Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Không để 10 năm sau thấy không được gì từ đặc khu

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh khi cho rằng vấn đề là thu hút đầu tư, cơ chế chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm... thuế.

Sáng nay (16/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Nhiều ý kiến lưu ý rà soát kỹ chính sách ưu đãi cho phù hợp.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thống nhất quan điểm chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội: "Vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm... thuế, không thu khoản này khoản nọ"

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo 3 vùng động lực chứ không phải để Nhà nước bỏ ra 1 triệu tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ đồng trong khi 3 đặc khu cần 1 triệu tỷ đồng thì cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo khả thi

“Vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm... thuế, không thu khoản này khoản nọ. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì” – Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị rà soát kỹ các quy định.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tính toán nguồn lực một cách cụ thể: “Nói phải đi đôi với thực hiện. Ngoài bỏ ngân sách thì còn miễn, giảm, giãn... thì cũng phải tính toán. Tất cả phải ở trên bàn, ít nhất cũng khái toán bởi kinh tế mà định tính thì không thể đưa ra quyết định đúng đắn”.

Về chính sách, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ thế nào là “đặc biệt” để tránh việc giao đất 99 năm tràn lan. Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế cần cân nhắc.

“Chính sách thuế cần có quy định thể hiện tính nổi trội nhưng phải tính toán kỹ, vì không cẩn thận thì chúng ta chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra, thậm chí tạo gánh nặng ngân sách, nhất là dùng chính sách miễn, giảm, giãn tràn lan” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và đặt câu hỏi tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng” chứ không phải đầu tư.

“Nên có chính sách hợp lý hơn, chứ không nên miễn, giảm quá mức như thế này. Tôi không đồng tình miễn, giảm như thế này” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm và nhấn mạnh có ưu tiên phát triển khác nhau để phát huy lợi thế so sánh của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, chính lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, tại cả 3 đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu là 44.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ). Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn./.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok