Xã hội

Chưa có giải pháp ngăn chặn công trình trái phép ở kênh tiêu Vách Bắc

Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ hành lang kênh Vách Bắc đã diễn ra hàng chục năm nay.

Công trình trái phép mọc lên như nấm trong phạm vi bảo vệ kênh tiêu Vách Bắc
15 41 21 4135925974
Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố vẫn tiếp tục mọc lên

UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần vào cuộc giải quyết và giao địa phương giám sát không để vi phạm tái diễn, phát sinh. Thế nhưng, cứ như nước đổ đầu vịt…

Thiếu quyết liệt

Nằm cách trung tâm huyện Yên Thành hàng chục km nhưng Đô Thành là xã có mật độ dân cư vào loại cao nhất huyện với 1,5 nghìn dân/km2. Nhu cầu đất ở lớn đã khiến người dân xây dựng nhiều công trình trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc dù chính quyền đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý.

Cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối cho biết, việc phát hiện, xử lý vi phạm các công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc là việc làm như cơm bữa. Theo quy trình, khi cán bộ xí nghiệp phát hiện công trình trái phép sẽ báo cáo với công ty, phối hợp với chính quyền địa phương (xã, huyện) cùng giải quyết.

Thế nhưng, việc xử lý dường như chưa đem lại hiệu quả. Bằng chứng là, hồ sơ lưu trữ biên bản các vụ vi phạm cứ dày lên theo thời gian nhưng người dân vẫn tiếp tục xây dựng. Trong khi đó, thẩm quyền của công ty chỉ dừng lại ở mức yêu cầu đình chỉ công trình vi phạm chứ không có chức năng xử phạt cũng như cưỡng chế tháo dỡ.

Để trả lời câu hỏi vì sao số công trình vi phạm không ngừng tăng lên, ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho rằng, khi xây dựng hệ thống kênh tiêu Vách Bắc, Đô Thành đã mất đi một quỹ đất nhất định. Điều này khiến áp lực về đất sản xuất, đất ở rất lớn.

Vì vậy, khi đấu thầu được đất kinh doanh, đất ki- ốt bán quán, họ xây dựng luôn nhà ở, lúc đầu mới chỉ tạm bợ kinh doanh, sinh sống nhưng sau đó xây dựng thành các công trình kiên cố. Ông Dương cho rằng, việc cho thầu đất diễn ra khi luật và công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo; Luật Đê điều cũng ra đời sau này nên người dân và cả chính quyền thời kỳ đó còn chủ quan.

Bên cạnh đó, việc nhiều hộ dân, đặc biệt là một số cán bộ xã đã xây dựng nhà cửa kiên cố chưa tìm ra phương án giải quyết triệt để cũng khiến những hộ xung quanh cho rằng, người khác làm được thì mình cũng làm được.

Ông Hồ Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã Đô Thành cho biết, nhiều vụ việc, sau khi lập biên bản đình chỉ xong, ngay ngày hôm sau họ lại tiếp tục thi công. Năm 2014, 2015 và đầu năm 2016 UBND xã Đô Thành đã phải thuê máy múc trả lại mặt bằng những lô đất người dân vi phạm. Thế nhưng, việc vi phạm cứ tái diễn.

Ẩn số nằm ở đâu?

Cán bộ địa chính xã Đô Thành cho biết, giá mỗi m2 đất ở tại Đô Thành giao động từ 5- 6 triệu đồng. Diện tích được cấp trái phép trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc theo thống kê trên dưới 15.000 m2. Nếu quy đổi, toàn bộ diện tích đất trên có giá trị trên 75 tỷ đồng.

Trong số 180 ngôi nhà được xây dựng, có những ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng. Nếu chỉ lấy bình quân 300 triệu đồng/nhà thì số tiền quy đổi cũng gần 60 tỷ đồng. Theo ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành thì đây là lỗi do lịch sử để lại. Giải quyết vấn đề này không nằm trong tầm tay địa phương.

“Giải phóng toàn bộ để trả lại hành lang kênh Vách Bắc là vấn đề quá sức của địa phương, cần đến vài ba trăm tỷ đồng cùng với đó là các chính sách về an sinh xã hội, đất đai tái định cư…

Nói chung, tầm địa phương không thể giải quyết được. Chúng tôi chỉ mong UBND huyện Yên Thành, UBND tỉnh Nghệ An tìm cách tháo gỡ. Nếu không thể di dời tái định cư thì có thể tìm ra phương án khả dĩ như kiểm tra cụ thể cao trình, đầu tư xây dựng kè kênh khỏi bồi trúc để người dân vẫn được giữ nguyên hiện trạng”, ông Dương hiến kế.

Ngày 6/10/2014, sau khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, Sở TN- MT tỉnh Nghệ An có Báo cáo số 3998/BC-STNMT. Theo đó, việc xử lý các cá nhân sai phạm là khó thực hiện bởi các cán bộ xã thời kỳ 1988-1996 hầu hết đã qua đời hoặc đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Còn một số cá nhân, tổ chức thời kỳ sau bị kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc… Báo cáo cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở NN- PTNT Nghệ An chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để lồng ghép công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong phạm vi kênh Vách Bắc khi thực hiện Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An hoặc dự án khác.
15 41 21 5135925858
Hành lang bảo vệ Kênh Vách Bắc bị xâm lấn nghiêm trọng

Giao cho UBND huyện Yên Thành chủ trì phối hợp với UBND xã Đô Thành, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An lập phương án chi tiết giải tỏa mặt bằng nằm trong phạm vi bảo vệ kênh Vách Bắc… Giao UBND huyện Yên Thành yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình giữ nguyên hiện trạng.

Tuy nhiên, văn bản trên đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Thực tế, việc vi phạm, xây dựng các công trình trái phép vẫn diễn ra thường ngày.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng TN-MT huyện Yên Thành cho biết: “Báo cáo số 3998/BC-STNMT là văn bản cuối cùng tính đến thời điểm này và đến nay nó vẫn chỉ nằm trên giấy, sự việc chưa có chuyển biến tích cực. Thực tế, địa phương không thể giải quyết được, chỉ cố gắng giữ nguyên hiện trạng nhưng cũng rất khó vì người dân đã nộp tiền cho chính quyền xã những năm trước. Họ lấy lý do đó để xây dựng các công trình.

Hiện nay, theo quy định mới, đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn các phát sinh liên quan đến việc xây dựng các công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ kênh Vách Bắc”.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Nghệ An cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là không để việc xây dựng trái phép phát sinh: “Trước nay, việc đảm bảo không xảy ra xây dựng các công trình trái phép thuộc về địa phương, sâu sát nhất là thôn, xã. Không thể nói một công trình mọc lên mà thôn, xã không biết. Ngành thủy lợi không được trang bị các công cụ để xử lý trong khi chính quyền địa phương có đầy đủ công cụ và lực lượng. Thời điểm này, để lồng ghép một chương trình, dự án vào giải quyết hậu quả của nạn xây dựng trái phép trong hệ thống bảo vệ hành lang kênh Vách Bắc là rất khó. Vì vậy, việc cần kíp nhất là không để phát sinh vi phạm mới trước khi nghĩ đến phương án giải quyết những vụ việc đã xảy ra”.

Tác giả bài viết: Võ Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok