Tính lãi từng đồng
Thời gian gần đây, phóng viên NTNN nhận được phản ánh của người dân về việc lạm thu tái phát tại thôn Phù Ích, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khiến dân bất bình. Đặc biệt, nếu chậm nộp phí sẽ tính lãi 1% theo từng mùa vụ, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con.
Từ thông tin của người dân, ngày 13.7, lần thứ ba, phóng viên về thôn Phù Ích. Đi khắp các thôn làng ngõ xóm, đâu đâu chúng tôi cũng thấy bà con nông dân bàn tán về chuyện mình phải đóng phí. Trong câu chuyện với chúng tôi, người dân lo nhất là phải nộp thêm tiền lãi nếu không đóng phí đúng hạn; cùng với đó là một số khoản thu vô lý mà các thôn xóm đưa ra nhưng người dân không biết kêu ai.
Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Xoan khi cả gia đình 10 khẩu đang ngồi giữa ngôi nhà cấp 4 xập xệ, sau khi làm đồng về.
Người dân xã Ích Hậu, Lộc Hà hoa mắt vì nhiều khoản phí, quỹ. ảnh: Lam Khê |
Khi đề cập đến việc thu phí hàng năm tại địa phương, bà Xoan nói: Cứ hết mùa vụ tôi lại phải lo bán lúa non để đóng phí, chứ nếu không đóng kịp để kéo rê sang mùa sau là bị tính thêm tiền lãi. “Dù vẫn biết thôn đề ra việc thu lãi để thúc các hộ dân ai cũng phải lo nộp sớm, nhưng đối với một số hộ khó khăn thì việc thu lãi này lại là gánh nặng. Chúng tôi cũng không biết kiểu tính lãi này đúng hay sai nữa” – bà Xoan nói.
Anh Phan Văn Hùng - con trai bà Xoan thì tỏ ra bất bình: “Chuyện thu thêm lãi nếu bà con đóng nộp các khoản phí chậm là không đúng rồi, bây giờ còn thu thêm khoản tiêm phòng gia súc trâu bò (30.000 đồng/hộ). Gia đình tôi gần 6 năm nay không nuôi một con trâu, con bò nào nhưng thôn vẫn bắt đóng 30.000 đồng quỹ tiêm phòng gia súc. Nhiều lần tôi hỏi thôn, xã nhưng họ trả lời rằng cái này đã đề ra lâu rồi, cứ thế mà nộp. Đây là điều hết sức vô lý”.
Cách nhà bà Xoan một bức tường là gia đình ông Hoàng Đình Quy. Ông Quy tàn tật bẩm sinh và được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước với người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người khuyết tật.
Hằn trên khuôn mặt khắc khổ của ông Quy là nỗi bất bình không biết nói cùng ai: Tôi khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn nên mọi sinh hoạt hiện nay vẫn dựa vào mẹ tôi, năm nay bà đã 78 tuổi. Mỗi tháng tôi được Nhà nước trợ cấp 400.000 đồng, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào số tiền này. Thế nhưng, năm 2016, chỉ vì tôi nộp thiếu 100.000 tiền thuế thôn mà năm nay họ vẫn tính lãi.
“Tôi bị tật còng lưng đi không nổi, gia đình có 5 khẩu ruộng, 3 đứa con vào miền Nam mưu sinh. Tôi và mẹ già ở nhà không làm được, cho người ta mượn ruộng, năm họ trả cho vài ba tạ lúa để ăn mà thôn xóm vẫn bắt tôi đóng các loại phí như thu đuôi chuột, thủy lợi đầu canh…” - ông Quy ứa nước mắt.
Đến hẹn lại lên, khi mùa vụ kết thúc cũng là lúc gia đình ông Hồ Phúc Tiến nhận được giấy thông báo của thôn về các khoản thu phí dịch vụ mà gia đình ông phải đóng nộp trong năm. Thế nhưng, ông choáng váng với tổng số tiền ông phải nộp lên đến gần 5 triệu đồng, trong đó tiền dịch vụ năm 2017 là 169.000 đồng, tiền thu nợ các khoản thu từ năm 2016 về trước là 3.802.000 đồng, đáng chú ý là có thêm khoản lãi 228.000 đồng (1%).
Nói về khoản nợ từ năm 2016 về trước, ông Tiến bức xúc: “Vợ trước của tôi mất năm 2012, đến năm 2014, tôi lấy vợ mới quê ở xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc). Do một vài lý do nên bà nhà tôi cứ đi đi về về chứ chưa nhập khẩu về xã Ích Hậu. Vợ tôi chủ yếu vẫn sinh hoạt ở xã Thuần Thiện nên đóng các khoản phí dịch vụ bên đó, có hóa đơn và có giấy xác nhận của UBND xã Thuần Thiện. Thế nhưng thôn Phù Ích vẫn truy thu các khoản thu khác tại đây. Tôi thấy việc này quá vô lý nên không nộp mà không nộp thì cán bộ thôn tính lãi 1% theo từng mùa vụ và không ký bất cứ giấy tờ gì cho chúng tôi”.
Ngoài các khoản mà UBND xã Ích Hậu đã thống nhất để bà con đóng nộp hàng năm, người dân thôn Phù Ích còn phải đóng thêm các khoản dịch vụ của xóm như: Thu đổ xô bồ đường Đồng Mắn; thu tiền điện sáng nông thôn; thu tiền dịch vụ năm 2017; thu thủy lợi đầu canh nộp cho xã; thu đổ xô bồ đường nội đồng; thu khẩu cơ đê; thu đất mượn đập táng; thu thiếu đuôi chuột... Trong các khoản thu trên thì người dân đều có chung một thắc mắc: Thu tiền dịch vụ 2017 mà chưa rõ thu để phục vụ việc gì? Thu tiền Đồng Mắn, thu khẩu cơ đê cụ thể là thu như thế nào, phục vụ việc gì, các khoản thu này đã hợp lý chưa?
Phóng viên NTNN đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Hồ Ngọc Thắng – Trưởng thôn Phù Ích nhưng ông này đều từ chối gặp phóng viên bởi lý do phóng viên không được xã giới thiệu.
Rà soát lại tất cả các xã
Khẩn trương kiểm tra, làm rõ đúng - sai
Liên quan tới vụ việc, ngày 13.7, phóng viên NTNN đã liên hệ với ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông Khánh cho hay, tới thời điểm hiện tại, ông đã giao Chủ tịch huyện Lộc Hà khẩn trương kiểm tra và báo cáo trực tiếp với ông. Đúng, sai tới đâu sẽ trả lời Báo NTNN.
Trước những nỗi băn khoăn, bức xúc của bà con thôn Phù Ích chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch xã Ích Hậu, thế nhưng mọi cố gắng để được gặp trực tiếp đem tâm tư, nguyện vọng của bà con trao đổi với ông Quân để tìm câu trả lời thỏa đáng đều không được.
Sau nhiều cuộc hẹn không được, chúng tôi tiếp tục gọi điện cho ông Quân, vừa nghe phóng viên giới thiệu, ông Quân phản ứng gay gắt: “Báo chí viết rờ rờ (linh tinh - PV), viết nhằm mắt. Làm gì có việc lạm thu tại thôn Phù Ích, chúng tôi sẽ làm đơn kiện báo nào còn viết như thế”.
Trước thắc mắc của chúng tôi về việc có phải UBND xã đã bật đèn xanh để ban cán sự thôn Phù Ích thu thêm tiền lãi đối với những hộ dân chậm nộp phí, ông Quân phân trần: “Theo Pháp lệnh 34, dựa trên tinh thần dân chủ, các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước, xã hoặc thôn muốn thu thêm phải tiến hành họp dân, nêu dân đồng tình mới thu, UBND xã không can thiệp về vấn đề này. Về mặt nguyên tắc, việc ban cán sự thôn Ích Hậu thu thêm lãi suất như vậy là sai”.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của ông Quân, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng Tài chính, kế hoạch huyện Lộc Hà.
Khi đem phiếu thu của thôn Phù Ích phát cho bà con xã viên, ông Khánh cũng thừa nhận: “Các khoản thu như thu thủy lợi đầu canh nộp cho xã; thu thiếu đuôi chuột, thu lãi… theo quy định nhà nước đều không có các khoản thu này. Tôi lần đầu tiên mới nghe tên các khoản thu lạ kỳ này. Tuy nhiên, chắc phía dưới cũng có sự thống nhất của người dân rồi mới đưa ra các khoản thu đó?” - ông Khánh đặt giả thiết.
Ông Khánh cho biết thêm: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo NTNN về việc có dấu hiệu lạm thu tại thôn Phù Ích, chúng tôi đã cử anh em về địa phương để xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, việc thôn Phù Ích tự ý đặt ra quy định tính thêm tiền lãi khi chậm nộp phí thôn là hoàn toàn sai, đây là bài học đắt giá trong việc quản lý. Thông qua việc này, chúng tôi cũng sẽ cho anh em rà soát tất cả các địa phương trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh, xử lý”.