Trong nước

Chính phủ phi giấy tờ, giảm họp hành

Chúng ta họp hành quá nhiều, các báo cáo cũng quá lớn. Cải cách từ nội bộ Chính phủ, hướng đến phi giấy tờ, giảm các cuộc họp, giảm thời gian họp”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này khi đề cập đến việc xây dựng Chính phủ điện tử. Dự kiến ngày 1/1/2019, trục liên thông quốc gia sẽ đi vào hoạt động, khi đó sẽ có sự kết nối tất cả các Bộ ngành, địa phương và có sự liên thông chia sẻ trên nền điện tử.

Đầu tư phân tán, không chia sẻ được dữ liệu

PV: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nếu không hội nhập, không cải cách, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển, thậm chí tụt hậu. Như vậy, việc xây dựng Chính phủ điện tử là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Ông Mai Tiến Dũng Chính phủ điện tử đã có những kết quả ban đầu sau 20 năm, song những cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta chưa đạt được. Ngay cả vấn đề thay đổi nề nếp, cải cách lớn trong hệ thống các cơ quan Nhà nước còn rất khiêm nhường.

Với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, tập trung phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thì cải cách là hết sức cần thiết trong xây dựng Chính phủ hiện tại. Ứng dụng CNTT, minh bạch hoá, công khai hoá trong phát triển Chính phủ… chính là sự mong đợi của mọi người dân, doanh nghiệp. Việc tham gia cải cách, xây dựng một nền quản trị thông minh là xu thế tất yếu.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

PV: Theo Bộ trưởng, những nguyên nhân, yếu tố nào tác động, cản trở việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua?

“ Chúng ta họp hành quá nhiều, các báo cáo cũng quá lớn. Văn phòng Chính phủ đang tham mưu giúp Thủ tướng xây dựng Trung tâm điều hành của Chính phủ, quá đó sẽ giảm bớt các cuộc họp, giảm bớt các báo cáo không cần thiết. Chúng ta cải cách từ nội bộ Chính phủ, đó là Chính phủ không giấy tờ, giảm các cuộc họp, giảm thời gian họp. ”

Ông Mai Tiến Dũng

Ông Mai Tiến Dũng: Năm 2016, chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử do Liên Hiệp Quốc đánh giá thì chúng ta tăng 10 bậc, đứng thứ 89/193 quốc gia, lãnh thổ. Chúng ta có chỉ số dịch vụ công trực tuyến cũng tăng từ 82 lên 74/193 lãnh thổ. Năm 2018, chỉ số về Chính phủ điện tử được nâng thêm một bậc, đang đứng thứ 88/193 quốc gia, lãnh thổ, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc.

Chỉ số này cho thấy sự cố gắng của chúng ta , nhưng so với kỳ vọng thì còn hạn chế. Ngay cả vấn đề xây dựng thể chế hay quy định vấn đề về chia sẻ dữ liệu thông tin, về bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là kết nối chia sẻ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến với DN, người dân còn rất khiếm nhường.

Thứ nhất, việc xây dựng thể chế chưa được quan tâm đúng mức. Không định hình thể chế, không có quy định, yêu cầu rõ ràng để bắt buộc thay đổi từ sử dụng giấy tờ sang ứng dụng công nghệ thông tin. Ta còn thói quen dùng giấy tờ và chính điều đó né tránh sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan.

Thứ hai, còn tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nên cơ quan đơn vị không muốn chia sẻ. Khó khăn nữa là chúng ta chưa hoàn thành nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia, trong khi đây là cái gốc của vấn đề khi xây dựng Chính phủ điện tử.

PV: Hiện nay, mỗi Bộ, ngành đều đầu tư hệ thống dữ liệu thông tin riêng, nhưng lại không kết nối với các đơn vị khác, gây không ít lãng phí, phiền hà. Theo ông, để khắc phục tình trạng này có khó hay không?

Ông Mai Tiến Dũng: Đúng là hiện nay các Bộ ngành địa phương đều có trung tâm CNTT nên đầu tư phân tán, dàn trải. Điểm quan trọng nhất là không chia sẻ được với nhau, chưa tạo sự thống nhất, chuẩn hoá về dữ liệu, báo cáo…

Chúng ta chưa theo kịp xu thế phát triển Chính phủ của nhiều nước. Như Estonia có 99,99% dịch vụ công trực tuyến với người dân và mỗi một năm, Estonia tiết kiệm được khoảng 2% GDP. Còn ở Hàn Quốc, họ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia chung, từ đó chia sẻ, phân phối dữ liệu thông tin cho các cơ quan và người dân, DN. Những thông tin đó luôn phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đất nước trên từng lĩnh vực. Họ nắm mọi thông tin, dữ liệu nên khi ra các quyết định hoàn toàn có cơ sở, chính xác, khách quan.

Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 28, quy định về gửi nhận văn bản trên nền điện tử và thông suốt từ các cơ quan hành chính cao nhất của Chính phủ tới các Bộ, ngành, địa phương, ngay cả tới huyện, xã. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tham mưu xây dựng một hệ thống đường truyền quốc gia, có các quy định về chia sẻ dữ liệu thông tin, đặc biệt, phải tạo ra cơ sở dữ liệu thông tin có tính chắt lọc chứ không phải dữ liệu thông tin lỗi thời, cũ rích. Cùng với đó là đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu.

“Ngại” thay đổi vì không muốn rời bỏ đặc lợi

PV: Một trong những kỳ vọng khi triển khai Chính phủ điện tử là tăng cường sự minh bạch, giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân, thưa Bộ trưởng?

Ông Mai Tiến Dũng: Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ. Trong giai đoạn Thủ tướng đang quyết liệt về cải cách ở các cơ quan hành chính Nhà nước và thủ tục, đây là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch, trực diện, đi thẳng vào yêu cầu của người dân, DN, từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng vì nười dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết vấn đề của họ nên tránh được tiêu cực, lãng phí.

“Hướng xây dựng là vừa có tập trung, vừa có phân tán dữ liệu. Những tài liệu, dữ liệu cốt lõi phải tập trung và Thủ tướng điều hành để có sự chia sẻ. Việc coi kho dữ liệu đó là “của anh”, “của tôi” rồi không muốn chia sẻ cho người khác là không được. ”

Năm 2016, về kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng. Khi cải cách sẽ hiệu quả, tiết giảm chi phí chính thức và không chính thức, tạo sự công khai, minh bạch, tạo ra những kênh phải giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước. Muốn làm được tốt hơn thì chúng ta phải thay đổi nhận thức, trước hết là chuyển sang xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hoá. Tất cả vấn đề định danh cá nhân thế nào, rồi xử lý hồ sơ công việc bằng số hoá sẽ tạo thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực trong thực thi công vụ.

PV: Thực tế cán bộ, công chức vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch, họ lo sẽ bị giám sát. Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức này?

Ông Mai Tiến Dũng: Đúng là khi người ta không muốn thay đổi thói quen từ làm trên giấy tờ truyền thống sang sử dụng CNTT trên nền điện tử là vì họ không muốn rời bỏ quyền lợi, đặc ân riêng có. Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp rất quan trọng.

Trước hết là làm tốt công tác tư tưởng, coi sử dụng CNTT là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ công chức khi thực thi công vụ. Tiếp đó, đề cao vai trò của người đứng đầu. Nếu ở đâu đó mà có sự tích cực từ người đứng đầu thì triển khai rất tốt. Xây dựng Chính phủ điện tử là triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, nếu ở đâu có có một mắt xích không tròn trịa thì sẽ ách tắc toàn bộ cả quá trình.

Người ta không thích thay đổi vì không muốn rời bỏ quyền lợi. Tất cả sẽ tiến tới quy định không dùng giấy tờ nữa, gắn với kiểm tra đôn đốc, giám sát. Nếu không làm nổi sẽ mời ra vị trí khác, ra bảo vệ thôi!

“Sẽ làm thực sự”

PV: Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong vấn đề này. Vậy Văn phòng Chính phủ đã thực hiện việc này thế nào?

Ông Mai Tiến Dũng: Trên cơ sở đề xuất tham mưu của Văn phòng Chính phủ, ngày 12/7/2018, Thủ tướng ban hành quyết định 28; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP ban hành quyết định 626 ngày 27/7/2018 phê duyệt thực hiện quyết định 28. Gần đây Văn phòng Chính phủ liên tục có hội thảo của các chuyên gia trong nước, nước ngoài.

Nhiều nước cũng rất ủng hộ Việt Nam trong cải cách và cử các chuyên gia sang thường xuyên. Rồi nhiều tập đoàn CNTT của Việt Nam như Viettel, FPT… cũng tham gia để tạo dựng một đường truyền từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương, tới cả cấp xã để nhận văn bản trên nền điện tử. Các văn bản điện tử này được xác lập và có giá trị như những văn bản mà chúng ta thường gọi là văn bản đóng dấu đỏ. Rồi xây dựng các quy định liên quan đến lưu giữ hồ sơ điện tử.

Đây mới chỉ là văn bản gửi nhận 2 chiều giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Quan trọng nhất là tiếp tục từ cái đó sẽ có kết nối giữa các cơ quan hành chính Nhà nước và Chính phủ với địa phương, tạo ra kênh tương tác, kết nối và chia sẻ.

“ Qua kiểm tra thực tế thì hồ sơ chạy trên nền điện tử rất ít. Đơn vị công bố thì rất nhiều, cấp độ 3, cấp độ 4, nhưng khi kiểm tra thì không có, hoặc có là chỉ một khung đoạn cập nhật tiếp nhận hồ sơ trên nền điện tử, còn hồ sơ này vẫn phải “chạy bộ” ”

Ông Mai Tiến Dũng

Quan tâm đầu tiên là ban hành thể chế và cơ sở pháp lý, tới đây xây dựng Nghị định về yêu cầu chia sẻ dữ liệu thông tin, Nghị định quy định về dữ liệu mở hay bảo vệ thông tin cá nhân. Chúng tôi cũng giúp Thủ tướng xây dựng Trung tâm điều hành của Chính phủ, trung tâm thông tin báo cáo để giảm bớt hội nghị.

Văn phòng Chính phủ cũng là cơ quan gương mẫu đi đầu trong ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ, hướng tới giúp cho Chính phủ phi giấy tờ. Như nước Estonia, trước đây họ họp Chính phủ từ 4-5 giờ nhưng hiện nay họp chỉ còn khoảng 30 phút thôi. Các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thường xuyên sử dụng, xử lý thông tin, văn bản trên mạng hết, đến khi họp chỉ bàn vấn đề quan trọng và biểu quyết. Đó là kinh nghiệm rất tốt để quyết tâm xây dựng Chính phủ phi giấy tờ.

Kết nối của Văn phòng Chính phủ là kết nối các Vụ, các cơ quan với nhau và toàn bộ hồ sơ quản lý trên nền điện tử, số hóa hết. Tôi đi công tác vẫn xử lý hồ sơ ở nhà trên điện tử hết, tôi cho ý kiến, trình đều điện tử. Hồ sơ này của doanh nghiệp này, hồ sơ của bộ, ngành hoặc địa phương đang chuyển tới Vụ nào, ai theo dõi và đang làm gì đều biết hết, từ đó có thể đôn đốc nhắc nhở. Sau khi làm tốt, nhuần nhuyễn ở Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển sang kết nối với các bộ, ngành. Văn phòng Chính phủ sẽ làm thực sự.

Tóm lại, sẽ xử lý hồ sơ trên nền điện tử, các dịch vụ công tực tuyến phục vụ người dân, DN phải chạy trên nền điện tử. Tư tưởng là nhìn rộng nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh nhất, không làm ồ ạt nhưng không thể chậm trễ, cái gì làm được trước phải làm trước, huy động toàn thể các nguồn lực. Cần sớm công bố khung Chính phủ điện tử để yêu cầu các Bộ ngành địa phương nếu có xây dựng phần mềm và kết nối thì phải dựa trên khung đó. Đi cùng với đó là công bố chỉ số, tiêu chuẩn để khi xây dựng trục liên thống quốc gia sẽ có sự kết nối, tương tác.

Tinh thần là 1/1/2019 sẽ mời Thủ tướng ấn nút trục liên thông quốc gia, khi đó sẽ có sự kết nối tất cả các Bộ ngành, địa phương và có sự liên thông chia sẻ. Muốn làm được việc này, đầu tháng 9 phải bắt đầu thí điểm từ một số Bộ, ngành, địa phương. Trong kế hoạch, sẽ kết nối với 10 Bộ và 15 địa phương. Phải làm thật, cho các Bộ ngành, địa phương chạy thí điểm khoảng 1-2 tháng cho nhuần nhuyễn, chứ không phải ấn nút xong mới kết nối. Chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư hạ tầng cốt lõi, có sự tham vấn của chuyên gia trong nước và nước ngoài. Tất cả mọi vấn đề làm đều có giám sát, đánh giá độc lập của các tư vấn và phải lường được mọi vấn đề.

PV: Đâu là những khó khăn, vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chính phủ điện tử và chúng ta khắc phục điều đó bằng cách nào, thưa ông?

Ông Mai Tiến Dũng: Khó khăn lớn nhất vẫn là do tư tưởng con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ công chức thi hành công vụ không muốn rời bỏ kiểu giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến DN, người dân mà họ phải tìm đến mình. Rào cản lớn nhất là thay đổi cách làm truyền thống.

Thứ hai là chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Chúng ta đã có chủ trương rất lâu rồi nhưng hiện nay chưa làm được bài bản, chưa được chuẩn.

Thứ ba là vấn đề đào tạo nguồn lực. Chúng ta có nhiều doanh nghiệp CNTT nhưng cán bộ có trình độ cao lại thiếu.

Thứ tư là ý thức của người dân, vì không phải chỉ riêng cán bộ làm là đã xong. Dịch vụ công trực tuyến liên quan đến phục vụ DN và người dân nên cần sự thay đổi từ đối tượng này.

Bên cạnh đó quan tâm đến nền tảng hạ tầng, hạ tầng cơ sở dữ liệu tốt, bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an ninh hệ thống, an ninh dữ liệu. Nếu vượt qua được rào cản đó thì chúng ta sẽ thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: họp hành , quy định , chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok