Trong tỉnh

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa ưu ái tuyển dụng con ruột?

Cho rằng mỗi lái xe của đơn vị đều “gắn” với phương tiện mà mình được phân công lái, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã hợp thức việc tuyển con ruột vào làm lái xe của cơ quan và chuyển lái xe “kỳ cựu” đi nơi khác.

Theo phản ánh của anh Phạm Anh Đồng, lái xe của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh quyết định điều chuyển công tác với anh chưa phù hợp quy định, cố tình “đẩy” anh Đồng đi để đưa con trai ông Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa vào “thế chỗ”.

Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa

Theo Hợp đồng lao động được ký giữa anh Đồng và LĐLĐ tỉnh, tại điều 1 có ghi “Anh Phạm Anh Đồng làm việc theo loại HĐ không xác định thời hạn. Kể từ ngày 01/3/2001 tại Văn phòng LĐLĐ tỉnh - do ông Chánh văn phòng trực tiếp quản lý và phân công công tác. Công việc phải làm là lái xe đưa cán bộ lãnh đạo đi họp, đi làm việc ...”. Từ đó đến nay, anh liên tục hoàn thành nhiệm vụ, chưa một lần vi phạm kỷ luật hay gây tai nạn, sự cố nghiêm trọng trên đường, từng được tặng nhiều Bằng khen và danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Tuy nhiên, mới đây, thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc sử dụng và thanh lý phương tiện xe ôtô, ngày 01/3/2018, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa ra quyết định điều chuyển chiếc xe ôtô do Liên đoàn quản lý, sử dụng, mang Biển số 36B-1945 cho Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa (chiếc xe này do anh Đồng lái). Tiếp đó, ngày 05/3, LĐLĐ tỉnh ra Quyết định số 58/QĐ-LĐLĐ, điều động anh Đồng về nhận công tác lái xe cho Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn.

Anh Đồng trình bày nguyện vọng muốn ở lại công tác tại LĐLĐ tỉnh do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, ốm đau không người chăm sóc, anh trai bị bệnh hiểm nghèo… Thêm nữa, Công văn số 73/TLĐ ngày 12/01/2018 của Tổng Liên đoàn chỉ yêu cầu điều chuyển xe ôtô chứ không bắt buộc phải điều chuyển lái xe, nhưng ông Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh vẫn kiên quyết chuyển bằng được anh Đồng về Nghi Sơn.

Đáng chú ý nữa, từ cuối năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam có công văn chỉ đạo về việc sắp xếp, thanh lý xe ôtô dôi dư. Thời điểm này, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa có 3 xe ôtô và 3 lái xe, trong đó có một người sẽ nghỉ hưu vào 01/01/2017. Như vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa sẽ phải điều chuyển bớt một xe ôtô; số xe còn lại là 2 chiếc; số lái xe là 3 người, trừ một người nghỉ hưu, nếu không tuyển thêm, sẽ còn lại 2 người là vừa đủ.

Ông Ngô Tôn Tẫn- Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hóa


Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động tỉnh này vẫn ký HĐLĐ 12 tháng, tuyển dụng anh Ngô Duy Tiến (con trai ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động) từ 01/02/2017 đến 31/01/2018; sau đó, đầu năm 2018 ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, Hợp đồng này được cho là "có vấn đề" bởi anh Tiến được tuyển dụng vào đúng thời điểm LĐLĐ tỉnh phải sắp xếp, điều chuyển phương tiện xe ôtô dôi dư, đồng nghĩa với việc cơ quan không có nhu cầu thêm về lái xe.

Mặt khác, theo anh Đồng, quyết định điều chuyển công tác đối với anh đã vi phạm quy chế dân chủ, không xem xét đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thiếu công bằng, khách quan. Nếu so sánh giữa 3 lái xe của cơ quan, anh Đồng là người có Giấy phép lái xe hạng E, thâm niên lái xe lâu năm nhất (24 năm), riêng lái xe tại LĐLĐ tỉnh thì đã có tới 17 năm; người thứ hai là Phạm Xuân Thơ, lái xe 11 năm; thứ ba là Ngô Duy Tiến (con trai ông Ngô Tôn Tẫn). Như vậy, xét thứ tự ưu tiên, người nên điều chuyển đi phải là anh Tiến.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Tôn Tẫn cùng lãnh đạo LĐLĐ Thanh Hóa cho biết, việc điều động lái xe Phạm Anh Đồng đã được thực hiện khách quan, dân chủ, đúng quy trình, quy định của Luật Lao động. Trước khi ra quyết định, lãnh đạo cơ quan đã gặp gỡ, đả thông tư tưởng, tổ chức họp cơ quan để anh Đồng được trình bày nguyện vọng…

Thêm nữa, theo quy định của đơn vị, từ trước đến nay, mỗi lái xe của đơn vị đều “gắn” với phương tiện mà mình được phân công lái. Do đó, việc điều động anh Đồng vào đơn vị mới là phù hợp, đơn vị công tác mới là Công đoàn bộ phận, trực thuộc LĐLĐ tỉnh. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định lái xe gắn liền phương tiện có được ghi trong HĐLĐ hay bất cứ quy định bằng văn bản nào hay không, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết đây chỉ là quy định bất thành văn và “vẫn được thực hiện từ nhiều năm nay”.

Vấn đề đặt ra là, nếu anh Tiến không phải con trai ông Chủ tịch thì liệu có được ưu ái tuyển dụng vào LĐLĐ tỉnh không? Cứ cho là việc tuyển dụng, điều chuyển được thực hiện đúng quy định, nhưng việc tỉnh LĐLĐ ký HĐLĐ với anh Tiến đúng vào thời điểm phải sắp xếp, bố trí lại phương tiện xe ôtô dôi dư thì cần phải giải thích thế nào?

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok