Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trong phần sau buổi làm việc sáng 16/8, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề, ùn tắc giao thông hiện gây thiệt hại 3% GDP/năm, nguyên nhân chủ yếu là do việc cấp phép la liệt các khu đô thị với mật độ lớn ở đầu ô, đầu cầu các đô thị lớn.
Vừa qua, ông Nhưỡng chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Dũng về vấn đề này thì nhận được câu trả lời là lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng rà soát. Ông Nhưỡng muốn biết, Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ được giao đến đâu?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà xác nhận hiện tượng cấp phép xây dựng nhiều khu đô thị, khu chung cư ở trung tâm cũng như ngoại ô của đô thị gây quá tải hạ tầng. Đây là hiện tượng có thật.
Theo Bộ trưởng, nếu các khu đô thị được thực hiện đúng với các quy định về quản lý phát triển, tuân thủ quy hoạch, thiết kế đô thị và giấy phép xây dựng thì sẽ đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, đồng bộ với dân số, hạ tầng của khu vực, thậm chí đáp ứng cả đánh giá tác động môi trường. Như vậy thì chắc chắn không có hiện tượng quá tải dân số dẫn tới hệ luỵ là ùn tắc như vừa qua.
Giải pháp xử lý theo Bộ trưởng Xây dựng là phải quản lý việc tuân thủ quy hoạch chi tiết, duyệt thiết kế chặt chẽ với từng khu đô thị, từng toà nhà chung cư mới giải quyết được vấn đề.
Qua rà soát theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, ông Hà cho biết, về cơ bản, những chung cư được chỉ ra đều xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết.
“Còn việc làm các khu đô thị này không đồng bộ hạ tầng giao thông cũng là thực tiễn và việc này thuộc trách nhiệm các địa phương, việc khắc phục cần làm ở cả ở địa phương, cơ quan thẩm định, cơ quan tư vấn, chủ đầu tư…” – Bộ trưởng Xây dựng đáp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) tiếp tục truy vấn về việc này. Ông Hồng cho biết, năm ngoái ông có gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. Văn bản trả lời ông nhận được 5 tháng sau đó vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân khiến chung cư "bọc kín" các tuyến đường là do buông lỏng quản lý hay lợi ích nhóm?
Đại biểu minh họa bằng khu đô thị Linh Đàm, một thời là kiểu mẫu, giờ đây trở nên rất nhếch nhác, lổn nhổn.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. |
Lãnh đạo Quốc hội chỉ định Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham gia báo cáo thêm, nhất là về vấn đề vi phạm quy hoạch chi tiết của các khu đô thị, khu chung cư khiến hạ tầng Hà Nội bị quá tải cũng như đô thị nhếch nhác, ùn tắc.
Ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận, việc chủ đầu tư có vi phạm là có thật, chủ yếu về mật độ xây dựng và chiều cao công trình, ví dụ khu đô thị Đại Thanh của Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên.
Ông Chung cũng thẳng thắn thừa nhận: “Trách nhiệm trước tiên trong việc này thuộc về TP Hà Nội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt liên quan đến thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm”.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Hà Nội cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường... tổ chức thanh, kiểm tra. Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin ông đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương nơi có khu đô thị để giải quyết...
Để thực hiện việc kiểm soát tốt hơn, hiện Hà Nội đã đề xuất cho thí điểm chuyển Thanh tra Xây dựng thuộc Sở Xây dựng sang trực tiếp giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện quản lý. Được biết, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất thời gian tới.
Đáng chú ý, ngoài việc xử lý với công trình vi phạm, vấn đề quy trách nhiệm ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu 2016, Đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy đã xử lý 18 trường hợp các cá nhân có trách nhiệm khi buông lỏng quản lý. Đó là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách trực tiếp của các quận, huyện; Chủ tịch phường, xã; Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra....
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. |
Cũng tham gia giải trình, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân trần, thành phố lớn nhất nước có 7,6 triệu xe máy và 700.000 xe ô tô. Mỗi năm có 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi diện tích đường thì không tăng, mà có tăng cỡ nào cũng không đáp ứng hết được nhu cầu với tốc độ tăng dân số và phương tiện khủng khiếp như thế.
Ùn tắc giao thông tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Việc gia tăng dân số, phương tiện không chỉ tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hiện mỗi năm có thêm hơn 130.000 người đến thành phố cư trú.
Chủ tịch TPHCM cho rằng, chỉ có thể giải quyết ùn tắc bằng phát triển mạnh giao thông công cộng nhưng cái khó lại là nguồn lực. Hiện TPHCM đang phát triển 8 tuyến metro, vốn chủ yếu là ODA và PPP vì vốn ngân sách không đủ khả năng nhưng riêng tiếng metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật cũng đang tắc.
“Trước mắt, thành phố một mặt tập trung phát triển giao thông công cộng, một mặt quản lý chặt chẽ quy hoạch. Chúng tôi nhất quyết không mềm lòng, không cho nhập cư gia tăng thêm vì nén dân số, nén đô thị phải đồng bộ với giao thông công cộng chứ không nhất quyết sẽ gây ùn tắc giao thông” – ông Phong giải thích, xử lý ùn tắc không thể giải quyết ngay được.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông. |
Góp lời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải nguyên nhân cả Hà Nội, TPHCM đã nỗ lực mà vẫn ùn tắc vì mỗi thành phố chỉ có 7-8% diện tích mặt đất dành cho giao thông; không gian trên cao, không gian ngầm cũng chưa khai thác được bao nhiêu.
TPHCM giao thông kết nối với bên ngoài rất khó khăn vì không có các đường vành đai. Hà Nội làm xong được vành đai III, giải quyết được ách tắc cửa ngõ thì lại ùn ứ trong nội đô. Những giải pháp tổ chức giao thông 2 Chủ tịch thành phố đã nêu cũng chỉ triển khai trong không gian rất hạn chế, khó tạo hiệu quả đột phá.
Ông Đông khuyến nghị, phải thúc đẩy các biện pháp phát triển hạ tầng mà mắc nhất là vấn đề nguồn lực, phải khai thác từ quỹ đất, đấu giá đất để có nguồn lực làm đường, huy động mức đóng phí, giá trong đô thị cho cao hơn để có tiền đầu tư tiếp hạ tầng, phát triển không gian ngầm, nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí