Xã hội

Chống đối CSGT: Dân sai nhưng ghét bị phạt

Phần nhiều các trường hợp người đi đường bị dừng xe kiểm tra đều có mắc lỗi nhưng chẳng ai tự nguyện, tự giác bị phạt.

Cảnh sát giao thông (CSGT) ở nước ta tuy còn nhiều hình ảnh tiêu cực mà tiêu biểu nhất là thiếu thân thiện, hay hạch sách, đòi hỏi chung chi để cho qua lỗi… nhưng xét đến cùng nếu dân không có lỗi (dù lớn hay nhỏ) thì CSGT muốn làm khó cũng không dễ.

Phần nhiều khi bị kiểm tra hành chính, người tham gia giao thông đều có một lỗi nhỏ nào đó, ví dụ không đem bằng lái, không có bảo hiểm xe, quên bật xi nhan, tranh thủ vượt đèn vàng… vì muốn giải quyết nhanh, người vi phạm sẽ dúi tiền cho CSGT để không phải lập biên bản.

Sau khi bị chặn dừng, người đàn ông này đã đi ra một góc chuẩn bị và quay lại dúi vào tay CSGT. Ảnh cắt từ clip

“Money money money, chỉ cần như thế, không cần mất thì giờ”, câu hát trong một tiết mục hài nghe… đểu đểu nhưng là thật. Mất tiền ai mà không tức, nên dúi xong sẽ càm ràm vài câu. Đó là 90% phản ứng của người dân, 10% còn lại sẽ chống đối, cự cãi, chạy trốn, thậm chí ẩu đả với CSGT khi bị thổi phạt. Số này hoặc côn đồ thứ thiệt, người say rượu hoặc tài xế xe tải.
Xin khẳng định, rất hiếm trường hợp người tham gia giao thông không có lỗi mà bị thổi phạt. Như trường hợp chống đối đến mức khiến hai CSGT tử vong, vụ tướng chửi công an không kịp vuốt mặt ở Cần Thơ, vụ người phụ nữ nắm cổ áo công an giữa đường ở Bình Thạnh… người tham gia giao thông có oan không? Không oan, nhưng không muốn nghe nhắc nhở, không muốn chịu phạt nên mới chống đối. Tâm lý sai nhưng ghét bị phạt vì đụng chạm quyền lợi sâu xa bắt nguồn từ thói vô trách nhiệm đã ăn sâu trong số đông người dân. Xã hội chúng ta đang sống tài nguyên, tiền của không thiếu nhưng có nhiều cái thiếu trầm trọng, trong đó có “trách nhiệm”.

Người phụ nữ lái ô tô lấn tuyến khi bị CSGT nhắc nhở đã xuống xe cự cãi, xúc phạm lực lượng chức năng. Ảnh cắt từ clip

Ở các nước tiến bộ, họ dạy bọn trẻ từ nhỏ là phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Ngay cả khi gặp phải người xấu cố tình hãm hại hay do thiếu hiểu biết mà mắc sai lầm thì đó trước hết cũng là lỗi của bản thân và phải chịu mọi hậu quả sau đó, không oán thán. Có làm có chịu, chỉ như vậy con người mới cố gắng sửa chữa khuyết điểm, khắc phục hạn chế của mình để không mắc lỗi nữa, không bị thiệt hại nữa. Nếu sai mà không (chịu) bị phạt thì làm gì có chuyện sửa chữa?

Nếu những người chống người thi hành công vụ trên đây không bị xử lý thì họ đã “lơ” được lỗi sai đến hai lần. Họ sẽ vẫn phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tấn quá tải và tiếp tục chống lại bất cứ ai, kể cả công an, mỗi khi lỗi sai của họ bị phát hiện, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Công an có sai cũng phải có cớ, cái cớ đó là lỗi vi phạm của người dân. Nếu cứ vi phạm rồi chịu khó đứng chờ ghi biên bản, chờ nộp phạt tại chỗ, chấp nhận giam xe, chịu khó lên kho bạc nộp phạt đúng quy trình thì dân đâu có “chửi” công an moi tiền được. Dân nên coi lại mình trước đi!

Tác giả: HUỲNH TÂM AN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok