Pháp luật

Chống người thi hành công vụ ở Hà Nội cao nhất nước

Trong số 48 vụ chống người thi hành công vụ (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017) Hà Nội có 21 vụ. Tiếp đến là các tỉnh Tiền Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị...

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, kể từ ngày 16/9/2016 đến 15/8/2017, toàn quốc xảy ra 48 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông. Hà Nội đứng đầu với 21 vụ.

Thống kê cho thấy, 2 cảnh sát hy sinh và 3 cán bộ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. 29 nghi phạm bị bắt giữ để điều tra. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 23 vụ.

Báo cáo nêu rõ, trong thời gian này, các địa phương để xảy ra trên 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, bị thương gần 17.000 người.

Người vi phạm giao thông cầm vỏ chai chống đối CSGT. Ảnh cắt từ clip.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã ban hành về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

Theo đó, hành vi chống người thi hành công vụ có diễn biến theo hướng manh động, coi thường pháp luật. Tội phạm chống người thi hành công vụ xảy ra ở nhiều hoạt động của các ngành, nhất là trong hoạt động chống tội phạm, thi hành án, thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, báo chí.

Thủ tướng chỉ thị, để ngăn ngừa các hành vi chống người thi hành vụ, các địa phương cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp tuyên tuyền pháp luật.

Ngoài ra, chính quyền các nơi cần giải quyết triệt để những vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài; xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, sách nhiễu người dân.

Để răn đe, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chỉ đạo công tác truy tố, xét xử lưu động một số vụ án điểm về chống người thi hành công vụ.

12 tỉnh, thành xảy ra 1 vụ chống người thi hành công vụ gồm: Bình Dương, Bình Định, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hà Giang, Lạng Sơn, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM. Đồ họa: Hoàng Lam.

Điều 257 - Tội chống người thi hành công vụ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok