Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tại Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2020 là 608,013 tỷ đồng, trong đó vốn từ năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 144,513 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ để triển khai 13 dự án trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 26 - 10, toàn tỉnh đã giải ngân được 242,109 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, trong gần 3 tháng gần đây đã giải ngân được 118,775 tỷ đồng, bằng 98% giá trị giải ngân của cả 7 tháng trước đó (123,334 tỷ đồng). Tỷ lệ dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 80%; còn khoảng 20% vốn không thể giải ngân theo đúng kế hoạch.
Như vậy, tình hình giải ngân vốn ODA cho các dự án tại Thanh Hóa vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan, là do các chủ đầu tư thiếu tính quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn chậm. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án, không có khối lượng để giải ngân vốn. Thực tế năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong xử lý hồ sơ, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án còn hạn chế.
Cùng với đó, nguyên nhân khách quan là do sự chồng chéo, bất cập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thủ tục giải ngân; một số dự án chưa ký hợp đồng vay lại vốn ODA; sự khác biệt về trình tự, thủ tục, chính sách của Việt Nam và nhà tài trợ về đấu thầu; những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Từ nay đến cuối năm, để các dự án bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân vốn, ông Nguyễn Đình Xứng lưu ý, đối với các chủ đầu tư phải lo phối hợp với các ngành, đấu mối vốn đối ứng, phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án…Đối với các sở ngành liên quan, cần có hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc, nếu quá thẩm quyền phải có báo cáo ngay với Chủ tịch UBND tỉnh. Với những dự án thiếu vốn đối ứng của tỉnh, các sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chủ đầu tư bàn bạc, tham mưu, đến ngày 3 - 11, phải đề xuất tìm được nguồn huy động vốn đối ứng cho các dự án.
Hiện nay, Thanh Hóa có 3 dự án đang có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết với khoảng 96 tỷ đồng cần giải ngân; và có khả năng chưa thể giải ngân hết trong năm 2020. Ông Xứng yêu cầu chủ đầu tư và các sở liên quan phải có đề xuất UBND tỉnh để báo cáo Trung ương xin chủ trương điều chỉnh vốn sang năm 2021.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư 11.224 tỷ đồng; trong đó, 15 dự án do tỉnh quản lý, bố trí kế hoạch vốn; 8 dự án do Trung ương quản lý, bố trí kế hoạch vốn.
Tác giả: Minh Châu
Nguồn tin: Báo Đầu tư