Trong nước

Chủ tịch Hà Nội chia sẻ “bí quyết” đánh chuyển cây xanh không bị phản đối

Trước đây, mỗi khi TP Hà Nội thực hiện đánh chuyển hay chặt hạ cây xanh trên các tuyến đường ít nhiều đều bị người dân phản ứng... Tại cuộc Hội thảo liên quan đến cây xanh diễn ra sáng nay (13/1), ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã bật mí “bí quyết” về cách làm công việc này mà không bị người dân phản đối.

Sáng nay (13/1), tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo về Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và bản sắc đô thị. Hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hiệp Hội Công viên cây xanh Việt Nam đồng tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo.

Đánh chuyển, thay thế cây bị phản ứng là do cách làm chưa đúng

Phát biểu tại Hội thảo trên, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chủ trương phủ xanh thành phố và làm sạch diện tích mặt nước sông hồ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được thành phố rất quan tâm. Cụ thể, Hà Nội đã đề ra mục tiêu phấn đấu trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn từ năm 2016-2020 và xây dựng 20-25 công viên, trong đó có 3-5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng thêm nhiều diện tích mặt nước bằng cách làm thêm nhiều hồ nhân tạo. Hà Nội xác định xây dựng thêm nhiều công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân, chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị.

“Theo các nhà khoa học, trồng 1 cây xanh thì trong 2 năm đầu tiên sẽ cho được 3-5m2 cây xanh, sau 5 năm sẽ có từ 15-18m2 cây xanh, sau 10 năm sẽ có từ 25-30m2 cây xanh, tức là tán cây phát triển ra sẽ đáp ứng được như vậy. Nếu chúng ta trồng đủ 1 triệu cây mới, đến năm 2020, ít nhất chúng ta được 15-20 triệu m2 cây xanh, như vậy chia cho 7,5 triệu người dân của Hà Nội thì chúng ta sẽ có bình quân 2,5m2 cây xanh/người” – ông Chung cho biết.

Đề cập đến vấn đề trước đây mỗi lần thành phố thực hiện đánh chuyển, chặt hạ thay thế cây xanh ở một số tuyến phố đều “vấp” phải sự phản đối của người dân, ông Chung cho biết đó là do cách làm chưa đúng, dẫn đến động chạm đến tình yêu cây xanh của người dân Hà Nội.

“Trước đây thất bại là chúng ta không tổ chức trồng mới, mà chúng ta cắt tỉa, đánh chuyển ngay nên đã động chạm đến tình yêu của người dân Hà Nội đối với cây xanh. Nên bây giờ chúng tôi cắt tỉa trước, rồi trồng mới bổ sung những cây thiếu, sau đó những cây xấu mới tiến hành đánh chuyển” – ông Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung: "Đánh chuyển, thay thế cây xanh bị người dân phản ứng là do cách làm chưa đúng".

Chứng minh cho điều mình nói ở trên, ông Chung đưa ra dẫn chứng là mới đây TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đánh chuyển cây đa ở phố Khâm Thiên. Trước khi tiến hành đánh chuyển cây đa này, công ty cây xanh đã phải trồng mới toàn bộ cây trên phố Khâm Thiên; sau đó tiến hành cắt tỉa, rồi trồng bổ sung, cuối cùng mới thực hiện đánh chuyển nên đã được người dân rất ủng hộ.

Từ đó, thành phố đã đưa ra được công thức về công tác chăm sóc cây xanh trên đường phố là “cắt tỉa – trồng mới – đánh chuyển – chăm sóc – cắt tỉa – làm đẹp”.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng yêu cầu công ty cây xanh khi trồng mới cây phải đáp ứng nguyên tắc “Đa đạng, đồng bộ, đồng đều”. Nghĩa là, đồng đều về kích thước, chiều cao, khoảng cách; đồng bộ về chủng loại cây trên 1 tuyến phố, hay cùng ở 1 bùng binh; đa dạng về chủng loại, cách trồng cây, trồng 3 tầng: tầng 1 cây xanh, tầng 2 là cây hoa, tầng 3 là đa dạng về các loại cây hoa.

Có trường hợp người dân dùng nước sôi để làm chết cây

Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận, trong quá trình trồng mới cây xanh cũng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến các nguyên tắc, quy định trên khó thực hiện một cách triệt để như nhiều người dân có suy nghĩ là không muốn trồng cây xanh trước cửa nhà, nên khi trồng đã phải trồng lệch so với khoảng cách, phải trồng vào vị trí giáp ranh giữa 2 nhà.

“Có những cây phải trồng đi, trồng lại đến 5-6 lần vì họ cứ đổ nước sôi xuống dẫn đến cây bị chết. Ngoài ra, trước đây, cứ đến mùa Xuân là người dân có thói quen bẻ cành cây về vì quan niệm đó là hái lộc, nhưng đến nay sau khi tuyên truyền mạnh mẽ nên việc bẻ lộc đã hạn chế” – ông Chung cho biết.

Về công việc bảo vệ, làm sạch nguồn nước tại các sông, hồ trên địa bàn TP Hà Nội, ông Chung cho biết, cho đến nay, công ty thoát nước Hà Nội đã khảo sát làm sạch trên 800 hồ, trong đó có 122 hồ trong vùng nội thành và các vùng lân cận để tiến hành tẩy rửa làm sạch.

Trước đó, Hà Nội đã đặt hàng các nhà khoa học của nước Đức chế tạo cho thành phố chất Redoxy-3C để khử mùi hôi tại các hồ và đã thực hiện thành công tại Hồ Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok