cả các hiệu trưởng đều là giáo viên đầu tiên và sau đó thực hiện các nhiệm vụ quản lý cấp trung trước khi trở thành Hiệu trưởng.

Để đảm bảo Singapore có những nhà lãnh đạo trường học giỏi nhất, các cán bộ quản lý trường học tương lai được chọn từ các giáo viên ưu tú trong hệ thống giáo dục. Các nhà lãnh đạo tiềm năng có thể được thăng cấp lên các vị trí lãnh đạo cấp trung (ví dụ như tổ trưởng chuyên môn).

Để chuẩn bị cho lãnh đạo của trường tại Singapore, Bộ GD&ĐT đã trực tiếp kiểm soát các trường về nhiệm vụ tổng thể và tầm nhìn, chương trình giảng dạy và các chức năng nhiệm vụ của giáo viên và cung cấp một chương trình phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên để họ thăng tiến nghề nghiệp.

Đối với những giáo viên được đánh giá là có khả năng đảm nhận chức vụ cao hơn đòi hỏi họ phải đảm nhiệm các nhiệm vụ hành chính ngoài việc giảng dạy. Các giáo viên này có thể được bổ nhiệm làm người đứng đầu hoặc người đứng đầu bộ phận, và nếu họ chứng minh được khả năng lãnh đạo thì họ sẽ được kiểm tra năng lực trước khi được xem xét làm hiệu trưởng. Trong quá trình đó, các ứng viên tiềm năng phải tham dự các cuộc phỏng vấn tại Bộ GD&ĐT để đánh giá sự phù hợp cho lãnh đạo của trường.

Các cán bộ nguồn lãnh đạo trường học được lựa chọn qua các cuộc phỏng vấn và các bài tập về lãnh đạo để tham dự chương trình bồi dưỡng về “Quản lý và lãnh đạo trường học” tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE). Từ năm 2001 trở lại đây, tất cả các ứng cử viên tiềm năng cho hiệu trưởng trường phải trải qua 6 tháng đào tạo toàn thời gian tại Học viện Giáo dục Quốc gia (NIE) về “Chương trình lãnh đạo giáo dục" (The Leaders in Education Program-LEP).

Tác giả: Minh Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok