Ông Nam Nhật Minh (Phó trưởng Phòng quản lý Thi tuyển sinh và Công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT)
Con trai anh vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia với 24,9 điểm và đang cân nhắc phương án nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào một ngành của Trường ĐH Ngoại thương.
Thế nhưng trước đó, con anh cũng đăng ký dự kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và hiện đã nhận được giấy báo nhập học đợt 1 của trường.
“Gia đình cũng đang tính không nhập học đợt 1 ĐHQG Hà Nội, để đợi kết quả xem cháu có đỗ Trường ĐH Ngoại thương bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Nếu trượt sẽ đăng ký đợt xét tuyển 2 của ĐHQG Hà Nội nhưng hoàn toàn không chắc lúc đó có thể vào được nữa không. Vợ chồng tôi như đang chơi chứng khoán”, anh Dũng chia sẻ.
Một thí sinh cho biết hiện đã đủ điểm đỗ Trường ĐH Ngoại ngữ của ĐHQGHN nhưng em lại thích ĐH Hà Nội hơn. “Thời gian nhập học của các trường thuộc ĐHQG Hà Nội lại trước khi biết được điểm chuẩn của các trường ĐH khác. Giờ không đăng ký ĐHQG Hà Nội thì nếu hôm sau không vào được ĐH Hà Nội thì em lại thành trượt tất cả”.
Bởi nếu mức điểm thi THPT quốc gia của thí sinh có đỗ trường ĐH khác thì cũng không thể đăng ký được nữa do đã nhập học ĐHQG Hà Nội.
Nên chọn ngành/trường theo sở thích
Về điều này, TS Vũ Viết Bình (Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội) cho biết, hiện các trường đơn vị thuộc đã công bố kết quả trúng tuyển và gửi giấy báo nhập học cho các em. Từ 11-15/8 là thời gian các trường triệu tập thí sinh nhập học. Trong khi đó, từ 1/8 thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH khác ngoài ĐHQG Hà Nội. Như vậy các thí sinh hoàn toàn có thời gian để lựa chọn.
Buổi tư vấn thu hút nhiều phụ huynh và thí sinh tham dự
“Chúng ta không nên coi việc vào được ĐH như chơi chứng khoán. Thay vào đó, cần phải định hướng ngành nghề cho các em xuất phát từ sở thích, đam mê, năng lực của con. Chứ không nên phụ thuộc vào may mắn để chỉ giải quyết được chuyện vào cho được ĐH nào. Thậm chí nếu có trượt các em vẫn hoàn toàn có thể ôn thi lại năm sau nhưng ra trường được làm đúng việc phù hợp với bản thân”, ông Bình đưa lời khuyên.
Theo ông Bình, các bậc phụ huynh cũng nên tư vấn theo năng lực, sở thích và đam mê của các em để quyết định lựa chọn.
Nhiều phụ huynh quan tâm tới các tổ hợp môn thi, số nguyện vọng xét tuyển, đặc biệt là nên chọn thế nào để cơ hội đỗ cao nhất. Về điều này, ông Nam Nhật Minh (Phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cho rằng với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của từng trường.
“Phụ huynh và thí sinh cần lưu ý, một ngành có thể xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn. Do đó các em nên lựa chọn theo tổ hợp môn nào mà mình có điểm và có cơ hội trúng tuyển cao nhất”, ông Minh chia sẻ.
Cách làm tròn điểm thi
Tại buổi tư vấn, nhiều thí sinh băn khoăn về cách làm tròn điểm thi năm nay. Ông Minh cho hay: “Mỗi trường sẽ có cách tính điểm hệ số môn khác nhau tùy thuộc vào từng nhóm ngành, do đó Bộ GDĐT tôn trọng số điểm chính xác của từng môn và không làm tròn điểm. Theo quy định sẽ chỉ làm tròn kết quả cuối cùng”.
Theo quy chế năm nay, kết quả từng môn sẽ để lẻ đến 2 chữ số thập phân. Chỉ khi tính tổng điểm xét tuyển sẽ làm tròn lẻ đến mức điểm cách nhau 0,25. Ông Minh cho biết, cách làm tròn sẽ theo quy tắc làm tròn số học thông thường, xác định theo cách so điểm 2 số thập phân so với mức điểm ở giữa 0,25.
Ví dụ khoảng điểm từ 0 đến 0,25, nếu điểm của thí sinh phần 2 chữ số thập phân cao hơn mức giữa của khoảng này thì làm tròn lên thành 0,25, còn dưới thì làm tròn về 0.
Box: Liên quan đến nhóm ngành công an, Trung tá Trần Văn Đồng (Phó giám đốc trung tâm lưu trữ thư viện, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy) cho biết, chỉ tiêu năm nay của các trường, học viện thuộc Bộ Công an đã giảm khoảng 50%. Đặc biệt, các thí sinh cần lưu ý, đăng ký vào ngành công an sẽ chỉ được duy nhất 1 nguyện vọng.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng